Giá dầu Brent giảm hơn 4% xuống 67,87 USD/thùng. Giá dầu tiêu WTI của Mỹ cũng giảm hơn 4% xuống 65,33 USD/thùng sau mức giảm hơn 7% vào tuần trước - mức giảm mạnh nhất trong vòng 9 tháng.
Diễn biến giá dầu Brent và WTI |
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đang chống chọi với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và đã thực hiện các biện pháp thắt chặt hạn chế đi lại và bắt đầu thử nghiệm hàng loạt biện pháp để cố gắng kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta.
Stephen Brennock, nhà phân tích của công ty môi giới dầu PVM cho biết: “Việc kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt này đã làm ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc. Ngoài ra, tiêu thụ dầu của Trung Quốc đang chịu áp lực từ các dấu hiệu của nền kinh tế đang hạ nhiệt ngoài ảnh hưởng từ Covid-19”.
Dữ liệu được công bố vào cuối tuần cho thấy nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm còn 9,7 triệu thùng mỗi ngày, so với 9,8 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước là 12,1 triệu thùng/ngày. Tính lũy kế, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc ước tính sẽ giảm 5,6% trong năm 2021.
Wenyu Yao, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ING cho biết, giá dầu cao, hạn ngạch nhập khẩu hạn chế, đặc biệt là đối với các nhà máy lọc dầu tư nhân và việc bảo trì các nhà máy lọc dầu cũng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô ở Trung Quốc.
“Có vẻ như sự gián đoạn hoạt động của các cảng ở bờ biển phía đông do bão In-Fa vào cuối tháng 7 đã ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu dầu thô trong tháng 7”, chiến lược gia Wenyu Yao cho biết.
Bên cạnh đó, đồng USD mạnh hơn cũng khiến giá dầu thô trở nên đắt hơn đối với chủ sở hữu các loại tiền tệ khác, điều này cũng đã tác động vào thị trường dầu mỏ. Dữ liệu việc làm mạnh hơn dự kiến đã khiến đồng tiền Mỹ tăng giá mạnh vào thứ Sáu (6/8) khi các nhà giao dịch xem xét lại kỳ vọng về sự rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho biết mặc dù rủi ro về nhu cầu dầu đối đối biến thể Delta là rất lớn nhưng các yếu tố cơ bản của thị trường dầu vẫn mạnh mẽ.
“Tăng trưởng kinh tế vẫn đang đi đúng hướng và các dự báo vẫn dự đoán nhu cầu tăng trưởng vững chắc trong thời gian còn lại của năm. Trong khi đó, OPEC cũng rất thận trọng và đang điều khiển nguồn cung dầu mỏ”, nhà phân tích Brennock cho biết,
Mặt khác, OPEC+ đã đồng ý tăng nguồn cung hàng tháng 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 8/2021 cho tới khi đạt được mức sản xuất như trước thời kỳ khủng hoảng vào tháng 5/2022.