Giá cổ phiếu rơi, lãnh đạo doanh nghiệp chơi vơi mua - bán

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa trải qua 3 tuần điều chỉnh giảm mạnh, không ít cổ phiếu giảm giá hơn 30%. Không chỉ cổ đông, nhà đầu tư, mà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng sốt ruột và có động thái mua vào cổ phiếu nhằm đỡ giá.
Giá cổ phiếu rơi, lãnh đạo doanh nghiệp chơi vơi mua - bán

Nhiều lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) vừa đồng loạt đăng ký mua cổ phiếu NLG trong tháng 5/2018. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị NLG đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu (hiện sở hữu 15,53%); ông Trần Thanh Phong, Phó chủ tịch thường trực NLG (hiện sở hữu 5,48%) đăng ký mua 250.000 cổ phiếu. Một số cổ đông nội bộ khác của NLG cũng đăng ký mua để tăng sở hữu như ông Chu Chee Kwang, Tổng giám đốc và ông Châu Quang Phúc, mỗi người đăng ký mua 50.000 cổ phiếu NLG.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TTB), ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTB đăng ký mua 3,6 triệu cổ phiếu của Công ty, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/5 đến 5/6/2018 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Nếu giao dịch thành ông, ông Bộ sẽ nâng sở hữu tại TTB từ hơn 4,74 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 11,15% lên 8,34 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 19,6%. TTB đặt mục tiêu kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu doanh thu thuần 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 50,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 27,8% và 25,7% so với năm 2017; cổ tức 10%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chủ tịch hội đồng quản trị của một doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX chia sẻ, bản thân ông cảm thấy “sốt ruột” khi cổ phiếu của doanh nghiệp bị thị trường đánh giá thấp, thậm chí giảm gần một nửa trong 2 tháng qua, trong khi doanh nghiệp không có thông tin bất lợi.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, giá cổ phiếu sau một thời gian tăng giá mà điều chỉnh là điều bình thường, nhưng cổ phiếu giảm quá đà khiến cổ đông lớn cũng “hoảng”. Do vậy, đăng ký mua cổ phần sẽ góp phần hạn chế đà giảm giá của cổ phiếu, song cũng là cơ hội để cổ đông nội bộ tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ.

Từ đầu năm đến ngày 3/5, giá cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã giảm 34%, từ 7.350 đồng/cổ phiếu xuống 4.820 đồng/cổ phiếu, mức thấp kỷ lục. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu HAG để tăng tỷ lệ sở hữu lên 37,17%, giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh qua sàn từ ngày 8/5 đến 6/6/2018.

Hiện ông Đức đang sở hữu hơn 324,7 triệu cổ phiếu HAG, chiếm 35,02% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Công ty. Sau thông tin ông Đức đăng ký mua cổ phần, giá cổ phiếu HAG tăng trần lên mức 5.150 đồng/cổ phiếu trong phiên 4/5.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh (SRF) vừa thông báo đăng ký mua 7,5 triệu cổ phiếu SRF theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh để đầu tư, từ nay đến ngày 25/5. Nếu giao dịch thành công, ông Sơn sẽ sở hữu 23,08% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Công ty (trước đó, ông Sơn chưa sở hữu cổ phiếu SRF).

Chia sẻ về quyết định mua cổ phiếu, ông Sơn cho biết, giá cổ phiếu SRF đang ở mức thấp và đây là thời điểm hợp lý để bắt đầu mua vào (giá cổ phiếu SRF ngày 4/5 là 15.000 đồng/cổ phiếu). Trước đó, với mục đích nhằm ổn định giá cổ phiếu, Công ty đã mua lại 1.124.600 cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, giá mua bình quân là 18.842 đồng/cổ phiếu.

Với nhiều cổ đông lớn, nhất là cổ đông tổ chức, việc tranh thu mua cổ phiếu ở giai đoạn thị trường điều chỉnh được coi là chiến lược phù hợp để nâng tỷ lệ sở hữu. Chẳng hạn, Công ty cổ phần TM Thái Hưng, cổ đông lớn của Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) vừa hoàn tất việc mua 2,34 triệu cổ phiếu VIS để tăng sở hữu từ hơn 45,63 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 61,83%) lên 47,99 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 65%).

Thực tế, thông tin lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu trong giai đoạn giá giảm mạnh có tác dụng hỗ trợ giá, hạn chế đà giảm, thậm chí phục hồi. Do đó, không ít trường hợp, đến hết thời hạn đăng ký mua, lãnh đạo doanh nghiệp thông báo không mua được, với lý do “diễn biến thị trường chưa phù hợp”.

Mới đây, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết trên HNX là TOP đã đăng ký mua hơn 5 triệu cổ phiếu, tương đương trên 20% vốn cổ phần, nhưng khi hết thời gian đăng ký mua, doanh nghiệp công bố giao dịch của vị lãnh đạo này bất thành vì lý do diễn biến thị trường chưa phù hợp và có không ít diễn biến bất ngờ xảy ra sau đó.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục