Gấp rút xây dựng pháp lý cho tài sản số

Doanh nghiệp, nhà đầu tư đang trông chờ hành lang pháp lý điều chỉnh tài sản số.
Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về mức độ quan tâm đến tài sản số

Tài sản số đi vào chương trình nghị sự của các bộ, ngành

Hành lang pháp lý cho tài sản ảo, tài sản số đang là vấn đề đặt ra trong xây dựng pháp luật của các bộ, ngành. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Trong đó, đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình về đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tài sản số (tài sản ảo, tài sản mã hóa).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Dự thảo Nghị quyết đề cập chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

Theo đó, cơ quan quản lý, điều hành trung tâm tài chính có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro đối với thử nghiệm có kiểm soát trong hoạt động fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hoá, tiền mã hoá. Các giao dịch bằng tài sản mã hoá, tiền mã hoá trong trung tâm tài chính sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2026.

Còn trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến người dân cũng đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tài sản số. Theo đó, bộ này đề xuất đưa ra khái niệm tài sản số với nội hàm là một loại sản phẩm công nghệ số và dự kiến giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành ban hành hoặc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số.

Những động thái trên cho thấy, tài sản số đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành.

Giải quyết ẩn họa tài sản số

Chúng ta cần khung pháp lý minh bạch để những người phát triển và nhà đầu tư được bảo vệ, được minh bạch.

- Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SSI

Theo báo cáo của Chainalysis, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về mức độ quan tâm đến tài sản số, đứng thứ 3 toàn cầu về sử dụng các nền tảng giao dịch quốc tế và xếp thứ 6 về khối lượng giao dịch trên các nền tảng phi tập trung. Báo cáo này cho hay, hiện có 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản số và tổng giá trị thị trường vượt 100 tỷ USD, giao dịch tài sản số không chính thức đang tạo ra một nền kinh tế ngầm khổng lồ.

“Việt Nam có cơ hội lớn để tận dụng nguồn thu từ giao dịch tài sản số. Nếu áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân 0,1% như giao dịch chứng khoán, thì mỗi năm có thể thu về hơn 800 triệu USD tiền thuế. Bên cạnh đó, các nền tảng giao dịch thường áp dụng mức phí 0,01 - 0,8% mỗi giao dịch. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn tạo điều kiện để giám sát và điều tiết thị trường, bảo vệ nhà đầu tư trước các rủi ro”, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài sản số - Fintech ( Hiệp hội Blockchain Việt Nam) khẳng định.

Theo ông Dinh, cần một khung pháp lý rõ ràng đảm bảo quyền lợi của người dùng trong các giao dịch tài sản số, từ việc xác minh danh tính (KYC) đến bảo vệ dữ liệu cá nhân và giải quyết tranh chấp. Hiện tại, trong một thị trường thiếu pháp lý, người dùng có nguy cơ bị lừa đảo hoặc gặp rủi ro mất tài sản. Luật hóa tài sản số không chỉ mang lại sự an tâm cho người dân khi tham gia giao dịch, mà còn củng cố niềm tin của họ vào công nghệ blockchain và các ứng dụng liên quan.

Còn ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, 10 sàn giao dịch lớn nhất trên thế giới đều thừa nhận rằng, Việt Nam là thị trường có độ giao dịch nằm trong danh sách 4 thị trường giao dịch lớn nhất thế giới. Thế nhưng, Việt Nam lại chưa có khung pháp lý để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể yên tâm, tạo điều kiện để phát triển, đồng thời tránh bị lừa đảo trên không gian mạng.

“Chúng ta cần khung pháp lý minh bạch để những người phát triển và những nhà đầu tư được bảo vệ, được minh bạch, không ai có thể lừa được ai, không ai có thể trục lợi qua các chiêu trò trên thị trường. Chúng ta cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển các khối doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực này”, ông Hưng chia sẻ.

Luật sư Phạm Ba Đô, Giám đốc Công ty Luật TNHH SJKLAW cho rằng, sự thiếu hụt, chưa hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền điện tử và các giao dịch trên môi trường số đã tạo ra môi trường “màu mỡ” cho các hoạt động lừa đảo phát triển.

Theo ông Đô, cần khẩn trương xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho tiền ảo và tài sản ảo. Trong đó, cần định nghĩa rõ tiền ảo, tài sản ảo, công nhận tiền ảo có thể giao dịch và thanh toán trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trong tất cả các giao dịch thương mại. Cùng với đó, quy định về việc đăng ký, cấp phép và quản lý các sàn giao dịch tiền ảo, bởi đang có tình trạng các tổ chức phát hành tiền ảo không được kiểm soát đầy đủ, dẫn đến tình trạng phát hành tiền ảo không có bảo chứng hoặc giá trị thực, tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục