GDP là cái gốc của thu ngân sách, được xét theo 3 nghĩa.
Thứ nhất, coi GDP là mẫu số so sánh, thì khi mẫu số lớn hơn, các tỷ lệ so với GDP sẽ nhỏ hơn.
Thứ hai, thu, chi, bội chi, nợ công... được xây dựng dựa trên GDP, nếu GDP không đạt được mục tiêu thì các chỉ tiêu được xây dựng trên GDP mục tiêu sẽ khó đạt được.
Thứ ba, tổng quát hơn, nếu GDP là “hiệu quả” của toàn bộ nền kinh tế, thì thu ngân sách là “hiệu quả của hiệu quả”. Đó là chưa nói, GDP được ví như “chiếc bánh”, nếu “chiếc bánh” này to ra, thì phần “chia” cho ngân sách nhà nước và các chủ thể khác (doanh nghiệp, người lao động...) mới “to” lên được.
Năm 2015, tuy tốc độ tăng GDP tính theo giá so sánh cao hơn năm trước (6,68% so với 5,98%), nhưng theo Tổng cục Thống kê, tính theo giá thực tế, chỉ tăng 6,48%. Điều đó có nghĩa là, GDP tính theo giá thực tế bị co lại, trong khi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài vẫn thực hiện như dự toán.
Do vậy, bội chi ngân sách nhà nước/GDP năm 2015 cao hơn dự toán; nhiều chỉ tiêu khác, như tỷ lệ tổng thu, tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài, nợ chính phủ... tính trên GDP đều tăng lên.
GDP 6 tháng đầu năm nay tăng thấp xa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước và tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra cho cả năm (tương ứng là 5,52% so với 6,32% và 6,7%). Tốc độ tăng GDP cả năm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 phương án (phương án thấp tăng 6,28%, phương án trung bình tăng 6,5%, phương án cao tăng 6,7%). Chính phủ đã lựa chọn phương án cao. Cần lưu ý, một số tổ chức nước ngoài, không ít chuyên gia dự báo sẽ khó đạt được phương án cao.
Thực tế 8 tháng đầu năm, tốc độ tăng của nhiều chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, như tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 7,3% so với 9,2%, xuất khẩu tăng 5,5% so với 9,3%, nhập khẩu giảm 0,3% so với tăng 16,5%.
Không chỉ thấp hơn về tốc độ tăng, mà còn có khả năng thấp hơn về hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng năng suất lao động. Hệ số vốn đầu tư/GDP so với tốc độ tăng GDP năm 2015 đã đưa được xuống dưới 5 lần, thì khả năng năm nay sẽ cao hơn (6 tháng đầu năm đã ở mức gần 6 lần) - tức là hiệu quả đầu tư giảm. Tốc độ tăng năng suất lao động trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,7% so với chỉ tiêu này của năm ngoái là 6,36%.
Mặc dù tốc độ và chất lượng tăng trưởng GDP là cái gốc, song ngoài những nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm, trong khi thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh tăng. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt thấp so với dự toán năm và giảm so với cùng kỳ, ngoài nguyên nhân khách quan cũng có nguyên nhân chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện, điều hành...
Tình hình thất thu thuế, buôn lậu và gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn còn phổ biến, nợ đọng thuế lớn và ngày càng gia tăng (nợ đọng thuế của Việt Nam hiện chiếm 7,5% tổng thu, cao gấp rưỡi so với tỷ lệ 5% của khu vực.
Để giảm bội chi, cùng với việc tăng tốc độ, chất lượng tăng trưởng GDP và chống thất thu, nợ đọng, còn cần phải tiết kiệm chi. Tình trạng lãng phí, thất thoát trong chi ngân sách diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, liên quan đến tài sản, đất đai, đầu tư công... Tỷ trọng chi cho hành chính, sự nghiệp cao, phần trả nợ lớn, nên phần còn lại chi cho đầu tư không nhiều. Bộ máy cồng kềnh, làm cho tổng chi lương quá lớn.