GDP giảm xuống mức kỷ lục kể từ năm 2009, Đức rơi vào suy thoái kỹ thuật

(ĐTCK) Nền kinh tế Đức tăng trưởng âm trong quý đầu tiên do sự suy giảm mạnh về đầu tư, tiêu dùng cá nhân và xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, theo Market Watch.
Ảnh: AP. Ảnh: AP.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 25/5, GDP của Đức trong quý đầu tiên của năm 2020 giảm 2,2% so với giai đoạn ba tháng trước đó. Đây là mức sụt giảm cao nhất được ghi nhận kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009.

Đây cũng là mức giảm lớn thứ hai kể từ khi nước Đức thống nhất, sau mức giảm 4,7% trong quý đầu năm 2009, Destatis cho biết.

Trong quý IV/2019, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 0,1% so với quý trước đó. GDP tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp đồng nghĩa với việc, Đức đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.

GDP giảm xuống mức kỷ lục kể từ năm 2009, Đức rơi vào suy thoái kỹ thuật ảnh 1

Mức tăng trưởng GDP hàng quý của Đức trong 3 năm gần đây.

Trong 3 tháng đầu năm, đầu tư vào máy móc và thiết bị giảm 6,9% so với quý trước, tiêu dùng cá nhân giảm 3,2%, xuất khẩu giảm 3,1%. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực xây dựng tăng 4,1%, còn chi tiêu chính phủ tăng 0,2%.

Đức bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vào ngày 22/3 và mở cửa dần dần trở lại vào ngày 20/4. Các nhà kinh tế học nhận định, GDP của Đức sẽ thu hẹp một cách sắc nét hơn trong quý thứ hai năm nay.

Chính phủ Đức dự báo, năm nay, GDP của nước này sẽ giảm kỷ lục 6,3%, đồng thời hy vọng kinh tế sẽ hồi phục vào năm 2021, tăng trưởng 5,2% khi dịch bệnh qua đi và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường.

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Đức (DIHK) ước tính, nền kinh tế Đức sẽ thu hẹp ít nhất 10% trong năm 2020.

Bên cạnh đó, so với các nước bị ảnh hưởng nặng nề trong khu vực, tình trạng thất nghiệp ở Đức đã được hạn chế tối đa nhờ sự chủ động trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, 5%, không còn giữ được, và có thể ở mức 5,8% trong năm 2020.

Chính phủ Đức đã tung ra gói hỗ trợ lên tới 1.100 tỷ euro để giúp doanh nghiệp, người lao động và cả hệ thống y tế vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Nền kinh tế của các nước Bắc Âu, nhìn chung, có mức thu hẹp ít hơn nhiều so với các nền kinh tế Địa Trung Hải trong quý vừa qua. Kinh tế Hà Lan sụt giảm 1,7% trong quý đầu tiên, trong khi Ý giảm 4,7%, Pháp công bố mức giảm lịch sử 5,8% và Tây Ban Nha cũng giảm kỷ lục 5,2% theo các ước tính sơ bộ.

Quỳnh Lê
Market Watch

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục