“Ghế nóng” ở Sacombank

(ĐTCK) Rời vị trí Phó chủ tịch thường trực HĐQT Eximbank, ông Phạm Hữu Phú về nhận nhiệm vụ tương đương tại Sacombank với nhiều cảm giác đan xen.
“Ghế nóng” ở Sacombank

> Cuộc chiến tại Sacombank: Kết thúc màn 1!

“Ghế nóng” ở Sacombank ảnh 1
Ông Phạm Hữu Phú

 

Vinh dự, nhưng áp lực trước những nhiệm vụ cổ đông giao phó là không nhỏ. Ngay sau khi ĐHCĐ thường niên Sacombank kết thúc, với việc bổ sung một loạt gương mặt lãnh đạo mới, ông Phú đã đại diện cho nhóm cổ đông lớn tham gia HĐQT Sacombank chia sẻ về vị trí “ghế nóng” này.

 

Cổ đông tín nhiệm bầu ông vào HĐQT Sacombank lần này chắc hẳn họ kỳ vọng ở ông rất nhiều điều. Cảm giác của ông thế nào?

Thực tế, Sacombank và Eximbank hiện đều thuộc tốp những NHTMCP hàng đầu Việt Nam. Cả hai đều có thành tích phát triển những năm qua dựa trên chiến lược mở rộng gắn với nền tảng con người. Vì vậy, tôi nghĩ, giữa hai ngân hàng không có sự khác biệt lớn về những nguyên tắc quản trị và mô hình hoạt động. Với nhiều năm trong cương vị là Phó chủ tịch HĐQT thường trực của Eximbank, tôi tin mình có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản trị điều hành, khả năng phối hợp giữa HĐQT với Ban Tổng giám đốc và các nhân sự quản lý chủ chốt khác. Do vậy, với tôi, việc hòa nhập vào môi trường mới không phải là vấn đề lớn.

 

Ông nghĩ khó khăn nhất đang đợi ông khi ngồi ở vị trí ghế “nóng” là gì?

Tôi xác định, 3 tháng đầu ở cương vị mới, nhiệm vụ của các thành viên HĐQT mới được bầu khá nặng nề. Đó là việc sớm nắm bắt được các hoạt động của Sacombank, duy trì hoạt động của Ngân hàng ổn định, kinh doanh hiệu quả, quản lý rủi ro tốt, đồng thời nghiên cứu bổ sung chiến lược phát triển hướng đến mục tiêu  đưa Sacombank thành một ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả, không chỉ hàng đầu Việt Nam, mà còn vươn lên tầm khu vực. 

 

Một vấn đề được hàng chục nghìn lao động, cổ đông và cộng đồng nhà đầu tư quan tâm là Sacombank sẽ phát triển như thế nào sau khi có sự thay đổi mạnh mẽ về dàn nhân sự chủ chốt. Là người đại diện cho nhóm cổ đông mới, ông có thể nói gì để họ yên tâm?

Để tham gia hoạt động điều hành Sacombank, nhóm nhà đầu tư chúng tôi hiện sở hữu tỷ lệ cổ phần STB khá lớn, với mức đầu tư không nhỏ. Vì vậy, mong muốn lớn nhất và xuyên suốt của nhóm cổ đông lớn là làm sao để thời gian tới, Sacombank có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững để khoản đầu tư gia tăng giá trị.

Để thực hiện mục tiêu trên, chúng tôi xác định, nguồn nhân lực của Sacombank là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, chúng tôi rất cần sự ủng hộ, hợp tác và nỗ lực hết mình của đội ngũ CBCNV Sacombank hiện nay.

Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để quản trị điều hành Sacombank theo hướng minh bạch và tạo ra giá trị cao nhất cho cổ đông, nhằm đạt được sự tín nhiệm và ủng hộ của cộng đồng giới đầu tư quan tâm đến cổ phiếu STB.

Với hơn 1,4 triệu khách hàng của Sacombank ở Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Dương nói chung, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ như thời gian qua và mong muốn Sacombank tiếp tục được yêu mến, gắn bó trong chặng đường phát triển kế tiếp.    

“Ghế nóng” ở Sacombank ảnh 2

 Ban lãnh đạo mới của Sacombank

Trong cơ cấu nhân sự HĐQT Sacombank mới được bầu, các gương mặt lãnh đạo trước đây của Eximbank và Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) chiếm số lượng áp đảo. Theo ông, quan hệ của các ngân hàng này sắp tới sẽ thế nào?

Tôi cho rằng, không chỉ với Eximbank và SouthernBank, mà đối với tất cả các ngân hàng khác, Sacombank đều mong muốn xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng phát triển.

Sự tham gia của các cựu lãnh đạo từ hai ngân hàng trên vào HĐQT Sacombank có chăng sẽ giúp cho mối quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng trên chặt chẽ và toàn diện hơn, dựa trên cơ sở chia sẻ các quan điểm kinh doanh và chiến lược phát triển.

Trong tương lai, có hay không khả năng các ngân hàng này sẽ thành người một nhà?

Ở Việt Nam, không riêng gì ngành ngân hàng, mà ở nhiều lĩnh vực khác, hoạt động M&A cũng đang diễn ra sôi động. Đây là con đường phát triển mau chóng với mục tiêu trở thành những doanh nghiệp lớn, không chỉ đứng đầu Việt Nam, mà còn đủ sức cạnh tranh và vươn ra tầm khu vực. Do vậy, việc sáp nhập với ngân hàng khác cũng là một trong những kịch bản phát triển được nghĩ đến. Tuy nhiên, việc lựa chọn ngân hàng nào để gia tăng sức mạnh cho Sacombank và lợi ích cổ đông, còn phải có hàng loạt các cân nhắc, nghiên cứu chiều sâu. Ngoài ra, mong muốn chủ quan này phải đồng bộ và phù hợp với các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế cũng như hệ thống NHTM của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ có thể chia sẻ những phác hoạ cơ bản như trên.

 

Giới đầu tư đang quan tâm đến bức tranh tài chính của Sacombank và các công ty liên quan như CTCK Sacombank (SBS), Sacomreal… HĐQT mới được bầu của Ngân hàng hẳn đã có dự định?

Hiện tại, tình hình hoạt động của Sacombank khá tốt. Năm 2011, lợi nhuận Ngân hàng đạt 2.740 tỷ đồng, vượt kế hoạch do ĐHCĐ giao phó. Trong 4 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận của Sacombank đã đạt trên 1.250 tỷ đồng. Riêng hoạt động của SBS và Sacomreal vừa qua không thuận lợi do khó khăn chung của TTCK và lĩnh vực BĐS.

Hiện nay, Sacombank sở hữu dưới 11% cổ phần tại SBS nên ảnh hưởng, tác động từ hoạt động của công ty này đối với Ngân hàng là không lớn. Riêng Sacomreal, không có vốn góp của Sacombank. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những kế hoạch để hỗ trợ và hợp tác nhằm giúp cả hai công ty phát triển trên nguyên tắc phát huy thế mạnh hai bên, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là hiệu quả hoạt động kinh doanh của Sacombank.

 

Sacombank vừa “khóa room” nhà đầu tư nước ngoài ở tỷ lệ 15% đến cuối tháng 7/2012. Chủ ý này cho thấy, có thể sắp tới, Sacombank sẽ “se duyên” với cổ đông chiến lược nước ngoài. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Với Sacombank, sau sự ra đi của Ngân hàng ANZ, đối tác chiến lược nước ngoài của Ngân hàng đang khuyết. Trong định hướng phát triển của Sacombank, chúng tôi xác định mục tiêu cần tìm kiếm cho Sacombank một đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp. Đối tác này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Sacombank về tài chính, quản trị đưa Ngân hàng phát triển lên một tầm cao mới, tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Vừa qua, ngay khi “room” nhà đầu tư nước ngoài trống hơn 15%, chúng tôi đã thống nhất và xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tạm chốt giới hạn sở hữu dành cho khối ngoại ở mức 15%. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Sacombank tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài trong thời gian tới. Tại ĐHCĐ thường niên vừa kết thúc, chủ trương này cũng đã được Đại hội chính thức thông qua.

Hiện nay, việc tìm kiếm đối tác chiến lược đang được tiến hành. Tiêu chí của chúng tôi trong việc lựa chọn đối tác chiến lược là ưu tiên các tập đoàn tài chính, các ngân hàng có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, cùng chia sẻ quan điểm và tầm nhìn phát triển với Sacombank.

Ngọc Giang thực hiện
Ngọc Giang thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 -3.94 -0.32% 162,835 tỷ
HNX 235.68 1.1 0.47% 1,903 tỷ
UPCOM 91.71 -0.2 -0.22% 824 tỷ