Nhớ đến một địa điểm ẩm thực trứ danh, giá lại bình dân, đi lại, tụ bạ cũng tiện, gã bốc máy: “Này, mang tiếng làm việc trên phố mà tôi chửa một lần thưởng thức món bún chả Tổng thống. Trưa nay, cho tôi mời các ông một suất “combo Obama” được không?”. Tiếng “ok” hưởng ứng của đám bạn khiến tự nhiên gã phấn chấn.
Vậy là vừa hết phiên giao dịch buổi sáng, bốn gã trai đã hội ngộ trước cửa ngôi quán bỗng trở nên nổi tiếng từ mấy năm nay. Theo hướng dẫn của cô phục vụ, cả nhóm vừa tìm được một cái bàn trống, cũng là lúc một đoàn khách du lịch Tây, ta ùa vào. Gian quán chật chội lại trở nên đông nghẹt…
- Từ ngày ông Obama thưởng thức bún chả ở đây, mấy lần tôi cùng đồng nghiệp ghé qua buổi trưa đều gặp biển “Xin lỗi, hết hàng”. Bởi vậy, nay phải giục các ông đến sớm.
Chọn chỗ ngồi ngay cạnh cửa sổ, gã văn sỹ nhìn đám bạn cười nhẹ. Ngắm đám thực khách chậm chân tý chút đã phải tràn ra đứng đợi ở vỉa hè, giọng tay bác sỹ sản khoa kiêm “cò” chung cư nửa chiêm nghiệm, hài hước:
- Ở đời, để phất lên được đúng là rất cần vận may phải không các ông? Tôi cá là nếu như hôm đó, ông đầu bếp Anthony Bourdain đưa ông Obama ghé quán phở bên kia đường thì giờ có khi chúng ta đang lũ lượt xếp hàng bên ấy.
Chăm chú ngắm nghía bức ảnh vị tổng thống Mỹ trẻ trung cầm chai bia chạm với ông đầu bếp Mỹ dẫn đường được gia chủ phóng to treo trang trọng trên tường, tay “chánh văn buồng” hội nghề nghiệp có thâm niên đánh cổ phiếu “nóng”, bật cười:
- Ông nói thế đúng nhưng chưa đủ! Vẫn biết được người đứng đầu Nhà Trắng ghé dùng bữa là cơ may “trăm năm có một”, nhưng thử hỏi, nếu như bà chủ quán này không làm hàng tử tế, chất lượng từ hàng chục năm trước, cơ may đó liệu có đến? Chẳng phải tự dưng họ là người được chọn!
Nãy giờ vẫn dán mắt vào tờ thực đơn trên bàn, gã kế toán ngân hàng chợt góp lời, vẫn thói quen ra chiều minh triết xưa nay:
- Suy nghĩ như các ông không sai, nhưng vẫn thiếu cơ bản. Thời công nghệ 4.0, bất cứ hình ảnh tích cực nào cũng lan toả, tạo hiệu ứng dữ dội. Tôi có cậu em vừa ở Úc về kể, sau sự kiện ông Obama ghé quán Hương Liên này, mặt hàng bún chả Việt Nam “lên đời” trên toàn thế giới. Ở bên Úc, quán bún chả của cậu ấy mở tại Brisbane cũng xôm tụ hơn hẳn. Nhờ vậy, chỉ trong năm rồi, cậu ta đã mở rộng quy mô quán lên gấp hai lần.
- Tôi thì nghĩ, đoạn phim có ông Obama phát trên CNN hai năm trước đây không chỉ quảng bá cho riêng lẻ một nhà hàng Việt, mà cả cho ngành ẩm thực Việt Nam, vấn đề là ai biết chớp lấy cơ hội mà thôi. Ðơn cử như đứa cháu họ tôi, làm du lịch lữ hành quốc tế khu phố cổ, sau sự kiện đình đám này đã đưa ra gói “du lịch ẩm thực Việt” cho khách ngoại quốc, được khách Tây, khách Nhật đăng ký ầm ầm. Thực đơn có đủ bún chả Hương Liên, phở Thìn Lò Ðúc, chả cá Lã Vọng, gà tần thuốc bắc Tống Duy Tân… Lợi nhuận kiếm “khẳm”, nhưng sức ép làm tốt thì cũng luôn thường trực.
Gã văn sỹ kiêm nhà đầu tư nửa mùa chủ chi đế thêm. Vừa lúc cô phục vụ đem ra 4 suất “combo Obama”, gã thành thục mở nắp bia, rồi cầm chai hướng về phía các đồng môn, khởi sự:
- Nào mời anh em cụng ly, nhấm nháp vị bia lạnh mùa đông, gác bỏ một năm đầu tư nhiều “hỷ, nộ, ái, ố”. An lành và may mắn trong năm mới!
Tiếng vỏ chai chạm nhau chan chan, mùi thịt nướng lan toả trong gian phòng, len lỏi vào từng tế bào khướu giác, tạo nên vị hấp dẫn kỳ lạ.
- Lại nói về chủ đề liên quan đến Tổng thống Mỹ. Chẳng thể ngờ có ngày, cái thị trường “cổ cánh vịt ngan” của chúng ta lại lên lên xuống xuống theo từng cử chỉ, hành vi của cái ông cựu doanh nhân bóng bẩy, đỏm dáng ở mãi tận bên kia bán cầu. Ðúng là thời toàn cầu hoá!
Nhấp một hớp bia lạnh, giọng gã kế toán ngân hàng phá tan không khí ẩm thực, trở về với chủ đề nóng của nhóm xưa nay.
-Thì ai bảo thế giới tài chính bậc cao với hàng triệu bộ óc siêu việt mà vẫn cứ nhạy cảm lắm vào. Chỉ một dòng tweet người ta viết trên mạng cũng suy diễn ngược xuôi rồi hoảng loạn bán tháo cổ phiếu. Rõ ràng sóng gió tạm lắng còn gì. Chẳng phải chiến tranh thương mại tạm đình chiến 90 ngày hay sao?
Ðẩy bao thuốc thơm hút dở về phía đám bạn, gã “chánh văn buồng” tiếp lời:
- Thì hôm rồi, ông ấy chẳng khuyên mua vào cổ phiếu, chỉ phiên sau Dow Jone đã tăng ngàn điểm còn gì. Có lẽ bắt chước cái vị nhà mình dạo trước bảo “bán là thua…”
- Thế giới như một cái bình liên thông, giờ cổ phiếu ở đâu rẻ là sẽ thu hút dòng tiền. Tớ tán đồng quan điểm với mấy “ngài” tư vấn vừa rồi: Ðừng nhìn chỉ số thị trường mà hãy nhìn vào “lõi” của cổ phiếu. Cứ cổ phiếu tăng trưởng, kinh doanh sản xuất mở rộng, ngành nghề hưởng lợi từ vĩ mô trong nước ổn định và “chiến tranh thương mại quốc tế” trong năm 2019 mà bị bán dưới giá trị thật, nhẩn nha ngồi “nhập” hoặc nhặt “dép, guốc” có chọn lọc, chỉ nửa cuối năm thôi xin cam đoan kiểu gì chẳng “chén” vài chục phần trăm…
Gã văn sỹ kiêm nhà đầu tư nửa mùa ra chiều thông thái.
- Ông nói cứ như chuyên gia. Nhưng có ai chịu được cái cảnh nhập hàng rồi nhìn cổ của mình thỉnh thoảng lại “cưa chân bàn”, trong khi đầy rẫy các diễn đàn “chim lợn” cứ lượn lờ “hót”.…
Chiêu thêm ngụm bia, gã kế toán ngân hàng ra chiều thông cảm:
- Ðã “sống sót” qua những giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường như cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, rồi lạm phát hai con số thời 2011- 2012 nên chẳng có gì khiến chúng ta bất ngờ. Thị trường sẽ điều chỉnh mạnh kể từ thời 1.200 điểm, chúng ta đã dự đoán trước còn gì. Trong rủi ro luôn có cơ hội. Tôi vẫn có niềm tin vào sự bùng nổ của thị trường trong năm mới, chỉ thời điểm nào mà thôi. Vĩ mô trong nước tốt, mấy ông lớn thế giới choảng nhau chán rồi cũng phải thoả hiệp vì kinh nghiệm vừa rồi cho thấy, Shanghai Composite rơi thì DowJone cũng “đỏ lửa”. Nhỏ lẻ cánh mình bảo trọng, kiên nhẫn chờ xu hướng rõ ràng, chọn cổ phiếu tốt, ra vào hợp lý… kiểu gì rồi cũng có cái ăn…
Dụi điếu thuốc hút dở vào cái gạt tàn, tay “chánh văn buồng” hội nghề nghiệp hồ hởi:
- Ðể tăng cường giao lưu về từng nhóm ngành cũng như kinh nghiệm “chinh chiến” trong năm nhiều ẩn số này, anh em tụi mình phải gặp nhau nhiều hơn. Thôi, khép lại nỗi niềm “cổ cánh”, ta trở lại với chủ đề … ẩm thực. Dự kiến hôm nào lạnh giời, sát với tết âm, cho tôi mời các ông lên Hàng Than thưởng thức món “lục tồn”, cũng là “giải đen” cho năm mới…
- Ý tưởng của ông thì hay, nhưng cho tôi sửa chút. Từ dạo Hà Nội đưa ra quy định cấm món “lục tồn” sau năm 2020, tự nhiên nghĩ đến món đó tôi cứ thấy ghê ghê thế nào ấy - Tay bác sỹ sản khoa kiêm “cò” chung cư nỗi niềm - Có lẽ, đến lúc tụi mình cũng phải hội nhập với văn minh toàn cầu ngay từ chuyện… ẩm thực!
- Thêm một ý kiến hay. Nào, tập trung vào “chuyên môn” đi các ông - Cùng thử món nem mới nóng giòn không nó lại nguội mất… Mà hình như dạo nọ, ông Barack Obama rất khoái thưởng thức món này - Gã văn sỹ kiêm nhà đầu tư nửa mùa gắp thức ăn vào bát các bạn hữu - Cảm ơn những người bạn thông thái của tôi, nào, ta cùng nâng ly cho những điều tốt lành trong năm mới…
Tiếng cụng chai lại chan chát vang lên. Ngoài trời mưa bụi vẫn bay lất phất, một mùa xuân mới đang về.