Tính đến thời điểm sáng ngày 24/2, thị trường tiền ảo có 37/100 mã tăng điểm, còn lại 63 đồng tiền ảo khác giảm giá. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa Bitcoin giảm 2,35%, được niêm yết với giá 50.083 USD/BTC.
Áp lực bán tháo mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua đã khiến giá Bitcoin giảm gần 20% xuống chạm đáy 44.000 USD. Tuy nhiên đến phiên giao dịch ngày hôm nay, có vẻ áp lực bán ra đã giảm bớt cùng với các nhà đầu tổ chức đã bắt đầu chế độ thu gom Bitcoin ở những mức giá hạp lý và mở thêm vị thế dài hạn có đòn bẩy.
Theo dữ liệu từ coindesk, trong vòng 24h qua, giá Bitcoin giao dịch cao nhất tại mức giá 55.053 USD và thấp nhất tại 44.964 USD.
Không phải ngẫu nhiên các chuyên gia đưa ra lời nhận xét sự tăng trưởng của Bitcoin trong giai đoạn này có sự khác biệt lớn hơn nhiều so với 4 năm trước đây, hồi 2017.
Nhìn vào quá trình tăng trưởng rồi điều chỉnh, sau đó phục hồi và lặp lại của Bitcoin trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy mặc dù có những lúc giá Bitcoin đột ngột điều chỉnh mạnh, tuy nhiên luôn có một nhóm những nhà đầu tư có tiềm lực hoặc các tổ chức đầu tư đặt sẵn lệnh mua để thu gom Bitcoin ở mức giá tốt. Chính điều này là bệ đỡ vững chắc, đảm bảo cho việc giá của Bitcoin sẽ không bị rơi quá sâu và quá trình phục hồi của nó sẽ được thực hiện trong thời gian rất ngắn.
Quan sát chỉ số Coinbase Premium Index (CPI) sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ ràng hơn. Chỉ số CPI đã giảm 1020 trước khi tăng mạnh lên hơn 486, điều này cho thấy ngay sau khi giá Bitcoin điều chỉnh mạnh, lực mua vào rất lớn đến từ các nhà đầu tư cá voi xuất hiện trên sàn Coinbase Pro đã giúp giá Bitcoin được đẩy lên.
Vùng giá được đặt lệnh mua vào nhiều nhất nằm trong khoảng 42.000 - 46.000 USD. Đây có thể được coi là vùng hỗ trợ vững chắc và càng tiến sát về 42.000 USD, lực mua sẽ càng lớn. Hành động này cho thấy cá voi vẫn đang muốn tích lũy thêm Bitcoin và tận dụng mọi cơ hội giá điều chỉnh để mua vào.
Theo các chuyên gia phân tích từ CrossTower cho biết, kể từ đầu năm 2021, các địa chỉ nắm giữ từ 1.000 Bitcoin sau mỗi đợt điều chỉnh đều tăng lên đột biến. Điều này chứng tỏ hoạt động mua bán chốt lời hầu hết đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, còn các cá voi thì ra sức thu gom. Nó cũng phản ánh rõ nét hơn về thái độ của các tổ chức đầu tư đối với Bitcoin là một loại tài sản có tính chất lưu trữ, ổn định hơn là để giao dịch.
Mới đây, trong thông báo mới nhất của công ty dịch vụ tài chính Square, sở hữu bởi CEO Twitter Jack Dorsey, cho biết đã mua thêm 3.318 Bitcoin với giá trị khoảng 170 triệu USD.
Cùng với giao dịch khoảng 50 triệu USD trước đó ít lâu, tính đến ngày 31/12/2020, Bitcoin đã chiếm 5% tổng số tài sản của Square.
Công ty cho biết, khoản đầu tư này thể hiện cam kết của mình đối với đồng Bitcoin và sẽ thường xuyên đánh giá khoản đầu tư vào Bitcoin so với các khoản đầu tư khác.
Jack Dorsey được biết đến cũng là một người ủng hộ tiền điện tử.
Thị trường có dấu hiệu hồi phục trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Nguồn: Coin360. |
Có 2/10 đồng tiền kỹ thuật số đứng đầu tăng điểm ngày hôm nay: Tether tăng 0,49% đạt 1,00 USD; Polkadot tăng 2,15% đạt 35,7 USD.
Cùng với đà đi xuống của Bitcoin, có 8/10 đồng tiền kỹ thuật số đứng đầu giảm giá: ETH giảm 3,57% còn 1.618 USD; Binance Coin giảm 0,34% còn 241,19 USD; Cardano giảm 1,76% còn 0,99 USD; XRP giảm 7,12% còn 0,491 USD; Litecoin giảm 6,63% còn 182,88 USD; Chainlink giảm 3,83% còn 27,9 USD; Bitcoin Cash giảm 8,13% còn 589,42 USD.
So với mức giảm điểm sâu trong phiên giao dịch ngày hôm qua, hôm nay giá Bitcoin đã tạm thời quay trở lại mốc 50.000 USD ở thời điểm viết bài, điều này đã giúp tình hình chung của thị trường có sự "ấm lên".
Có thể thấy, giống như đồng Bitcoin, sau khi liên tục thiết lập những mức giá kỷ lục cao nhất mọi thời đại mới, rồi sau đó bước vào giai đoạn điều chỉnh, giá đồng Ethereum đã cũng đã bị sụt giảm mạnh. Bên cạnh những thông tin tốt, giúp đồng ETH nhận được nhiều sự chú ý từ các tổ chức đầu tư, đây là lúc chúng ta nhìn nhận những điểm còn khiếm khuyết của đồng tiền điện tử lớn thứ hai thị trường.
Đầu tiên, phí giao dịch (phí gas) Ethereum đang ở mức quá cao, không những thế mà nó còn có xu hướng tiếp tục tăng. Sự phát triển của hệ thống tài chính phi tập trung (DeFi) và việc sử dụng các đồng tiền ổn định (stablecoin) trên nền tảng có sự bùng nổ trong thời gian vừa qua, những yếu tố này đã đẩy phí giao dịch trung bình của đồng Ethereum lên đến hơn 50 USD và có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa khi một vài chức năng nữa của ETH trở nên phổ biến.
Với chi phí tăng vọt của đồng ETH, điều này có nghĩa chỉ có những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh mới có đủ khả năng chi trả cho các hoạt động trên mạng lưới. Còn lại, những nhà đầu tư nhỏ, lẻ có số vốn thấp sẽ phải chuyển sang các mạng lưới khác có chi phi tiêu tốn hợp lý hơn như Binance Smart Chain (BSC).
Để giải quyết vấn đề này, các nhà phát triển hiện đang chuyển sang những nền tảng tiên tiến hơn với mức phí thấp hơn nhiều. Ngoài ra, việc hoàn thiện bản cập nhật Ethereum 2.0 càng sớm càng tốt sẽ là một giải pháp hữu hiệu để đối phó với sự giá tăng chi phí giao dịch. Bản cập nhật ETH 2.0 chỉ mới vừa trải qua giai đoạn 0, cho phép người dùng khóa ETH của họ đế staking. Theo lộ trình, khả năng mở rộng quy mô sẽ được kích hoạt khi bản cập nhật bước vào giai đoạn 1, dự kiến cuối năm 2021.
Một điểm hạn chế nữa của các dự án xoay quanh đồng Ethereum đó là khả năng tương tác. Mặc dù đã có những cải tiến như phát triển nhiều giao thức wrap token, nền tảng hoán đổi layer 2 và cầu nối, đây chỉ là những tương tác rất hạn chế với các blockchain khác. So sánh với mạng lưới Binance Smart Chain (BSM) và Metaverse đều thua xa bởi những ứng dụng có thể tương tác thuận tiện.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 1.511 tỷ USD, tăng 28 tỷ USD so với ngày 23/2.