Đúng như những dự đoán của giới chuyên gia về một tháng 9 "không được yêu thích" bởi các nhà giao dịch tiền điện tử, thị trường đã có sự điều chỉnh mạnh khiến giá Bitcoin sụt giảm mạnh từ mức cao 52.000 USD xuống dưới 43.000 USD và sau đó giữ vững ở 46.000 USD ở thời điểm hiện tại.
Sự điều chỉnh của Bitcoin sau hơn 1 tháng liên tục tăng trưởng là điều dễ hiểu. Đây cũng là đợt điều chỉnh mà nhiều nhà đầu tư dài hạn chờ đợi để có thể mua trung bình giá vào, trùng hợp vào đúng trong ngày đầu tiên El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên chính thức chấp nhận Bitcoin.
Theo giới chuyên gia, sự sụt giảm của Bitcoin xảy ra là do quá trình thanh lý các vị thế sử dụng đòn bẩy quá mức (long squeeze). Dữ liệu từ Bybt chỉ ra đã có hơn 3,6 tỷ USD vị thế bị thanh lý trong vòng 24 giờ qua trên thị trường quyền chọn Bitcoin.
Trang web giám sát thị trường Whalemap cho rằng đà bán tháo của thị trường chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá voi chốt lời chứ không phải đến từ các nhà nắm giữ Bitcoin trong lâu dài.
Sau khi giá Bitcoin sụt giảm mạnh, đã kéo theo số lượng người tham gia giao dịch tăng đột biến nhằm thu gom hàng, bắt đáy nên đã khiến hàng loạt sàn giao dịch lớn như Coinbase, Kraken, Gemini gặp sự cố.
Chuyên gia phân tích Willy Woo nhận định khi một thị trường tài chính bước vào xu hướng tăng bao giờ cũng sẽ trải qua các đợt điều chỉnh do các nhà đầu tư nhỏ lẻ chốt lời sớm, đây là điều bình thường và cũng là cơ hội để các nhà đầu tư dài hạn thu gom thêm hàng.
Trong bản báo cáo mới nhất của ngân hàng Standard Chartered vẫn giữ nguyên mức dự báo giá Bitcoin sẽ đạt 100.000 USD vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, cùng với đó là sự bùng nổ của đồng Ethereum.
Nhóm nghiên cứu của ngân hàng hàng đầu nước Anh cho biết, đồng Ethereum theo tính toán sẽ có giá từ 26.000 USD - 35.000 USD, gấp 10 lần giá trị hiện tại và nó sẽ đạt mức giá đó khi Bitcoin vượt 175.000 USD.
Thị trường có sự phân hóa trong phiên giao dịch ngày 9/9. Nguồn: Coin360. |
Ngoài Bitcoin, có 8/10 đồng tiền điện tử đứng đầu giảm giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Cardano giảm 1,27% còn 2,48 USD; Binance Coin giảm 0,13% còn 419,03 USD; Tether giảm 0,24% còn 1,00 USD; XRP giảm 1,26% còn 1,12 USD; Dogecoin giảm 1,51% còn 0,254 USD; Polkadot giảm 0,57% còn 28,09 USD; Chainlink giảm 3,81% còn 27,56 USD.
Có 2 đồng tiền trong top 10 tăng giá đó là: Ethereum tăng 1,51% đạt 3.519 USD; Solana tăng 21,75% đạt 209,31 USD.
Trước khi xảy ra phiên sụp đổ của thị trường, giá của đồng Ethereum (ETH) đã có thời điểm vượt 4.000 USD, tiệm cận với mức đỉnh kỷ lục 4.372 USD. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù đang có dấu hiệu suy yếu, tuy nhiên đồng ETH vẫn đang nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ vùng giá 3.350 USD.
Theo ghi nhận, phí giao dịch của ETH đã bất ngờ tăng đột biến từ mức 200 gwei lên 7.300 gwei để đạt mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua.
Nguyên nhân được đưa ra là do sự phát triển quá nóng của các NFT trên blockchain Ethereum. Vitalik Buterin, nhà sáng lập ra đồng ETH cho rằng các dự án chạy trên blockchain Ethereum hiện đang ở mức quá tải dẫn đến phí giao dịch bị đẩy lên mức quá cao. Do đó Vitalik khuyên các dự án NFT nên chuyển sang các giải pháp layer 2 để giải quyết tình trạng nghẽn, tắc hiện tại.
Tuy nhiên, đồng tiền nổi bật nhất trong top 10 vẫn không ai khác ngoài đồng Solana (SOL).
Hầu như đồng tiền điện tử này không hề bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của thị trường trong phiên ngày hôm qua, trái lại đồng SOL tiếp tục tăng gần 20% và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới ở 210 USD, ghi nhận mức tăng trưởng gần 90% trong vòng 7 ngày.
Theo ghi nhận từ Bybt, với việc SOL tăng trưởng ngược sóng với thị trường đã khiến 58 triệu USD bị thanh lý, trong đó vị thế bán (short) chiếm tới 76%, tương đương 44 triệu USD.
Các nhà phát triển hệ chuỗi SOL đã từng tuyên bố rằng đây là blockchain nhanh nhất trên thế giới với tốc độ giao dịch hơn 65.000 mỗi giây (tps) và có một hệ sinh thái ứng dụng Web3, giao thức DeFi và NFT.
Không chỉ có tốc độ nhanh mà chi phí giao dịch của SOL cũng rất thấp.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 2.040 tỷ USD, tăng 19 tỷ USD so với ngày 7/9.