Giao dịch trở lại sau khi nghỉ lễ hôm thứ Hai, phố Wall đồng loạt giảm điểm nhẹ do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chinh. Trong đó, S&P 500 điều chỉnh nhẹ từ mức cao kỷ lục.
Cụ thể, trong phiên thứ Ba, chỉ số S&P năng lượng giảm tới 1,31% do ảnh hưởng từ việc giá dầu thô sụt giảm và hiện đứng dưới mức 50 USD/thùng.
Nhóm cổ phiếu tài chính cũng giảm 0,8% do tác động từ việc cổ phiếu JPMorgan giảm 1,7% và Bank of America giảm 1,4%.
Một thông tin kinh tế quan trọng cũng được công bố trong ngày là chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 tăng mức kỷ lục và lạm phát trong tháng này cũng hồi phục trở lại, cho thấy nhu cầu trong nước đang mạnh, củng cố thêm khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng tới.
Điều này cũng khiến giới đầu tư tỏ ra thận trọng hơn với các thị trường, gồm cả thị trường chứng khoán và vàng.
Kết thúc phiên 30/5, chỉ số Dow Jones giảm 50,81 điểm (-0,24%), xuống 21.029,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,91 điểm (-0,12%), xuống 2.412,91 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,01 điểm (-0,11%), xuống 6.2203,19 điểm.
Tương tự, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu sụt giảm.
Kết thúc phiên 30/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 21,12 điểm (-0,28%), xuống 7.526,51 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 30,27 điểm (-0,24%), xuống 12.598,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,53 điểm (-0,50%), xuống 5.305,94 điểm.
Trên thị trường châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục nghỉ lễ, thì chứng khoán Nhật Bản lại quay đầu giảm sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp do áp lực của đồng yên tăng. Tuy nhiên, đà giảm được hãm lại đáng kể, thậm chí nếu may mắn, chỉ số Nikkei 225 còn có thể duy trì sắc xanh phiên thứ 4 liên tiếp nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu SoftBank.
Kết thúc phiên 30/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 4,72 điểm (-0,02%), xuống 19.677,85 điểm.
Sau khi lên mức cao nhất 1 tháng vào cuối tuần trước, giá vàng đã có thời gian tạm nghỉ do thị trường Anh và Mỹ nghỉ giao dịch hôm thứ Hai. Tuy nhiên, ngay khi trở lại, giá vàng đã nhận thông tin không mấy tích cực khi dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng và lạm phát của Mỹ trong tháng 4 đang củng cố mạnh mẽ khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6.
Với thông tin này, giá vàng đã quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, đà giảm cũng không quá mạnh do những lo ngại về bất ổn chính trị tại châu Âu vẫn còn với liên tiếp các cuộc bầu cử đang và sẽ diễn ra tại Anh, Ý, Đức.
Kết thúc phiên 30/5, giá vàng giao ngay giảm 3,9 USD (-0,31%), xuống 1.262,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 4,4 USD (-0,35%), xuống 1.262,1 USD/ounce.
Giá dầu thô giảm hôm thứ Ba do dấu hiệu sản xuất tại Lybia hồi phục và lo ngại sản lượng cắt giảm của OPEC và Nga không đủ để làm giảm khả năng dư cung trên toàn cầu.
Cụ thể, theo giám đốc tập đoàn dầu khí quốc gia Lybia, sản lượng của nước này hiện ở mức 784.000 thùng/ngày do vấn đề kỹ thuật tại mỏ Sharara, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 800.000 thùng/ngày vào thứ Ba.
Kết thúc phiên 30/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,14 USD/thùng (-0,28%), xuống 49,66 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,45 USD (-0,86%), xuống 51,84 USD/thùng.