Hàng nóng lên sàn
Trong danh sách 108 doanh nghiệp mà SCIC vừa công bố sẽ thoái vốn trong năm 2019, có nhiều cái tên đáng chú ý.
Đầu tiên phải kể đến 6 doanh nghiệp nằm trong danh sách 10 “ông lớn” mà Thủ tướng chỉ đạo về việc bán vốn tại Thông báo số 281/TB-VPCP ngày 7/9/2016. Đó là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Vinamilk, Nhựa Bình Minh và Công ty cổ phần FPT. Ngoại trừ Nhựa Bình Minh và FPT, SCIC đang nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại 4 doanh nghiệp còn lại với tỷ lệ từ 36% đến 51%.
Trong nhóm này, SCIC đang chào bán toàn bộ 3,56 triệu cổ phần (tương đương 50% vốn) đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang. Hình thức bán số cổ phần nói trên là đấu giá cả lô, với giá khởi điểm là 111.700 đồng/cổ phần, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải bỏ ra tối thiểu 398 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần này. Thời gian đăng ký muộn nhất là ngày 12/7 và chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước.
Sa Giang là thương hiệu nổi tiếng về sản xuất thức ăn chế biến sẵn, với sản phẩm đặc trưng là bánh phồng tôm. Các sản phẩm của Sa Giang đã được xuất khẩu sang 40 quốc gia và có hệ thống phân phối rộng khắp trong nước.
Năm 2017 và 2018, doanh thu của Sa Giang đều đạt trên 288 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế lần lượt là 29,8 và 23 tỷ đồng, EPS 3.000 đồng/cổ phần.
Theo phân tích của ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư CTCP Chứng khoán MB - đơn vị tư vấn thương vụ này, tài sản chiến lược của Sa Giang là sở hữu bí quyết làm bánh phồng tôm, thương hiệu uy tín, mạng lưới khách hàng đa dạng trên toàn thế giới, khách hàng truyền thống ổn định… Đây có thể coi là nguyên nhân cổ phiếu của Sa Giang được định giá gấp 11 lần mệnh giá.
Tuy nhiên, với mức định giá cao như vậy, việc đấu giá cổ phần Sa Giang của SCIC được dự báo sẽ không dễ dàng. Trong vòng nửa nay nay, cổ phiếu SGC của Sa Giang tăng "đột biến" 85%, lên gần 120.000 đồng/đơn vị, nhưng thanh khoản chỉ vài trăm cổ phiếu.
Đối với các doanh nghiệp còn lại, SCIC chưa có kế hoạch bán vốn. Thậm chí, công ty con của SCIC là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) cuối tháng 6 đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phần BMI của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh.
Một số nhà đầu tư nhận định, do đã nằm trong kế hoạch, nên việc tổ chức đấu giá bán cổ phần tại các doanh nghiệp trên gần như chắc chắn và đó sẽ là những phiên đấu giá đáng chờ đợi, do đây đều là những doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả.
Được ăn cả, ngã về không
Một điều dễ nhận thấy là, trong thời gian qua, các đợt bán đấu giá cổ phần tại các doanh nghiệp được SCIC thực hiện thành công đều theo hình thức bán cả lô, điển hình nhất là thương vụ bán vốn tại Vinaconex cuối năm 2018.
Trong danh sách 108 doanh nghiệp mà SCIC bán vốn năm 2019, Công ty cổ phần Phát triển nhà Cần Thơ đã được thực hiện bán đấu giá thành công trọn lô toàn bộ 3,13 triệu cổ phần (tương đương 59% vốn) với giá 47.300 đồng/cổ phần, cao hơn 69% so với giá chào bán và gấp gần 5 lần so với mệnh giá.
Nhưng không phải doanh nghiệp nào được SCIC thoái vốn cũng hấp dẫn. Đơn cử, kết quả đăng ký tham dự đấu giá số cổ phần SCIC sở hữu tại Công ty cổ phần In Khoa học kỹ thuật không có cá nhân và tổ chức nào tham gia. Theo kế hoạch, 755.000 cổ phần của doanh nghiệp này (49% vốn) sẽ được đấu giá với mức khởi điểm là 130.000 đồng/cổ phần.
Mặc dù doanh nghiệp này hiện có 2 cổ đông lớn nắm 18 - 19% cổ phần, kết quả kinh doanh có lãi, nhưng không có lợi thế nào vượt trội. Công ty đang có quyền sử dụng mảnh đất hơn 2.500 m2 tại 101A - Nguyễn Khuyến (Hà Nội), nhưng là đất thuê trả tiền hàng năm. Hợp đồng cho thuê nhà sẽ hết hạn vào cuối tháng 8/2020. Do đó, việc không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá cổ phần tại Công ty cổ phần In Khoa học kỹ thuật với giá khởi điểm cao gấp 13 lần là điều dễ hiểu.
Với mục tiêu doanh thu rất nhỏ so với số vốn đang quản lý, nhiều khả năng, SCIC sẽ không bán toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp lớn.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc CTCP In Khoa học kỹ thuật, mảng kinh doanh cho thuê văn phòng mang lại xấp xỉ 20% lợi nhuận cho Công ty.
Ngoài ra, trong danh sách thoái vốn năm 2019 của SCIC còn có Tổng công ty Licogi (SCIC nắm 41% vốn), Domesco (nắm 35% vốn), Fafim Việt Nam (nắm 30% vốn), Công ty cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam (nắm 33% vốn).
Theo danh mục do SCIC quản lý, có 144 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 28.600 tỷ đồng, giá trị thị trường khoảng 116.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD). Tuy nhiên, năm 2019, SCIC chỉ đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6.499 tỷ đồng và 4.510 tỷ đồng. Theo chia sẻ gần đây của ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, Công ty ước hoàn thành 50% kế hoạch năm sau 6 tháng.
Với mục tiêu doanh thu rất nhỏ so với số vốn đang quản lý, nhiều khả năng, SCIC sẽ không bán toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp lớn. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư lớn khó có thể thâu tóm trong một lần như các thương vụ thoái vốn tại Sabeco hay Vinaconex.