Giá dầu chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Libya

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng gián đoạn nguồn cung ngày càng tồi tệ ở Libya - thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Giá dầu chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Libya

Giá dầu Brent hồi phục và tiến gần quanh mốc 80 USD/thùng khi Libya đình chỉ xuất khẩu dầu từ 5 cảng phía đông trong khi sản lượng của nước này tiếp tục giảm trong bối cảnh bế tắc leo thang về việc ai sẽ kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu từ dầu mỏ.

Cuộc khủng hoảng trong tuần này diễn ra sau khi mỏ dầu lớn nhất của Libya là Sharara đã ngừng hoạt động vào đầu tháng này, khiến thị trường mất khoảng 300.000 thùng dầu/ngày. Theo số liệu từ công ty dầu khí quốc doanh National Oil, Libya đã sản xuất 1,27 triệu thùng dầu/ngày cho đến ngày 1/8, trong khi sản lượng là khoảng 590.000 thùng mỗi ngày kể từ ngày 28/8.

Fernando Ferreira, Giám đốc dịch vụ rủi ro địa chính trị tại Rapidan cho biết: "Nhìn chung, chúng tôi dự kiến ​​tình trạng gián đoạn sản xuất sẽ lên tới 900.000 đến 1 triệu thùng/ngày và kéo dài trong vài tuần".

“Việc ngừng hoạt động liên tục ở Libya sẽ xóa bỏ hoàn toàn dự kiến ​​tăng dự trữ trong quý IV và tạo ra sự sụt giảm nguồn cung, điều này sẽ khiến dự trữ ở mức cực kỳ thấp”, Scott Shelton, chuyên gia năng lượng tại TP ICAP Group Plc cho biết.

“Một động lực khác thúc đẩy giá dầu tăng là rủi ro liên tục xoay quanh xung đột giữa Israel với Hezbollah hoặc Iran sẽ leo thang”, Robert Yawger, Giám đốc bộ phận năng lượng tương lai tại Mizuho Securities USA cho biết.

Giá dầu Brent vẫn đang trên đà giảm nhẹ trong tháng này, ngay cả sau khi dự trữ của Mỹ liên tục giảm khiến nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, những lo ngại về tăng trưởng ở Trung Quốc cũng dai dẳng vì nước này có khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay, làm suy yếu nhu cầu tại nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Goldman Sachs và Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo giá dầu năm 2025 trong những ngày gần đây, với cả hai đều dự kiến ​​sẽ có thặng dư vào năm tới khi sự phục hồi của Trung Quốc mất đà.

Tuy nhiên, kỳ vọng về lãi suất thấp hơn ở Mỹ và kỷ luật cung ứng của OPEC+ chống lại nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu. Đồng thời, khả năng OEPC+ tăng sản lượng từ tháng 10 đang lơ lửng trên thị trường.

John Kilduff, đồng sáng lập của Again Capital cho biết: "Dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc vẫn là một trở ngại và nếu tình hình Trung Đông có thể giải quyết hoặc báo hiệu rằng nó sẽ giải quyết, tôi kỳ vọng giá sẽ tiếp tục quỹ đạo giảm".

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng của Libya lại diễn ra vào thời điểm thích hợp đối với OEPC+, và một số nhà phân tích đặt ra nghi ngờ về việc liệu họ có tiếp tục kế hoạch khôi phục sản xuất từ ​​tháng 10 hay không.

OPEC+ đã cắt giảm sản lượng hàng triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ năm 2022 trong nỗ lực hỗ trợ giá dầu. Liên minh có kế hoạch tạm thời khôi phục 543.000 thùng/ngày trong quý IV và sẽ đưa ra quyết định về cách tiếp cận đó trong những ngày tới.

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc bổ sung nguồn cung có thể khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng dư thừa, nhưng việc ngừng sản xuất kéo dài ở Libya có thể thay đổi cách tiếp cận.

"Đây có thể chỉ là lý do hoàn hảo để liên minh sản xuất tiếp tục duy trì sản lượng hiện tại", Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi giới PVM Oil Associates cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục