Gánh nặng nợ xấu
Sau gần 9 năm kể từ khi hợp nhất và bắt đầu tái cơ cấu, SCB (hợp nhất từ 3 ngân hàng SCB, TinNghia Bank, Ficombank) đã xử lý được một khối lượng nợ xấu khá lớn, riêng năm 2018 đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do nợ xấu từ trước hợp nhất khá nhiều, nên trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mà SCB đang nắm giữ tính đến hết quý I/2019 còn trên 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, trong năm 2019, Ngân hàng tiếp tục xử lý từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng nợ xấu.
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, những năm qua, lợi nhuận chủ yếu được SCB trích dự phòng rủi ro. Tính đến nay, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã lên đến con số hơn 8.000 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2017. Các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn thành việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận. “Khoản dự phòng nói trên có thể xem là ‘của để dành’ cho SCB, là tích tụ tài chính tốt cho Ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu”, ông Văn nói.
Sau sáp nhập MHB, tổng tài sản của BIDV lên tới 700.000 tỷ đồng, đứng thứ tư trong hệ thống ngân hàng thương mại nội địa về quy mô tài sản. Vốn điều lệ của Ngân hàng cũng tăng lên trên 34.000 tỷ đồng, mạng lưới kênh phân phối lên gần 1.000 điểm trên cả nước. Những năm qua, BIDV phải xử lý các vấn đề sau sáp nhập, nên ít nhiều ảnh hưởng đến đà tăng trưởng. Trong đó, nợ xấu là vấn đề khiến BIDV khá đau đầu sau sáp nhập.
Chất lượng tài sản nội bảng của BIDV vẫn còn đáng chú ý với tỷ lệ nợ xấu đến hết quý I/2019 ở mức 1,7% (so với 1,6% của quý I/2018) và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm còn 70,2% (so với mức 80,7% của quý I/2018). Trong quý I/2019, BIDV đã xóa nợ 4.900 tỷ đồng, giảm so với 7.800 tỷ đồng của quý I năm ngoái.
Chi phí dự phòng giảm 13,7% so với cùng kỳ, chiếm 48,5% tổng thu nhập hoạt động và 67,3% lợi nhuận thuần trước dự phòng của BIDV. Trong khi chi phí dự phòng quý I/2018 chiếm 2/3 chi phí dự phòng cả năm, thì chi phí dự phòng quý I/2019 mới chiếm 1/4 kế hoạch 20.200 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2018, nhằm tất toán hết lượng trái phiếu VAMC còn lại trong năm 2019. Do đó, chi phí dự phòng cho 3 quý cuối năm sẽ tăng nhanh hơn và ảnh hưởng nhiều hơn đến tăng trưởng lợi nhuận.
Số liệu thống kê cho thấy, trong số hơn 20 ngân hàng đã công bố báo cáo kiểm toán 2018, có tới hơn 125.000 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC, trong đó dẫn đầu là Sacombank với hơn 40.000 tỷ đồng; SCB hơn 26.600 tỷ đồng; BIDV trên 14.100 tỷ đồng và VietinBank 13.400 tỷ đồng.
Liên tục rao bán tài sản
Trong các ngân hàng sáp nhập, Sacombank phải xử lý gánh nặng nợ xấu lớn nhất trong thời kỳ hậu M&A, do khoản nợ lớn từ Southern Bank để lại. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 10/7/2015 dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank tại ngày 30/6/2012 là 45,6%, tháng 11/2013 lên tới 55,31%.
Vấn đề nợ xấu của Sacombank trở nên nổi cộm nhất khi ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Sacombank bị xử lý vì tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại thời điểm tháng 8/2017, ông Trầm Bê để lại 2 khoản nợ rất lớn tại Sacombank, một là khoản nợ liên quan tới bất động sản với giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng; hai là khoản nợ liên quan tới cổ phiếu khoảng 10.000 tỷ đồng. Các khoản nợ này được cho là đều có tài sản bảo đảm, nhưng cần khoảng 3 năm để thu hồi.
Cũng tại thời điểm trên, Sacombank có khoảng 60.000 tỷ đồng nợ xấu. Ngay khi nhậm chức Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh khẳng định, sẽ quyết liệt để xử lý hết số nợ xấu này và sẽ rời vị trí ghế nóng nếu sau 3-5 năm không xử lý được.
Ông Minh đã vạch ra mục tiêu xử lý nợ xấu một cách rõ ràng: năm 2017 xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu và đã đạt được mục tiêu này; năm 2018 xử lý nợ xấu 15.000 tỷ đồng và đã xử lý được 13.000 tỷ đồng.
Năm 2019, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, với mục tiêu xử lý khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Trong quý I/2019, Sacombank xử lý được 5.000 tỷ đồng. Sacombank tiếp tục rao bán tài sản xử lý nợ xấu trị giá 3.000 tỷ đồng tại TP.HCM và Bình Dương.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác như SHB, MSB, HDBank có phần lạc quan hơn khi đã xử lý được nợ xấu ở thời hậu M&A. Ngay trong năm 2012 sáp nhập Habubank, SHB có lợi nhuận trước thuế 1.825 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế và sau khi bù đắp lỗ lũy kế của Habubank chỉ còn 26 tỷ đồng. Trước sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu SHB chỉ là 2,67%, sau đón nhận Habubank, lên tới 8,52%. Nhưng đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu SHB còn 2,4%. Năm 2019, SHB dự kiến thu hồi 3.500 tỷ đồng nợ xấu.
Số liệu mới nhất từ phía Ngân hàng Nhà nước công bố cuối tháng 6/2019 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã về gần 2% so với quy định 3%, trong khi tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC cũng chỉ còn 5,88%/năm, thay vì mức hơn 10% cách đây 3 năm.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 - năm 2019
- Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 - năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.
- Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.
- Diễn đàn có các hoạt động chính: hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; vinh danh thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; tiệc tối kết nối đầu tư; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt - Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.