Đà tăng chứng khoán hàng loạt có bền?

(ĐTCK) 3 tuần gần đây, ít nhất 7 TTCK khu vực châu Á đã tăng hơn 20% kể từ mức thấp nhất vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Nhờ vậy, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương chỉ còn 3% nữa sẽ bước vào vùng tăng điểm kỹ thuật. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Thị trường Việt Nam được đánh giá có mức bật tăng mạnh nhất thế giới, khi tăng từ dưới 650 điểm lên mức 780 - 800 điểm hiện nay. Ðặc biệt, xu hướng phục hồi ngắn hạn của chỉ số VN-Index được nhận định vẫn tiếp diễn.

Theo các nhà quan sát, mẫu hình của một cuộc khủng hoảng trên TTCK thường bắt đầu bằng sự giảm đột ngột của giá các cổ phiếu, ngay sau đó, luôn có ít nhất một đợt hồi phục mà giới tài chính vẫn gọi là “cú nảy mèo chết” (dead cat bounce) khi dòng tiền “bắt đáy” sốt sắng đẩy giá cổ phiếu bật tăng, sau đó các chỉ số tiếp tục xuống dốc nặng nề hơn nữa.

Vậy đà tăng hiện tại của cùng lúc nhiều TTCK tại châu Á liệu có bền?

Đà tăng chứng khoán hàng loạt có bền? ảnh 1

Câu trả lời có thể đến trong vài tuần tới, khi đà leo dốc gặp bài kiểm tra đầu tiên: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2020 được công bố.

Việc công khai những con số này sẽ phần nào giúp nhà đầu tư “đo lường” mức độ tác động của đại dịch tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Với góc nhìn lạc quan, nếu kết quả từ các doanh nghiệp không quá tệ, đà tăng hiện tại có thể sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, những nhà đầu tư trường nghề đều biết, tính bất ổn có thể quay lại bất kỳ lúc nào.

“Ðà tăng mạnh của thị trường lúc này thể hiện nhà đầu tư đang đi trước một bước, khi số liệu về các lĩnh vực chịu tổn thất lớn như xuất khẩu, du lịch… và mức thu nhập chưa được công bố đầy đủ”, Ruchir Desai, nhà quản lý quỹ Asia Frontier Capital Ltd nhận định.

AFC Vietnam Fund cho rằng, những biến động mạnh của TTCK về cả 2 hướng tăng - giảm sẽ xảy ra trong ngắn hạn cho tới khi các yếu tố không thể đoán định như diễn biến của đại dịch, hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ từ các chính phủ phần nào có thể kết luận rõ ràng.

Cho tới nay, riêng các quốc gia G-20 đã công bố các gói hỗ trợ trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn “mò mẫm trong bóng tối” bởi không thể dự báo được hết tác động của cuộc khủng hoảng xuất phát từ đại dịch.

Hiện tại, tất cả các ngân hàng trung ương đều căng mình can thiệp ngay lập tức để cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế, thay vì can thiệp bước từng bước nhỏ như những cuộc khủng hoảng trước đây.

Việc phục hồi sau khi bước vào thị trường giá xuống (bear market) thường trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là những đợt bán tháo trên đồng loạt cổ phiếu.

Giai đoạn 2, thị trường hồi phục dù trên nền bất ổn còn rõ nét và một đợt bán tháo khác lại xuất hiện, nhưng lần này có sự phân hoá đối với từng ngành, từng cổ phiếu.

AFC Vietnam Fund cho rằng, những cổ phiếu đã giảm sâu nhất trong giai đoạn 1 sẽ bật lên mạnh nhất.

Tuy nhiên, cái gốc nhà đầu tư cần lưu ý là sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp. “Yếu tố quan trọng trong thời điểm hiện nay là doanh nghiệp cần một bảng cân đối tài chính lành mạnh. Không ai biết cuộc khủng hoảng kéo dài bao lâu và một bảng cân đối tài chính khoẻ mạnh sẽ tạo nên khác biệt lớn cho những công ty sống sót trong vài quý tới”, AFC Vietnam Fund nhận định.

Theo các dữ liệu lịch sử, nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa sẽ vượt trội hơn trong khoảng 1-2 năm đầu của chu kỳ tăng giá mới và AFC kỳ vọng lần này diễn biến thị trường Việt Nam cũng sẽ như vậy.

Trong khi đó, ông Tsuyoshi Imai, Tổng giám đốc CTCK Nhật Bản cho rằng, đà tăng hiện tại của thị trường Việt Nam không phải “cú nảy mèo chết”.

“Có nhiều thông tin đang cổ vũ những nhà đầu tư bám sàn như thị trường Việt Nam trong nhóm phục hồi tốt nhất, nhiều công ty mua vào cổ phiễu quỹ, định giá cổ phiếu ở mức rẻ, tiềm năng tăng trưởng tốt…, nhưng sẽ không có chuyện hồi phục một cách nhanh chóng. Tôi kỳ vọng thị trường sẽ nhích lên ổn định và bền vững”, vị CEO này chia sẻ.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục