Hợp tác cùng CJ, Gemadept tiếp tục chủ động điều hành sản xuất kinh doanh
Vừa qua, Tập đoàn Gemadept (GMD) đã chuyển nhượng cho CJ Logistics 50,9% và 49% phần vốn góp của mình tại hai công ty liên doanh CJ Gemadept Logistics và CJ Gemadept Shipping, do GMD và CJ đồng sở hữu. Giá trị phần chuyển nhượng này chiếm chưa đến 15% tổng giá trị tài sản của toàn bộ Tập đoàn.
Theo GMD, việc hợp tác với CJ Logistics có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động sang toàn khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn. Liên doanh CJ Gemadept sẽ tận dụng lợi thế kinh doanh của cả hai bên để GMD nhanh chóng trở thành doanh nghiệp logistics mạnh nhất khu vực Đông Dương và thuộc TOP doanh nghiệp hàng đầu tại Đông Nam Á. Cụ thể, mục tiêu ngắn hạn của liên doanh này là sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động logistics trong vòng 3 năm tới. GMD có kinh nghiệm, am hiểu địa phương và mối quan hệ gần 30 năm hợp tác tốt với các đối tác lớn toàn cầu, trong khi CJ Logistics có lợi thế trong ngành logistics với mạng lưới có mặt ở tất cả các châu lục.
Điểm quan trọng trong mối quan hệ hợp tác chiến lược CJ - GMD chính là việc đối tác Hàn Quốc đã tin tưởng và đồng thuận để GMD tiếp tục trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh tại Liên doanh. Theo ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc GMD, đây chính là điều khoản quan trọng nhất trong hợp đồng đối tác giữa CJ Logistics và GMD.
“Tất cả mọi quyết định tại Liên doanh CJ Gemadept đều sẽ phải được sự đồng thuận của cả hai bên. Chúng tôi vẫn là những người trực tiếp quản lý hoạt động hàng ngày tại liên doanh này chứ không “bán” công ty của mình cho đối tác Hàn Quốc như những tin đồn đang có trên thị trường,” ông Minh nhấn mạnh. Theo ông Minh, CJ Logistics và GMD đã trải qua một thời gian dài tìm hiểu trước khi đi đến quyết định ký kết hợp tác, vì cùng một tầm nhìn, cùng một mục tiêu và có văn hóa khá tương đồng nên cả hai đều tin tưởng rằng, đây sẽ là sự hợp tác win - win, đồng hành cùng phát triển vì lợi ích của cả 2 bên.
“Nếu chỉ đi một mình, chúng tôi có thể chỉ là Gemadept tại Việt Nam là chính. Nhưng nếu hợp tác cùng các đối tác lớn có quy mô và mạng lưới toàn cầu, chắc chắn sẽ có một Gemadept hoàn toàn khác. Và với sự hợp lực giữa Gemadept và CJ Logistics, chúng tôi mong muốn bước đi trong những năm tiếp theo của GMD sẽ vững chắc, nhanh và xa hơn bao giờ hết”, ông Minh chia sẻ.
GMD hiện nay là doanh nghiệp tư nhân duy nhất tại Việt Nam sở hữu mạng lưới tài sản cảng và logistics dọc chiều dài đất nước, có nguồn nhân lực tiên phong, giàu kinh nghiệm, sẵn sàng đón nhận cơ hội cũng như thách thức, luôn kiên định với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong cung cấp giải pháp logistics và khai thác cảng. Khát vọng hợp tác với đối tác lớn để vươn xa của GMD khi được thực hiện thành công sẽ giúp Việt Nam có một doanh nghiệp logistics Việt lớn mạnh mang tầm vóc khu vực trong tương lai không xa.
Kế hoạch vươn xa trong ngành logistics khu vực
Theo lãnh đạo GMD, mục tiêu của Tập đoàn trong lĩnh vực logistics là hoàn thiện hệ thống logistics hàng hóa tích hợp, bao gồm tất cả các công đoạn từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng, từ vận tải biển, cảng, trung tâm phân phối đến vận tải hàng không, đường thủy và đường bộ.
Nếu chỉ đi một mình, chúng tôi có thể chỉ là Gemadept tại Việt Nam là chính. Nhưng nếu hợp tác cùng các đối tác lớn có quy mô và mạng lưới toàn cầu, chắc chắn sẽ có một Gemadept hoàn toàn khác.
Ông Đỗ Văn Minh,
Tổng giám đốc Gemadept
Hiện nay, tại khu vực phía Nam, GMD đang sở hữu và khai thác các trung tâm phân phối lớn tại Khu công nghiệp Sóng Thần, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Hệ thống phân phối ở miền Bắc của GMD cũng đã có mặt tại các tỉnh, thành phố sầm uất như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên. Trong năm vừa qua, GMD đã khá nhạy bén khi tiên phong mở rộng mạng lưới ra các khu vực còn rất tiềm năng như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ… Tổng diện tích hệ thống trung tâm phân phối của GMD trên toàn lãnh thổ Việt Nam tính đến hết năm 2017 lên tới 300.000 m2. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục được gia tăng trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Riêng trong lĩnh vực logistics hàng lạnh, sau khi hợp tác với Tập đoàn xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam - Minh Phú để xây dựng Trung tâm logistics lạnh lớn nhất Việt Nam với khu vực rộng 15 ha vào năm 2015, GMD cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong các ngành nghề tiềm năng khác như trái cây, thủy hải sản xuất khẩu, thịt đông lạnh… để nâng cao hiệu quả khai thác trung tâm logistics hàng lạnh hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế này. Không dừng lại ở đó, GMD cũng đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng thị trường để đa dạng hóa hoạt động logistics. Điển hình là tháng 4 năm ngoái, Tập đoàn khai trương Trung tâm logistics cho các dịch vụ xe ôtô tại tỉnh Long An, hợp tác với đối tác lâu năm là K’Line Nhật Bản. Trung tâm này có diện tích sử dụng là 55.000m2, hoạt động theo mô hình dịch vụ tiếp vận xe ô tô lần đầu tiên tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, GMD tiếp tục đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong vận hành cảng hàng hóa tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, vận tải hàng dự án và giữ vững vị trí hàng đầu trong dịch vụ vận chuyển đường sông tại Việt Nam cũng như kết nối giữa TP.HCM - Phnom Penh (Campuchia). Hiện nay, GMD đang sở hữu và khai thác 36 phương tiện vận tải thủy, biển các loại, 10.000 TEU thùng container và các phương tiện, thiết bị hiện đại khác.
Tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực cảng biển
Song song với lĩnh vực logistics, GMD đang sở hữu và khai thác hệ thống cảng quy mô hàng đầu cả nước, tọa lạc tại các vị trí chiến lược của các thành phố lớn và các khu công nghiệp sầm uất từ Bắc vào Nam. Tháng 2 vừa qua, GMD đã đưa vào khai thác giai đoạn 1 Cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) với tổng đầu tư 75 triệu USD và công suất 600.000 TEU. Đây là cảng thứ 3 của GMD tại khu vực miền Bắc với tổng vốn đầu tư cho cả 3 giai đoạn là 265 triệu USD. Giai đoạn 2 của Cảng Nam Đình Vũ dự kiến sẽ được khởi động vào tháng 6/2018, đưa vào khai thác đầu năm 2020 với công suất tương đương giai đoạn 1.
Ngoài Nam Đình Vũ, các cảng còn lại của GMD tại miền Bắc bao gồm Nam Hải (hoàn thiện năm 2009), Nam Hải Đình Vũ (2014) đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế bên cạnh Nam Hải ICD (vừa đưa vào khai thác năm 2017). Từ năm đầu tiên có mặt trên thị trường khai thác cảng Hải Phòng (năm 2009) đến nay, đối với hệ thống cảng tại miền Bắc, Gemadept đã tăng trưởng khá ấn tượng với hơn 12 lần về lượng hàng hóa và tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là 30%.
Tại miền Nam, GMD cho biết đang tái khởi động siêu dự án Gemalink, được đánh giá là cảng nước sâu trung chuyển lớn nhất cả nước tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong dự án này, GMD góp 75% vốn, 25% còn lại là của đối tác Pháp - Hãng tàu lớn thứ 3 thế giới là CMA-CGM. Giai đoạn 1 của dự án Gemalink có số vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD trên diện tích 33 ha với khả năng xếp dỡ ước tính đạt 1,5 triệu TEU. Khi hoàn tất cả hai giai đoạn, cảng Gemalink sẽ có quy mô 72 ha, với khả năng xếp dỡ lên đến 2,4 triệu TEU.
Theo GMD, Cảng Gemalink sở hữu những lợi thế cạnh tranh vượt trội nhờ vị trí thuận lợi, nằm ngay cửa sông Cái Mép với mớn sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu. Gemalink cũng có cầu bến chính dài nhất tại khu vực Cái Mép (chiều dài bến chính là 1,15 km, năng lực tiếp nhận cùng lúc 2 tàu mẹ trong giai đoạn 1 và cùng lúc 3 tàu mẹ trong giai đoạn 2). Đây cũng là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải được thiết kế có bến chuyên dụng làm hàng song song cho tàu feeder và sà lan kết nối khu vực TP. HCM và Đồng bằng sông Cửu Long; có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200.000 DWT (thuộc loại mega vessel lớn nhất trên thế giới hiện nay). Trong tương lai, Gemalink cùng cụm cảng Cái Mép được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn, có thể sánh ngang các cảng trung chuyển hàng hóa khác trong khu vực.
Với những chia sẻ cởi mở, thẳng thắn cùng những bước đi chiến lược, sâu sắc và bài bản của Tập đoàn Gemadept, dấu ấn về một thương hiệu Việt hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics đang dần được khẳng định, là niềm tự hào của Việt Nam khi sẵn sàng vươn mình lớn mạnh cùng khu vực và thế giới.