Cuối năm vẫn “nóng”
Những ngày cuối năm, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam dồn sức nhằm về đích các chỉ tiêu kinh doanh trong bối cảnh… ngóng quyết định phê chuẩn tân Tổng giám đốc (CEO) từ Bộ Tài chính, trong khi CEO cũ đã chính thức rời Công ty.
Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietinbank Aviva sau khi thay CEO 3 năm trước thì năm nay tiếp tục thay nhân sự vị trí này. Theo đó, kể từ ngày 23/8/2016, ông Randy Lianggara giữ vị trí Tổng giám đốc điều hành VietinAviva, thay thế bà Nguyễn Ngọc Trang.
Trước mắt không có chuyện thay CEO tại BSH, nhưng ông kỳ vọng CEO không ngừng nỗ lực vươn lên đạt những chuẩn cao hơn.
- Ông Đỗ Quang Hiển,Chủ tịch HĐQT BSH.
Tại Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re), trong tháng 8 và 9/2016, 2 vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và CEO đều có sự thay đổi. Cụ thể, ông Tôn Thiện Việt thay ông Phạm Khắc Dũng làm Chủ tịch, còn ông Trịnh Anh Tuấn thay ông Vũ Văn Thắng giữ vị trí điều hành cao nhất tại PVI Re.
Có trường hợp nhân sự thay đổi do công ty đổi chủ. Sau khi Tập đoàn Tài chính Sun Life tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life từ 49% lên đến 100% bằng việc mua lại 51% phần vốn góp của Công ty cổ phần PVI (PVI), người của PVI đã không còn ngồi ghế Chủ tịch và CEO, thay vào đó là người của Sun Life. Trong tháng 11 vừa qua, Sun Life đã đổi tên PVI Sun Life thành Sun Life Việt Nam.
Chia sẻ quyền lực và sự quay về
Năm nay, tại hai công ty con của Tập đoàn Bảo Việt đã diễn ra sự chia sẻ quyền lực ở vị trí nhân sự cấp cao khi bà Thân Hiền Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Bảo Việt Nhân thọ thôi kiêm nhiệm chức CEO Công ty và ông Phạm Kim Bằng, Chủ tịch Bảo hiểm Bảo Việt thôi kiêm nhiệm chức CEO Công ty. Thay vào đó, ông Phạm Ngọc Sơn tiến lên vị trí điều hành cao nhất tại Bảo Việt Nhân thọ, ông Đỗ Trường Minh giữ chức Quyền Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chứng kiến sự trở về của một số nhân sự cấp cao sau một thời gian gián đoạn như bà Tina Nguyễn, ông Lê Hoài Nam…
Trước khi rời ghế “nóng” bảo hiểm, bà Tina Nguyễn đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Prudential Việt Nam; ông Lê Hoài Nam đảm nhận vị trí CEO PVI Re.
Hiện tại, bà Tina Nguyễn là Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam; ông Lê Hoài Nam là Phó tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Phú Hưng.
Các nhân sự trên trở về trong những cái bắt tay chúc mừng từ các thành viên thị trường tại Hội nghị thường niên về bảo hiểm cuối tháng 3/2016. Diễn biến này cho thấy, thị trường bảo hiểm dường như chưa bao giờ hết hấp dẫn. Một nhân sự quay về chia sẻ, những ân tình với thị trường bảo hiểm trong nhiều năm trước đó đã kéo họ trở lại với ngành.
Một chuyên gia nhận xét, với lĩnh vực mang đậm tính nhân văn là bảo hiểm nhân thọ, không dễ để kéo các “tướng” rời bỏ hẳn thị trường.
Không chỉ trong ngành bảo hiểm, biến động nhân sự cấp cao cũng là tình trạng chung của các ngành khác. Không tính trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp đến tuổi hưu, người ngồi ghế “nóng” thay đổi chủ yếu xuất phát từ việc doanh nghiệp có sự thay đổi về chủ sở hữu, chiến lược kinh doanh, hoặc hướng tới kết quả hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn (thay “tướng” do không đáp ứng kỳ vọng của “ông chủ” thực sự).
Và dù lý do là gì thì sự chuyển dịch này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra sự tươi mới, mang lại triển vọng sáng hơn
cho doanh nghiệp nói riêng, cho ngành nói chung.
Những ngày cuối năm, người viết đã hỏi ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội, (BSH) rằng, có vẻ như ông quá khắt khe với CEO khi thay đến 3 - 4 vị kể từ khi chính thức trở thành ông chủ thực sự của BSH (từ năm 2013), trong khi ông Lưu Thanh Tâm (đương kim CEO BSH) đang được thị trường đồn đoán là nhấp nhổm sắp rời ghế “nóng”. Ông Hiển cho biết, trước mắt không có chuyện thay CEO tại BSH, nhưng ông kỳ vọng CEO không ngừng nỗ lực vươn lên đạt những chuẩn cao hơn.
Thực tế cho thấy, trên quy mô toàn thị trường, sức ép chưa bao giờ giảm với các CEO, rất nhiều chỉ tiêu phải hoàn thành như doanh số, thị phần, mức lãi ròng, lãi từ hoạt động kinh doanh, hiệu quả hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt, tăng thị phần nhưng phải thắt chặt chi phí…
Dự báo xu hướng năm 2017
Nhận định về xu hướng thay nhân sự cao cấp của doanh nghiệp bảo hiểm liệu có tiếp diễn mạnh mẽ trong năm 2017, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, thay đổi là hiển nhiên do hệ quả tất yếu từ quy luật phát triển của thị trường bảo hiểm, cũng như công cuộc tái cấu trúc của ngành này trong năm tới, nhưng nhiều khả năng sẽ không mạnh mẽ như năm 2015 và 2016.
Hiện không còn cảnh thay dồn dập lãnh đạo tại doanh nghiệp bảo hiểm đến mức bị cơ quan quản lý đánh giá đó là điểm yếu trong cơ cấu hoạt động của ban điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao có trình độ, kinh nghiệm quản trị, điều hành vẫn thiếu hụt trầm trọng nên có một bộ phận nhận sự “chạy” vòng quanh và diễn biến này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Góp sức phát triển thị trường
Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 đã nhận xét, tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm là một nghề rất vất vả và áp lực, hơn nữa còn tiềm ẩn những rủi ro nghề nghiệp. Tuy nhiên, dù trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, các CEO đã rất năng động, quyết đoán, sáng tạo.
“Cá nhân tôi rất trân trọng và khâm phục các CEO ngành bảo hiểm. Không chỉ những CEO có gắn bó với ngành bảo hiểm lâu năm, mà kể cả các CEO từ ngành khác chuyển qua đều đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của Hiệp hội và thị trường bảo hiểm. Trên thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm trên thương trường là đối thủ cạnh tranh, nhưng ngoài đời đã trở thành những người bạn của nhau”, ông Dũng nói.
Những vị CEO “Tây” được công ty mẹ ở nước ngoài, nhất là ở những thị trường phát triển, điều động tới Việt Nam cũng đã có đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.