Tính đến thời điểm sáng ngày 8/8, thị trường tiền ảo có 84/100 mã tăng điểm, còn lại 16 đồng tiền ảo khác giảm giá. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa Bitcoin tăng 3,71%, được niêm yết với giá 44.143 USD/BTC.
Giá Bitcoin đã bứt phá ngoạn mục lên trên cột mốc 44.000 USD, đạt mức giá cao nhất sau nhiều tháng ngày vật lộn trong khoảng 30.000 - 40.000 USD đã thắp lên niềm tin cho giới đầu tư về một xu hướng thị trường tăng giá.
Kể từ sau ngày 19/5 đen tối khi mà giá của đồng Bitcoin tụt thảm hại xuống dưới 30.000 USD, tức là sau gần 3 tháng, giá Bitcoin mới có thể hồi phục trở lại lên trên 44.000 USD.
Đà hồi phục của đồng Bitcoin được xác nhận bằng chuỗi 11 phiên giao dịch với mức trung bình giá tăng liên tục, đồng thời là chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ năm 2013 của Bitcoin.
Sau đó, một sự điều chỉnh nhẹ đưa giá Bitcoin từ khoảng 41.000 USD xuống dưới 38.000 USD, là khoảng thời gian cần thiết để giới đầu tư tích lũy trước khi đạt đến cột mốc cao ở thời điểm hiện tại.
Có một sự thật là không có nhiều thông tin vĩ mô tích cực, đủ để thúc đẩy thị trường Bitcoin có một sự biến chuyển mạnh mẽ như vậy. Nếu không muốn nói là thị trường vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ vấn đề pháp lý, thuế tiền điện tử... đến từ nhiều quốc gia lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Do đó, sự bùng nổ của Bitcoin chỉ có thể giải thích rằng các nhà đầu tư tổ chức đã bắt đầu quay trở lại với thị trường, cùng với đó, dòng tiền đến từ các nhà đầu tư mới, bắt đầu tham gia thị trường đã góp phần quan trọng tạo ra điều kỳ diệu.
Theo chuyên gia phân tích dữ liệu on-chain Will Clemente, số liệu từ các sàn giao dịch cho thấy có rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường tiền điện tử mỗi ngày, dòng tiền tích cực đến từ "đội quân" này đã khiến khối lượng giao dịch Bitcoin tăng mạnh.
Tài khoản Whale Alert, một tài khoản chuyên theo dõi các giao dịch từ các nhà đầu tư cá voi trong ngày 7/8 đã thông báo, đã có khoảng 9 giao dịch Bitcoin khổng lồ với số lượng mỗi giao dịch đến lớn hơn 10.000 Bitcoin, tương ứng khoảng 111.292 BTC (khoảng 4,8 tỷ USD) đã được thực hiện để chuyển vào các ví không xác định.
Trước đó, công ty phân tích thị trường Santiment đã thông báo các địa chỉ ví có chứa từ 100 - 10.000 Bitcoin (nhà đầu tư cá voi) đã thu gom đến 49.11% nguồn cung Bitcoin, rất gần với kỷ lục 49,18% mà khi đó giá Bitcoin đã đạt mức giá cao nhất mọi thời đại.
Theo một biểu đồ được cung cấp bởi nền tảng Glassnode, chỉ số NUPL (Lợi nhuận/Lỗ ròng trên giấy tờ) của các địa chỉ ví đã chuyển sang màu xanh lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2020, điều này có nghĩa các ví này đã có lãi trở lại.
Cuối cùng, một chỉ báo quan trọng, để đo cảm xúc của giới đầu tư trên thị trường cũng lần đầu tiên kể từ ngày 19/5, đã dịch chuyển trạng thái từ "sợ hãi tột độ" sang "tham lam".
Liệu, với những thông số, chỉ báo trên, "siêu chu kỳ" tăng giá của Bitcoin có thực sự đang trở lại?
Thị trường tăng trưởng mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/8. Nguồn: Coin360. |
Ngoài Bitcoin, cả 10/10 đồng tiền điện tử đứng đầu đều tăng giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum tăng 6,02% đạt 3.084 USD; Tether tăng 0,06% đạt 1,00 USD; Binance Coin tăng 3,44% đạt 348,84 USD; Cardano tăng 2,79% đạt 1,43 USD; XRP tăng 9,55% đạt 0,81 USD; Dogecoin tăng 18,64% đạt 0,241 USD; Polkadot tăng 1,07% đạt 20,36 USD; Bitcoin Cash tăng 4,51% đạt 580,35 USD; Chainlink tăng 1,28% đạt 24,09 USD.
Kể từ sau khi bản cập nhật hard fork London của blockchain Ethereum chính thức được áp vào vào ngày 6/8, giá của đồng tiền điện tử lớn thứ hai trên thị trường đã liên tục tăng giá.
Ở thời điểm hiện tại, giá của đồng Ethereum đã vượt qua mốc 3.000 USD và đạt mức giá cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây, ghi nhận mức tăng hơn 23% sau 7 ngày.
Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để tìm lại đỉnh vinh quang ở mức trên 4.300 USD, tuy nhiên sự thành công của bản nâng cấp hard fork London đã giúp cho giá của đồng ETH vọt tăng lên nhanh chóng và là một trong những đồng tiền hoạt động hiệu quả nhất trong nhóm những đồng coin top.
Kể từ khi đề xuất cải tiến mới EIP - 1559 xuất hiện, chỉ trong vòng 2 ngày, blockchain Ethereum đã loại bỏ hơn 8.747 ETH ra khỏi mạng lưới, tương đương với hơn 26 triệu USD với mức giá 3.033 USD. Trung bình cứ khoảng một phút mạng Ethereum lại đốt đi 2,92 ETH, mức chi phí giao dịch trên mạng còn khoảng 39,7 gwei.
Cơ chế đốt phí giao dịch được đưa vào bởi EIP-1559 (Đề xuất cải tiến Ethereum 1559), một cải tiến được thiết kế để làm cho phí sử dụng dễ dàng hơn và mạng xử lý được khối lượng giao dịch lớn. Cải tiến này yêu cầu một khoản phí cơ bản được đốt và sau đó người dùng cũng có thể tip cho các thợ đào nếu họ muốn các giao dịch diễn ra nhanh chóng hơn. Phí cơ bản tăng lên khi nhu cầu cao hơn và ngược lại.
Điều đó cho phép mạng ETH giảm mức lạm phát xuống 36%, qua đó giúp làm chậm sự gia tăng của nguồn cung lưu hành theo thời gian. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi đáng kể theo thời gian.
Với việc giá của đồng ETH tăng vọt, đương nhiên đi kèm một vấn đề đó là lợi nhuận của các nhà đầu tư cũng tăng theo. Một chỉ báo on-chain, có tên gọi là "Ethereum: Tỷ lệ phần trăm các địa chỉ có lời" trên trang phân tích thị trường Glassnode đã đạt 96,4%. Chỉ số này tăng cao khiến giới chuyên gia lo ngại đồng Ethereum sẽ sớm phải đối mặt với khả năng chốt lời trên diện rộng sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 1.738 tỷ USD, tăng 138 tỷ USD so với ngày 8/8.