Sau khi chứng kiến đợt sụt giảm gần 15% từ mốc đỉnh kỷ lục khoảng 69.000 USD ngày 10/11, giá Bitcoin đã dần trở lại ổn định và lấy lại thành công mốc tâm lý quan trọng 60.000 USD.
Giới chuyên gia nhận định, sự sụt giảm vừa qua dường như có liên quan đến việc nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy quá mức, chỉ cần các nguyên tắc cơ bản trên biểu đồ giá không có nhiều thay đổi sau đợt điều chỉnh thì triển vọng tăng giá trong trung và dài hạn của Bitcoin vẫn sẽ tiếp tục.
Các chỉ báo on-chain vẫn cho thấy xu hướng tăng tích cực đối với Bitcoin, đồng nghĩa dòng tiền bắt đáy đã bắt đầu nhập cuộc để nâng đỡ thị trường. Theo ghi nhận, địa chỉ ví cá voi lớn thứ ba trên thị trường đã mua thêm 3.677 Bitcoin trong các phiên thị trường điều chỉnh với mức giá trung bình khoảng 62.000 USD/BTC, tương đương hơn 255 triệu USD.
Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi Utility Bidder chỉ ra ngành công nghiệp fintech sẽ vượt qua 382 tỷ USD vào năm 2027, trong đó các công ty hoạt động trong lĩnh vực blockchain sẽ có giá trị hơn 67,4 tỷ USD. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy fintech tiếp tục sẽ là tương lai của thế giới cùng với đó là xu hướng phát triển của tiền kỹ thuật số và các giải pháp blockchain, những yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển chung.
Mới đây, sàn giao dịch tiền điện tử Crypto.com đã thông báo về thương vụ gây chấn động cộng đồng với việc mua lại tên sân đấu Staples Center đổi thành Crypto.com Arena trong vòng 20 năm. Theo nhiều nguồn tin, giá trị hợp đồng mua bán quyền đặt tên lên đến 700 triệu USD và là thương vụ đắt giá nhất trong lịch sử ngành thể thao Mỹ.
Staples Center vốn được biết đến là biểu tượng của thành phố Los Angeles, là sân nhà của các đội thể thao nổi tiếng như đội bóng rổ nam Los Angeles Lakers, Los Angeles Clippers, đội bóng rổ nữ Los Angeles Sparks và đội hockey Los Angeles Kings, đồng thời còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Giải thưởng Âm nhạc Grammys, các buổi hòa nhạc của những ngôi sao lớn, nhiều trận thi đấu boxing thế kỷ và các buổi trao giải danh giá khác của kinh đô điện ảnh Hollywood...
Trong tháng Tư, sàn giao dịch FTX đã bỏ ra đến 135 triệu USD mua quyền đặt tên sân đấu bóng rổ của câu lạc bộ Miami Heat và đổi thành FTX Arena.
Tuy nhiên, giới đầu tư cũng cần phải thận trọng khi mà giá của đồng USD tăng cao nhất trong vòng 16 tháng với kỳ vọng lạm phát tăng cao sẽ tạo ra áp lực khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất và cắt giảm các gói kích thích nền kinh tế. Đồng USD tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến các loại tài sản rủi ro như Bitcoin và tiền điện tử.
Thị trường hồi phục trong phiên giao dịch ngày 18/11. Nguồn: Coin360.. |
Ngoài Bitcoin, có 8/10 đồng tiền điện tử đứng đầu tăng giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum tăng 3,16% đạt 4.314 USD; Binance Coin tăng 0,01% đạt 583,81 USD; Tether tăng 0,09% đạt 1,00 USD; Cardano tăng 1,25% đạt 1,88 USD; Solana tăng 1,01% đạt 220,88 USD; XRP tăng 2,11% đạt 1,11 USD; Polkadot tăng 6,26% đạt 42,89 USD.
Có 2/10 đồng tiền điện tử giảm giá: HEX giảm 2,73% còn 0,203 USD; Dogecoin giảm 1,31% còn 0,226 USD.
Sau khi thiết lập mốc đỉnh kỷ lục mới, hai đồng tiền điện tử đứng đầu, có tầm ảnh hưởng nhất ở thời điểm hiện tại đang retest lại các vùng hỗ trợ quan trọng về mặt tâm lý ở 60.000 USD (Bitcoin) và 4.000 USD (Ethereum). Nếu giữ vững, đây là chỗ dựa vững chắc để nhà đầu tư xác định xu hướng tiếp theo của thị trường trong thời gian sắp tới.
Ngày 10/11, giá của đồng Ethereum thiết lập mốc đỉnh kỷ lục tại 4.891 USD rồi bước vào giai đoạn tích lũy, trong khoảng 1 tuần tiếp đấy hầu như đều chứng kiến sự sụt giảm cùng với nhiều biến động nguồn cung trên các sàn giao dịch.
Ngày 14/11, hai ngày trước khi đồng ETH xảy ra sự cố lao dốc 10%, hơn 100.000 ETH (trị giá khoảng 450 triệu USD) đã bị rút ra khỏi các sàn giao dịch.
Hiện tượng trên được giới chuyên gia phân tích giải thích bằng hai kịch bản dưới đây. Đầu tiên, đây là dấu hiệu của việc tăng giá trong dài hạn, mặt còn lại đó là kịch bản giảm giá trong ngắn hạn như đang thấy.
Kịch bản giảm giá có thể hiểu các nhà đầu tư đã gom đủ hàng do đó khi sức mua trên thị trường không còn dẫn đến hành vi sụt giảm giá trong ngắn hạn.
Kịch bản tươi sáng hơn với tầm nhìn dài hơi đó là nguồn cung ETH trên các sàn giao dịch đang dừng lại ở mức 13% và tiếp tục lao dốc cùng với giá bán trong thời gian gần đây. Trước đó một năm, nguồn cung ETH còn đang ở mức trên 23% và đã giảm gần một nửa, dấu hiệu cho thấy ETH đang được di chuyển sang ví lạnh cho các hoạt động liên quan đến lưu trữ và DeFi.
Đó là dấu hiệu cho thấy tương lai ít nhất là trong trung hạn của ETH vẫn đang sáng sủa tuy nhiên vẫn có nhiều lo ngại về việc giá của đồng tiền này có thể retest lại mốc 4.000 USD do nó đã giảm xuống đến 4.100 USD trong phiên 16/11, nguyên nhân có thể là do sự di chuyển số lượng 1,82 triệu đồng ETH (lớn nhất mọi thời đại) từ một địa chỉ đã không hoạt động trong khoảng 5 năm gần đây. Điều này có thể dẫn đến các hành vi điều chỉnh giá tiếp theo trên thị trường, nhưng theo báo cáo của Santiment, các nhà đầu tư không phải quá lo lắng bởi đây có thể đơn thuần là hành động chuyển tiền nội bộ giữa các ví trên sàn Kraken và sẽ không tạo thêm áp lực bán trên thị trường.
Theo dữ liệu on-chain, số lượng lớn các đồng ETH đang tiếp tục bị chuyển ra khỏi sàn giao dịch với tốc độ chưa từng thấy, ghi nhận con số lên đến hơn 100 triệu USD, một kỷ lục với mạng Ethereum. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang tăng tốc trong cuộc đua bắt đáy khi mà ETH đang ở vùng giá tốt.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 2.596 tỷ USD, tăng 89 tỷ USD so với ngày 17/11.