Gạo Việt bị đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ, Australia
Sau vụ việc 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại thị trường Mỹ vào năm 2020, mới đây, lại có 1 doanh nghiệp nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24, ST25 kèm nội dung: “Gạo, gạo ngon nhất thế giới” tại Australia.
Tại Mỹ, ngày 4/5/2021, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) đã công bố nhãn hiệu ST25 của I&T Enterprises Inc. được đăng ký nhãn hiệu. Sau 30 ngày, nếu không có bên thứ ba nào nộp đơn phản đối, thì nhãn hiệu sẽ chính thức được bảo hộ.
Gạo không phải nông sản đầu tiên của nước ta bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu. Trước đó nhiều năm, cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, cà phê Buôn Ma Thuột… từng liên quan đến việc tranh chấp thương hiệu tại nước ngoài. Quá trình giành lại những thương hiệu kể trên tiêu tốn không ít tiền bạc, thời gian và tâm sức của các doanh nghiệp.
Lần này, nếu để doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu ST25, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được dùng nhãn hiệu này ở Mỹ; nếu muốn xuất khẩu gạo ST25 sang Mỹ, phải được sự chấp thuận của doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu, đồng nghĩa với việc ST25 sẽ bị mất thị trường Mỹ.
Trước những diễn biến này, để giữ được nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ, đại diện Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các cơ quan liên quan đã nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp. Thông tin từ Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (sở hữu thương hiệu ST24, 25), doanh nghiệp đã xúc tiến thuê một công ty luật chuyên ngành ở Mỹ để chuẩn bị thủ tục, đã nộp đơn khiếu nại và chính thức nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ.
Thương hiệu là tài sản sống còn
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hơn 6,15 triệu tấn gạo trị giá 3,07 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng, nhưng tăng 11,2% về trị giá so với năm 2019.
Cần triển khai chiến lược thương hiệu
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh cho rằng, để tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam tại thị trường thế giới, ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.
Theo đó, Chương trình Thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ phát âm và gắn với địa danh nơi trồng lúa (ví dụ: gạo Sóc Trăng Việt Nam), hay tên người tạo ra giống lúa (ví dụ: gạo Ông Cua) để có thể đăng ký bảo hộ thuận lợi tại nước ngoài.
Một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, gần đây nhất là UKVFTA, có hiệu lực đã mở đường cho nông sản Việt, trong đó có mặt hàng gạo, để gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Anh, Australia, Canada… Thương hiệu gạo được thừa nhận sẽ giúp các doanh nghiệp thuận đường xuất khẩu, bán được giá cao. Do đó, tăng cường liên kết để giữ được thương hiệu gạo Việt là mục tiêu sống còn của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, ngay khi biết tin doanh nghiệp Australia đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25, cơ quan này đã gửi công văn, tài liệu, hình ảnh đến Văn phòng Sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia) để làm rõ giống lúa tên ST24, ST25 là do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công và đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam.
“Bước đầu trao đổi với lãnh đạo Công ty T&L Global Foods Supply PTY Ltd., Thương vụ ghi nhận, doanh nghiệp này có thiện chí và cho biết sẽ kiểm tra lại sự việc với bộ phận thương hiệu của Công ty”, ông Hòa thông tin.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng nhấn mạnh, tới đây, Thương vụ sẽ cùng với ông Hồ Quang Cua - “tác giả” của loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019 - đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25, bởi nếu không phải T&L Global Foods Supply PTY Ltd., thì sớm hay muộn cũng sẽ có doanh nghiệp khác thực hiện các việc làm tương tự.
Những năm qua, quy mô xuất khẩu của nền kinh tế nước ta không ngừng gia tăng nhờ hoạt động đầu tư phát triển sản xuất của nhiều ngành hàng, nhưng câu chuyện bảo hộ thương hiệu sản phẩm dường như vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Các vụ việc thương hiệu Việt bị nước ngoài đăng ký bảo hộ không còn là chuyện hiếm hoi.
Theo Công ty Maygust Trademark Attorneys, doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ nhãn hiệu tại Australia, doanh nghiệp cần chủ động xin bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực để tránh bị tranh chấp khi có doanh nghiệp khác nhanh tay đăng ký. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sớm sẽ giúp doanh nghiệp giữ được tài sản của mình và cho quốc gia.
Được biết, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Pan. Từ nay, họ sẽ ủy thác cho Tập đoàn Pan đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và gạo ST25 cùng lúc tại các thị trường lớn trên thế giới.
Trong một diễn biến mới nhất của vụ việc này, USPTO xác nhận, Công ty TNHH Hồ Quang Trí đã làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu Gạo ông Cua. Đơn đăng ký nhãn hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được tiếp nhận. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí vẫn tiếp tục khiếu nại lên USPTO về đơn xin bảo hộ nhãn hiệu ST25 của Công ty I&T Enterprise Inc. được công bố chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 từ hôm 4/5.
Mới đây, ông Hồ Quang Cua bày tỏ mong muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước để nhiều đơn vị, tổ chức có thể sử dụng bản quyền này nhằm thúc đẩy ST24, ST25 phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu. Trước nguyện vọng chưa có tiền lệ của ông Hồ Quang Cua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang tính toán và trình Chính phủ việc mua lại quyền sở hữu giống lúa này. Nguồn tiền có thể lấy từ Chương trình Giống giai đoạn 2021 - 2025 và Cục Trồng trọt sẽ là đơn vị sở hữu và quản lý giống lúa này.