Gánh nặng hoạt động thương mại của Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu như không đem lại lợi nhuận, trong khi cần nguồn vốn rất lớn, SHN vẫn duy trì mảng thương mại cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long.
Doanh thu mảng thương mại của SHN phụ thuộc vào Nhiệt điện Thăng Long. Doanh thu mảng thương mại của SHN phụ thuộc vào Nhiệt điện Thăng Long.

Doanh thu lớn nhưng không hiệu quả

Báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) của Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) cho biết, năm qua, Công ty đạt 3.657,5 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 10,2% so với thực hiện 2019.

Kinh doanh than tiếp tục là hoạt động chủ lực khi đem về 2.998 tỷ đồng doanh thu, chiếm 81,2% trong cơ cấu doanh thu, nhưng không tạo ra lợi nhuận khi giá vốn vượt doanh thu khiến Công ty lỗ gộp gần 10 tỷ đồng.

Năm 2020, kinh doanh than đem về 2.998 tỷ đồng doanh thu, nhưng giá vốn vượt doanh thu khiến Công ty lỗ gộp gần 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, hoạt động dịch vụ chỉ đem về 659,5 tỷ đồng doanh thu, nhưng tạo ra tới 192,8 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 4,67 lần về doanh thu và 2,9 lần về lợi nhuận so với mức thực hiện trong năm 2019.

Chính đà tăng trưởng đột biến của hoạt động dịch vụ đã giúp SHN bù đắp cho sự thua lỗ của mảng kinh doanh than, giúp lợi nhuận trước thuế cả năm tăng 77,1% so với thực hiện 2019, đạt 177,8 tỷ đồng, dù các khoản chi phí bán hàng tăng gấp 4 lần, còn phần lợi nhuận từ hoạt động tài chính chỉ ở mức tương đương, trong khi khoản lợi nhuận khác giảm mạnh đến 3/4 so với năm trước.

Việc mảng kinh doanh than đem về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu nhưng hầu như không tạo ra lợi nhuận đã kéo dài nhiều năm nay tại SHN.

Trong năm 2019, báo cáo tài chính kiểm toán của SHN cho biết, hoạt động thương mại (chủ yếu là than) dù đem về 3.927 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận gộp vẻn vẹn 5,2 tỷ đồng.

Nếu tính các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của bộ phận được phân bổ, nhiều khả năng mảng kinh doanh này của SHN đã ghi nhận lỗ rất nặng.

Nguyên nhân là bởi hoạt động này đòi hỏi nhu cầu vốn lưu động rất lớn, một mặt là để tồn kho nguyên vật liệu, thành phẩm cung cấp kịp thời cho đối tác, mặt khác là việc phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất khiến SHN thường xuyên bị đối tác chiếm dụng vốn lớn qua khoản phải thu, trong khi các khoản chiếm dụng vốn từ người bán khi đi mua than để cung cấp cho nhà máy điện lại có quy mô khá nhỏ.

Chẳng hạn, tại thời điểm cuối năm 2020, trong khi SHN đang có giá trị phải thu từ khách hàng là 1.343,4 tỷ đồng (chủ yếu là phải thu từ Nhiệt điện Thăng Long với 1.305,5 tỷ đồng) và giá trị tồn kho là 634,8 tỷ đồng (chủ yếu là các nguyên liệu than) thì giá trị chiếm dụng vốn của người bán chỉ 422 tỷ đồng.

Việc bị chiếm dụng vốn lớn tại các khoản phải thu, tồn kho đã khiến SHN phải sử dụng vốn vay để bổ sung vốn lưu động. Giá trị vay nợ tính đến 31/12/2020 là 1.781,7 tỷ đồng, trong đó 93,5% là nợ ngắn hạn.

Thuyết minh báo cáo tài chính của SHN cho biết, chiếm tỷ trọng lớn trong số nợ vay của Công ty là hai khoản vay ABBank và VPBank, với tổng giá trị 1.350 tỷ đồng để mua than, dầu, đá vôi, hóa chất… cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long.

Dư nợ vay lớn đã khiến chi phí lãi vay năm 2020 của SHN lên đến 96,8 tỷ đồng. Dù đã giảm 26,8% so với năm 2019 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng giảm đáng kể trong năm qua, nhưng chi phí lãi vay vẫn cao hơn phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (không bao gồm hoạt động tài chính của SHN) thu được.

Việc đẩy mạnh hoạt động thương mại cũng khiến chi phí bán hàng của SHN tăng mạnh. Riêng trong quý IV/2020, chi phí này là xấp xỉ 15 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1,68 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019 mà theo giải trình của Công ty là do chi phí gia tăng khi Công ty thực hiện gia công phối trộn than và các chi phí vận chuyển, bốc xếp, giao hàng bán tăng cao.

Khó đánh giá triển vọng

Trong cơ cấu cổ đông của SHN, chỉ có hai cổ đông lớn là ông Trần Văn Minh (7,99%) và ông Nguyễn Văn Anh (6,08%) - các tỷ lệ sở hữu căn cứ theo báo cáo phát hành cổ phiếu để sáp nhập Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Bình (ABG) vào SHN vào tháng 9/2016.

Từ đó đến nay, SHN chỉ tăng vốn qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và 2 cá nhân này cũng chưa từng báo cáo giảm tỷ lệ sở hữu, do vậy, tỷ lệ sở hữu nhiều khả năng thay đổi không đáng kể so với dữ liệu được báo cáo cuối năm 2016.

Trong số các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành và người có liên quan tại SHN, chỉ có Kế toán trưởng Chu Văn Mân sở hữu 4,16% và bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng ban Kiểm soát sở hữu 0,76%, theo báo cáo quản trị công ty 2020. Từ đó đến nay, không có giao dịch nào của cổ đông nội bộ và người có liên quan được ghi nhận.

Việc chỉ có hai cổ đông lớn cá nhân sở hữu tổng cộng 14,07% và cổ đông nội bộ là cá nhân sở hữu chưa đến 5% cho thấy cơ cấu cổ đông của SHN hiện khá loãng.

Tuy vậy, từ các vị trí trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành đến hoạt động kinh doanh của SHN lại mang dấu ấn khá rõ nét của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, nay là Tập đoàn Geleximco.

Báo cáo tài chính của SHN cho biết, đến cuối năm 2020, trong số khoản lãi tiền gửi, cho vay, bán hàng và trả chậm phải thu lên tới 110,26 tỷ đồng, đối tác phải thu lớn nhất cũng là Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long với 58,96 tỷ đồng, Tập đoàn Geleximco với 47,05 tỷ đồng.

SHN cũng đang góp vốn tham gia tại nhiều dự án bất động sản, trong đó, không ít là những dự án liên doanh, góp vốn với Geleximco.

Công ty có khoản đặt cọc 92 tỷ đồng theo thỏa thuận liên doanh với Geleximco vào tháng 10/2017 để đấu thầu làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Hòa Bình - Geleximco tại thành phố Hòa Bình. Công ty có khoản góp vốn 10 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác tháng 11/2015 để đầu tư, xây dựng và kinh doanh dự án đầu tư xây dựng công trình Gemek Tower II do Geleximco làm chủ đầu tư.

SHN cũng có khoản đầu tư trị giá 64 tỷ đồng theo hợp đồng ký kết tháng 8/2016 với Chi nhánh Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội tại Quảng Ninh để góp vốn đầu tư, xây dựng và kinh doanh dự án chung cư cao tầng Cái Dăm (New Life Tower).

Dấu ấn của Geleximco tại SHN thực tế không phải là câu chuyện mới. Việc Geleximco tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn từ năm 2015 khi đang có phải thu khó đòi lớn, lỗ lũy kế suýt ăn mòn hết vốn điều lệ chuyển sang lãi lớn và xóa lỗ trong thời gian ngắn, sau đó tăng mạnh quy mô tài sản, nguồn vốn sau thương vụ thâu tóm Công ty cổ phần Tập đoàn An Bình (ABFG) vào năm 2016 đã từng mở ra kỳ vọng về tương lai tươi sáng cho SHN khi kết nối với hệ sinh thái đa dạng của tập đoàn này.

Tuy vậy, với việc giao dịch với các bên liên quan có giá trị lớn, cổ đông nhỏ lẻ và nhà đầu tư bên ngoài rất khó để đánh giá về chất lượng lợi nhuận, dòng tiền của Công ty.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục