Hiện trạng…
Hoạt động cả năm 2015, Chứng khoán HVS chỉ đạt 406 triệu đồng doanh thu, trong đó có 97 triệu đồng từ hoạt động môi giới, 309 triệu đồng đến từ doanh thu khác. Doanh thu thấp, trong khi chi phí hoạt động và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, HVS lỗ gần 1,2 tỷ đồng trong năm 2015.
Tại một DN khác, CTCP Chứng khoán Hưng Thịnh, năm 2015, HTS lỗ sau thuế gần 4,3 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 29 tỷ đồng, tổng tài sản giảm mạnh tới 32%. Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm, tổng số cán bộ, nhân viên của Công ty chỉ là 20 người.
Công ty Chứng khoán ALPHA (APSC) không khá hơn. Trong năm 2015, nền kinh tế biến động khó lường gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán nói chung và doanh thu Công ty nói riêng. Cụ thể, doanh thu của APSC sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt ở mảng môi giới với kết quả hơn 4 tỷ đồng, chỉ bằng 56,2% doanh thu năm 2014.
Năm 2015, APSC đạt 7,4 tỷ đồng doanh thu thuần, hoàn thành 79,4% kế hoạch và giảm mạnh 47,9% so với năm 2014 ; lợi nhuận sau thuế cả năm là âm 3,17 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2015 của Công ty là hơn 55 tỷ đồng, giảm 9,46% so với cuối năm 2014.
Không chỉ khó khăn trong mảng môi giới, APSC thừa nhận, năm 2015, hoạt động tư vấn niêm yết của Công ty gần như bị đình trệ, hoạt động tư vấn phát hành gặp rất nhiều bất lợi trong việc tìm kiếm khách hàng mới.
Cũng trong hoàn cảnh khó khăn, CTCP Chứng khoán Phượng Hoàng hiện là công ty chứng khoán có vốn điều lệ thấp nhất (35 tỷ đồng), công bố kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2015 và chưa rõ con đường mới để thay đổi chính mình.
Năm 2015, PCS đạt 4,38 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 38,1% so với năm 2014; lỗ trước thuế 254 triệu đồng. Từ vài năm nay, Công ty này nỗ lực tìm kiếm đối tác để bán, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Cầm cự hay thay đổi?
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán.
Theo đó, nội dung bổ sung Điều 40 của Thông tư 210 có quy định, trường hợp CTCK đang bị hoặc chưa khắc phục được tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt và có lỗ lũy kế từ 50% vốn điều lệ trở lên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh của CTCK và yêu cầu công ty thực hiện thủ tục giải thể.
Các CTCK hoạt động cầm cự như trên có thể chưa chạm vào ngưỡng phải giải thể theo quy định mới, nhưng trên khía cạnh lợi ích, liệu có cơ hội gì cho các CTCK yếu bật lên trong tương lai? Không tìm thấy một con đường, lãnh đạo một số CTCK đang đặt hy vọng sang mảng việc khác.
Chủ tịch một CTCK mở thêm dịch vụ spa, thư giãn cho dân chứng khoán; Tổng giám đốc một CTCK khác dành thời gian phát triển thương hiệu café riêng cho dân sành điệu. Có người dành nỗ lực phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện ích, có người dành thời gian phát triển dịch vụ du lịch bằng ôtô…
Trong khi đó, ở một bức tranh khác, các CTCK hàng đầu vẫn giữ được phong độ, ngày càng vượt xa các CTCK Top cuối. SSI, HSC, Bản Việt, VNDS… là những DN trong Top dẫn đầu, ngày càng chiếm thị phần lớn trong các mảng dịch vụ chính của CTCK với các khoản lợi nhuận tích lũy tăng dần hàng năm. Khi các “ông lớn” chiếm nhiều hơn miếng bánh thị phần, cơ hội cho các CTCK nhỏ, không rõ con đường và không còn nhiều tâm huyết, dường như đang khép lại.
Cầm cự hay thay đổi là trăn trở với lãnh đạo nhiều CTCK. Nhà quản lý mong đợi quá trình tái cấu trúc CTCK sẽ diễn ra tự nguyện, thị trường còn khoảng 30 CTCK sẽ phù hợp với hiện trạng TTCK Việt Nam quy mô còn nhỏ so với các TTCK khu vực và quốc tế. Nhưng ai trong số các CTCK yếu sẽ chủ động từ bỏ cuộc chơi, góp phần trả lại sự “gọn gàng” cho TTCK và giải phóng nguồn lực, tập trung đầu tư vào mảng khác? Thị trường cần những người mạnh dạn thay đổi.