Gạt qua cuộc tranh luận lộn xộn đầu tiên, giới đầu tư đặt trọn niềm tin vào gói viện trợ mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kết thúc tháng 9 đầy biến động bằng một phiên giao dịch khởi sắc vào ngày thứ Tư (30/9).
Gạt qua cuộc tranh luận lộn xộn đầu tiên, giới đầu tư đặt trọn niềm tin vào gói viện trợ mới

Hậu “khẩu chiến” giữa hai ứng cử viên tổng thống, chứng khoán Mỹ tiếp tục nuôi hy vọng về gói viện trợ mới sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đều lên tiếng bày tỏ hy vọng về một bước đột phá trong các cuộc đàm phán tại Washington.

Tuy nhiên, Lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell vào chiều ngày thứ Tư (30/9) đã tuyên bố với truyền thông rằng, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn còn "rất xa nhau" trong quan điểm về số tiền chi tiêu.

Giới quan sát nhận định, thị trường đã rất hứng khởi do được bao bọc bởi dữ liệu kinh tế khá tốt và kỳ vọng về một gói kích thích tung ra trước ngày bầu cử được thúc đẩy bởi Mnuchin và Pelosi, trước khi McConnell dội gáo nước lạnh vào. Tuy nhiên, hy vọng vẫn chưa bị dập tắt khi tại thời điểm này, gói kích thích kinh tế có động cơ chính trị và nó phục vụ cho mục đích của cả hai đảng tham gia bầu cử.

Các diễn biến phức tạp trên Đồi Capitol đã làm lu mờ dữ liệu tích cực về nhà ở và việc làm vốn là trọng tâm trong phần lớn thời gian giao dịch.

Hiệp hội chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) cho biết hôm thứ Tư, các hợp đồng mua nhà tại nước này đạt mức cao kỷ lục vào tháng 8. Trong khi đó, ADP, nhà cung cấp dịch vụ và phần mềm quản lý nguồn nhân lực của Mỹ, báo cáo, 749.000 việc làm trong khu vực tư nhân đã được tạo ra vào tháng 9, vượt xa mức 650.000 được dự đoán trước đó và là mức tăng mạnh nhất trong ba tháng. Tháng trước, dữ liệu ADP cho thấy có 480.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 8.

Dữ liệu ADP có thể là điềm báo tốt cho báo cáo về bảng lương phi nông nghiệp sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu (2/10), với 800.000 việc làm ước tính cho tháng 9 và tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 8,4% xuống 8,2%.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Dow Jones tăng 329,04 điểm (+1,20%), lên 27.781,7 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 27,53 điểm (+0,83%), lên 3.363,00 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 82,26 điểm (+1,87%) lên 11.167,51 điểm.

Trong tháng, chỉ số Dow Jones mất 2,3%, S&P 500 giảm 3,9% và Nasdaq Composite giảm 5,2%, đánh dấu mức giảm hàng tháng đầu tiên của bộ 3 chỉ số chính trên Phố Wall kể từ tháng 3.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa gần như đi ngang khi giới đầu tư chuyển hướng sang theo dõi về tình hình gói viện trợ mới tại Mỹ, làm mờ nhạt sự u ám sớm của dịch bệnh.

Anh báo cáo hơn 7.000 trường hợp nhiễm Covid-19 trong ngày thứ hai liên tiếp, đồng thời một số quốc gia châu Âu đã xem xét việc thắt chặt hơn các hạn chế trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus trong mùa thu và mùa đông này.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 31,40 điểm (-0,53%), xuống 5.866,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 65,09 điểm (-0,51%), xuống 12.760,73 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 28,63 điểm (-0,59%) xuống 4.803,44 điểm.

Trong tháng, chỉ số FTSE 100 giảm 1,26%, DAX giảm 3,64% và CAC40 giảm 4,54%.

Chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm sau khi chứng kiến màn tranh luận lộn xộn giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Chứng khoán Nhật Bản giảm theo chân các chỉ số tương lai của phố Wall. Chứng khoán Trung Quốc giảm khi sự lạc quan từ các dữ liệu kinh tế gần đây khởi sắc đã phai nhạt dần, trong khi áp lực mới xuất hiện từ nhà sản xuất chip lớn nhất SMIC.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 353,98 điểm (-1,50%), xuống 23.185,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,31 điểm (-0,20%), xuống 3.218,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 183,52 điểm (+0,79%), lên 23.459,05 điểm.

Trong tháng, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,20%, Shanghai Composite giảm 5,48%, Hang Seng giảm 6,61% và Kospi giảm 0,92%.

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau cuộc tranh luận đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donlad Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Những thông tin tích cực về gói cứu trợ kinh tế mới thúc đẩy thị trường chứng khoán khiến dòng tiền không tìm đến với kênh trú ẩn an toàn trong phiên đêm qua.

Kết thúc phiên 30/9, giá vàng giao ngay giảm 12,10 USD (-0,63%), xuống 1.885,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 11 giảm 7,40 USD (-0,39%), xuống 1.891,3 USD/ounce.

Giá dầu thế giới không có nhiều biến động, trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu nhiên liệu giảm do đại dịch Covid-19 vẫn hiện hữu. Giới chuyên gia dự báo nhu cầu dầu sẽ phục hồi yếu và ít biến động về giá trong những tháng tới.

Kết thúc phiên 30/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,93 USD (+2,31%), lên 40,22 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,08 USD (-0,20%), xuống 40,95 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục