GDP quý I tăng thấp là hợp quy luật và thực tiễn kinh tế xã hội Việt Nam

Cuối tuần này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số đại biểu Quốc hội lo ngại tốc độ tăng trưởng quý I/2018 sụt giảm mạnh so với quý IV/2017. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I tăng thấp và sẽ tăng dần qua từng quý là hợp quy luật”, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.
TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018, một số đại biểu Quốc hội lo ngại, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2018 sẽ giảm đột ngột. Vì sao lại có hiện tượng này, thưa ông?

Tăng trưởng GDP của nước ta trong quý I thường thấp, sau đó tăng lên trong những quý tiếp theo có nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố mùa vụ như nghỉ Tết cổ truyền; lễ hội, du Xuân; đầu tư, xây dựng nhà ở, sản xuất nông nghiệp theo mùa…, khiến vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp trong những tháng đầu năm.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn trước đây và hiện nay phần lớn phụ thuộc vào vốn đầu tư (đóng góp gần 50% vào tăng trưởng GDP), phần còn lại là đóng góp của yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp (TFP).

Trong quý I, ngoại trừ tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng làm GDP tăng, hoạt động đầu tư và xuất khẩu những tháng đầu năm đạt thấp khiến GDP tăng thấp

Những năm qua, vốn đầu tư thực hiện (trong đó có đầu tư công chiếm khoảng 23-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) có xu hướng tăng dần qua các quý, trong đó quý I thường đạt thấp do những tháng đầu năm trùng với thời gian nghỉ Tết cổ truyền kéo dài.

Đối với nguồn vốn đầu tư công, trong những tháng đầu năm, bên cạnh thủ tục, quy trình phân bổ nguồn vốn này thường chậm, các chủ dự án, công trình cũng tập trung hoàn tất các thủ tục để thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của năm trước, do đó vốn đầu tư thực hiện thường đạt thấp và tăng dần trong những quý cuối năm.

Giải ngân vốn đầu tư trong quý I đạt thấp và có xu hướng tăng lên trong các quý tiếp theo là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP quý I thường thấp và tăng dần trong 3 quý còn lại, trong đó, quý IV thường đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Nhưng những tháng đầu năm mới trùng với những tháng cuối năm Âm lịch của năm trước, nên chi ngân sách nhà nước nói chung vẫn tăng?

Những năm gần đây, tỷ lệ chi ngân sách của quý I so với dự toán có xu hướng giảm dần, đặc biệt là chi đầu tư phát triển. Chi đầu tư phát triển chậm tác động đến nhiều ngành kinh tế, vì vốn ngân sách nhà nước được coi là vốn “mồi” để thu hút các thành phần kinh tế khác.

Trong khi đó, chi thường xuyên thấp tác động trực tiếp đến các ngành và hoạt động như quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, nghệ thuật.

Tất cả các nguồn vốn kể trên (đầu tư công, đầu tư phát triển, ngân sách nhà nước) quý I giải ngân thấp và tăng dần qua các quý làm cho tăng trưởng GDP của quý I thường thấp, sau đó tăng dần qua các quý.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng cũng có xu hướng quý I hàng năm thường tăng rất thấp và tăng dần qua từng quý còn lại, vì quý I trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm, nên tâm lý, thói quen của người Việt Nam không tập trung nhiều cho đầu tư sản xuất - kinh doanh và cũng không tập trung cho việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, đầu tư vào nhà ở.

Phản biện lại lập luận nêu trên, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế cho rằng, GDP quý I thấp do nghỉ Tết, nhưng bù lại tăng tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư. Ông giải thích thế nào?

GDP là chỉ tiêu kinh tế tổng họp phản ánh giá trị mới tăng của sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (quý, 6 tháng, 9 tháng, năm). GDP được tính theo giá hiện hành và giá so sánh cho từng quý và cả năm thông qua phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng.

Theo phương pháp sản xuất, GDP được tính bằng tổng giá tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.

Việc tiêu dùng tăng lên trong dịp Tết tác động tích cực tới một số ngành dịch vụ như bán lẻ, vận tải, bưu chính viễn thông, văn hóa, vui chơi, giải trí… Nhưng các ngành sản xuất vẫn bị ảnh hưởng do phần lớn các sản phẩm phục vụ Tết chủ yếu được sản xuất cuối năm trước, khu vực hành chính, giáo dục thường được nghỉ dài ngày trong dịp Tết cổ truyền.

Còn theo phương pháp sử dụng thì GDP bằng tổng của 3 yếu tố gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và Nhà nước; tích lũy tài sản và chênh lệch suất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, trong quý I, ngoại trừ tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng làm GDP tăng, hoạt động đầu tư và xuất khẩu những tháng đầu năm đạt thấp khiến GDP tăng thấp.

So với cùng kỳ năm 2016, sản lượng thủy sản 9 tháng chỉ tăng 4,5% nhưng giá trị tăng 5,42%. Nhìn vào đây, nhiều người cho rằng, con số tăng trưởng đã được “chế biến”?

Chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội thường nói đến tình trạng “được mùa mất giá”. Ý muốn nói là nhờ được mùa, nên sản lượng lương thực, thực phẩm, rau của quả tăng, nhưng giá bán thấp nên hiệu quả sản xuất kém, thậm chí người sản xuất còn bị thua lỗ.

Từ thực tế này, việc sản lượng tăng thấp nhưng giá trị tăng cao của thủy sản trong 9 tháng đầu năm không có gì khó hiểu. Chưa kể, giá trị thủy sản 9 tháng đạt cao còn do thay đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản.

Giá trị sản xuất bằng sản lượng mỗi loại thủy sản nhân với đơn giá bình quân của từng loại thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm, do thay đổi cơ cấu nuôi trồng, người dân đẩy mạnh nuôi tôm là loại hàng hóa có giá trị cao.

Sản lượng tôm sú chiếm 7% và tôm thẻ chiếm gần 10% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, nhưng về giá trị thì tôm sú chiếm tới 26% và tôm thẻ chân trắng chiếm 23,2% tổng giá trị thủy sản nuôi trồng. Điều này lý giải vì sao sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2017 chỉ tăng 4,5% nhưng giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng 5,42%.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục