Giá dầu có thể giảm xuống 40 USD/thùng vào năm 2025 nếu OPEC hủy bỏ cắt giảm sản lượng tự nguyện

(ĐTCK) Giá dầu có thể giảm mạnh nếu liên minh dầu mỏ OPEC+ nới lỏng các biện pháp cắt giảm sản lượng.

"Đang có nhiều mối lo ngại về giá dầu trong năm 2025 hơn bất kỳ năm nào tôi nhớ kể từ Mùa xuân Ả Rập… Giá dầu có thể giảm xuống còn 30 hoặc 40 USD/thùng nếu OPEC nới lỏng cắt giảm sản lượng và không có bất kỳ thỏa thuận thực sự nào để kiềm chế sản xuất. Họ đã chứng kiến ​​thị phần của mình thực sự giảm dần qua từng năm", Tom Kloza, Giám đốc phân tích năng lượng toàn cầu tại OPIS cho biết.

Việc giảm xuống còn 40 USD/thùng có nghĩa là giá dầu thô sẽ giảm khoảng 40% so với mức giá hiện tại. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức 72 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI ở mức khoảng 68 USD/thùng.

“Do nhu cầu dầu tăng trưởng vào năm tới có thể sẽ không quá 1 triệu thùng/ngày, nên việc nới lỏng hoàn toàn các đợt cắt giảm nguồn cung của OPEC+ vào năm 2025 chắc chắn sẽ khiến giá dầu thô giảm mạnh, có thể xuống mức 40 USD/thùng", Henning Gloystein, Giám đốc bộ phận năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group cho biết.

Tương tự như vậy, nhà phân tích năng lượng cấp cao Saul Kavonic của MST Marquee cho rằng nếu OPEC+ nới lỏng hoàn toàn các đợt cắt giảm sản lượng mà không quan tâm đến nhu cầu, thì "trên thực tế sẽ dẫn đến một cuộc chiến về giá để giành thị phần, có thể khiến giá dầu xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ giai đoạn Covid".

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, OPEC+ có nhiều khả năng sẽ lựa chọn nới lỏng dần dần vào đầu năm tới, so với việc nới lỏng toàn diện và ngay lập tức.

Hiện tại, OPEC+ đã thực hiện kỷ luật trong việc duy trì cắt giảm sản lượng tự nguyện và trì hoãn quyết định nới lỏng dần sản lượng dầu đã cắt giảm.

Vào tháng 9, OPEC+ đã trì hoãn kế hoạch bắt đầu giảm dần mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày trong hai tháng nhằm ngăn chặn đà trượt giá dầu. Vào đầu tháng này, OPEC+ một lần nữa quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm một tháng nữa cho đến cuối tháng 12.

Giá dầu đã bị ảnh hưởng bởi sự phục hồi chậm chạp của nhu cầu từ Trung Quốc hậu Covid. Trong báo cáo hàng tháng được công bố vào thứ Ba (12/11), OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 từ 1,6 triệu thùng/ngày xuống còn 1,5 triệu thùng/ngày.

Giá dầu cũng chịu áp lực bởi một thị trường được cho là dư cung, đặc biệt là khi các nhà sản xuất dầu chính bên ngoài OPEC như Mỹ, Canada, Guyana và Brazil cũng đang có kế hoạch tăng nguồn cung.

Một năm ảm đạm đối với dầu mỏ

Theo chiến lược gia năng lượng Martoccia Francesco của Citibank, thị trường hiện đồng thuận rằng sẽ có một đợt tăng dự trữ dầu đáng kể vào năm tới.

"Nếu nhóm các nhà sản xuất tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất của họ, thặng dư thị trường có thể tăng gần gấp đôi... lên tới 1,6 triệu thùng/ngày", ông cho biết.

Ngay cả khi OPEC+ không nới lỏng các biện pháp cắt giảm sản lượng, triển vọng của giá dầu vẫn có thể sẽ vẫn ảm đạm. Các nhà phân tích của Citibank dự kiến ​​giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình là 60 USD/thùng vào năm tới.

Một yếu tố thúc đẩy thêm cho triển vọng bi quan là chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, sự trở lại của ông được một số người cho là có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại tiềm năng.

“Nếu chúng ta thực sự có chiến tranh thương mại và nhiều nhà kinh tế cho rằng chiến tranh thương mại là có thể xảy ra, đặc biệt là với Trung Quốc, chúng ta có thể thấy giá dầu ở mức thấp hơn rất nhiều”, ông Tom Kloza cho biết.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng luôn nhắc lại khẩu hiệu "drill, baby, drill" cho các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, với cam kết cắt giảm một nửa giá năng lượng. (Khẩu hiệu này thể hiện sự ủng hộ cho việc tăng cường khoan dầu mỏ và khí đốt như là nguồn năng lượng bổ sung).

“Để điều đó xảy ra với giá xăng bán lẻ tại Mỹ, giá dầu sẽ cần phải giảm xuống dưới 40 USD/thùng”, Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu của Kpler cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục