Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh trong tình hình mới

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Thiếu tướng Đào Kim Long, Vụ trưởng Vụ Quốc phòng An ninh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, suốt chiều dài lịch sử, bên cạnh đường lối xây dựng và phát triển KTXH, Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược, sống còn. Do đó, trong bối cảnh mới, phát triển KTXH gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh càng là yêu cầu bức thiết.
Thiếu tướng Đào Kim Long, Vụ trưởng Vụ Quốc phòng An ninh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Thiếu tướng Đào Kim Long, Vụ trưởng Vụ Quốc phòng An ninh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Thưa ông, từ thuở đầu lập nước,“dựng nước đi đôi với giữ nước” luôn là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc. Quy luật đó được nhìn nhận thế nào đối với nhiệm vụ phát triển KTXH gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh (QPAN) ngày nay?

Phát triển KTXH gắn với bảo đảm QPAN là yêu cầu khách quan, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: "Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QPAN, QPAN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KTXH và trên từng địa bàn”.

Chiến lược phát triển KTXH 10 năm (2011-2020) cũng nêu rõ: "Gắn kết quốc phòng với an ninh. Kết hợp chặt chẽ QPAN với phát triển KTXH trên từng địa bàn lãnh thổ, trong công tác quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án”.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, hơn 10 năm qua, các cấp, các ngành đã đạt được những kết quả tích cực trong việc gắn phát triển KTXH với đảm bảo QPAN, góp phần quan trọng vào thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thế giới đang đứng trước những biến đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Trong tình hình mới, yêu cầu đặt ra với việc phát triển KTXH gắn với đảm bảo QPAN thế nào, thưa ông?

Xu hướng toàn cầu hóa tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức. Các nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu, rộng, song cũng tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là tranh giành ảnh hưởng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên...

Bối cảnh quốc tế đã và đang tạo nên những thuận lợi, mở ra cơ hội to lớn để phát triển đất nước, nhưng cũng nảy sinh nhiều khó khăn và thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong thời kỳ mới. Để đáp ứng các yêu cầu mới trong thời gian tới, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản, cốt lõi.

Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh trong tình hình mới ảnh 1

Thiếu tướng Đào Kim Long (thứ hai từ phải sang) kiểm tra thực địa công trình kinh tế gắn với quốc phòng an ninh
 

Cụ thể, đó là những vấn đề gì, thưa ông?

Trước hết, cần đẩy mạnh kết hợp phát triển KTXH với tăng cường củng cố QPAN theo vùng, gắn kết chặt chẽ phát triển vùng kinh tế chiến lược với xây dựng vùng chiến lược QPAN nhằm tạo ra thế  chiến lược mới cả về kinh tế lẫn QPAN trên từng vùng.

Đối với các vùng biên giới, cần đầu tư phát triển kinh tế, củng cố QPAN các vùng cửa khẩu, vùng biên; tổ chức tốt việc định canh, định cư tại chỗ; tập trung xây dựng các xã trọng điểm về kinh tế và QPAN. Với các địa bàn chiến lược trọng yếu, cần đẩy mạnh việc xây dựng các khu Kinh tế quốc phòng, nhằm tạo thế và lực mới cho phát triển KTXH và tăng cường sức mạnh QPAN.

Đối với các vùng biển, đảo cần tập trung trước hết vào xây dựng, hoàn thiện Chiến lược biển, phát triển kinh tế biển và xây dựng thế trận QPAN bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng căn cứ hậu phương, bám trụ phát triển kinh tế và bảo vệ biển, đảo một cách vững chắc, lâu dài. Phát triển các loại hình dịch vụ trên biển, đảo, tạo điều kiện mở rộng liên kết kinh tế ở vùng biển, đảo thuộc chủ quyền nước ta.

Xây dựng phương án đối phó với các tình huống có thể xảy ra ở vùng biển đảo. Đầu tư xây dựng lực lượng nòng cốt và thế trận phòng thủ trên biển đảo, trước hết là phát triển và hiện đại hoá lực lượng Hải quân, Phòng không Không quân, Cảnh sát biển  để đủ sức mạnh canh giữ, bảo vệ vùng biển đảo.

Đối với một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu, việc gắn phát triển KTXH với tăng cường, củng cố QPAN được thực hiện thế nào?

Đối với ngành công nghiệp, phải kết hợp ngay từ khâu quy hoạch bố trí các đơn vị kinh tế của ngành công nghiệp. Tập trung đầu tư một số ngành công nghiệp liên quan đến quốc phòng như: Cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp, điện tử kỹ thuật cao, luyện kim, hoá chất, đóng tàu vừa đáp ứng nhu cầu trang bị cơ giới cho nền kinh tế, vừa có thể sản xuất ra một số sản phẩm kỹ thuật công nghiệp cao phục vụ QPAN.

Phát triển công nghiệp quốc gia theo hướng mỗi nhà máy, xí nghiệp vừa sản xuất hàng dân dụng, vừa có thể sản xuất hàng quân sự. Kết hợp trong đầu tư nghiên cứu, sáng chế, sản xuất các mặt hàng có tính lưỡng dụng cao trong các nhà máy và ở một số cơ sở công nghiệp nặng.

Trong khi đó, nước ta vẫn còn hơn 70% dân số sống ở nông thôn và làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Phần lớn lực lượng, của cải huy động cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là từ khu vực này. Do vậy, đối với ngành nông lâm ngư nghiệp, cần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất, rừng, biển đảo và lực lượng lao động để phát triển đa dạng các ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển trồng rừng gắn với định canh định cư, xây dựng các cơ sở chính trị vững chắc ở các vùng rừng núi biên giới, đặc biệt là ở Tây bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Mặt khác, phải đảm bảo một yếu tố đặc biệt quan trọng là an ninh lương thực.

Ngành tài chính, ngân hàng cần khẩn trương thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giảm nợ xấu, tăng trưởng tín dụng hợp lý; có chính sách tài khóa phù hợp; cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và phải đảm bảo an ninh tài chính.

Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ và toàn diện hoạt động giữa các ngành khoa học và công nghệ then chốt với các ngành khoa học của QPAN trong việc hoạch định chiến lược nghiên cứu phát triển và quản lí sử dụng phục vụ cho cả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường quan hệ quốc tế và hội nhập  quốc tế, trong đó có hợp tác về kinh tế, QPAN, giúp gia tăng đối tác, giảm đối tượng, thúc đẩy các kênh hợp tác toàn cầu, khu vực và song phương của nước ta trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu, những vấn đề an ninh phi truyền thống; hội nhập cũng giúp nước ta tranh thủ tiếng nói và sự ủng hộ của các nước trong khu vực và trên thế giới trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề quốc tế, vấn đề Biển Đông…

Trong phát triển hạ tầng, xây dựng, có ý kiến lo ngại nhiều công trình chưa chú ý đúng mức việc đảm bảo QPAN. Vậy lĩnh vực này cần lưu ý gì, thưa ông?

Cùng với phát triển hệ thống giao thông vận tải đồng bộ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá thì trong thiết kế, thi công các công trình giao thông vận tải, đặc biệt là các tuyến vận tải chiến lược cơ quan chức năng phải tính đến cả nhu cầu hoạt động thời bình và thời chiến, nhất là cho các phương tiện cơ động của lực lượng vũ trang có trọng tải và lưu lượng vận chuyển lớn, liên tục.

Việc mở rộng nâng cấp sân bay phải chú ý cả sân bay ở tuyến sau, ở sâu trong nội địa, sân bay dã chiến.

Đối với ngành xây dựng, khi triển khai bất cứ công trình xây dựng nào, quy mô nào cũng cần tính đến yếu tố tự bảo vệ và khả năng có thể chuyển hoá phục vụ được cho cả QPAN, cho phòng thủ tác chiến và phòng thủ dân sự. Khi xây dựng các đô thị, cần gắn kết với các khu vực phòng thủ địa phương. Khi cấp phép đầu tư xây dựng cho các đối tác nước ngoài, phải có sự tham gia ý kiến của cơ quan quân sự có thẩm quyền.

Thưa ông, hoạt động đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài thời gian qua rất sôi động. Công tác đảm bảo ANQP trong lĩnh vực này được triển khai thế nào?

Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam, ngoài việc tăng cường thu hút đầu tư cần chú trọng đến việc phân bổ đầu tư vào ngành nào, địa bàn nào có lợi cho phát triển kinh tế, bảo đảm QPAN quốc gia. Khắc phục tình trạng chỉ thấy lợi ích kinh tế trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đối với việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc góp phần tăng cường bảo đảm QPAN cho đất nước. Về vấn đề an ninh khu vực, cần nỗ lực phối hợp với các quốc gia trên thế giới “xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á”.

Có thể nói, nhiệm vụ gắn phát triển kinh tế với đảm bảo vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản, lâu dài để đảm bảo thực hiện hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ta vững bước tiến lên trong kỷ nguyên mới.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục