Gần hết chặng đua, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn xin... đi lùi

(ĐTCK)  Không ít doanh nghiệp đang có động thái điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024 sau khi kết quả tính đến hết quý III không được như kỳ vọng.
So với quý II, hầu hết các ngành ghi nhận lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng âm, nhất là bảo hiểm, thậm chí nhóm dầu khí thua lỗ

Giảm mục tiêu doanh thu, lợi nhuận

Ngày 27/12 tới, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI) dự kiến tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm thông qua tờ trình điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024: giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ 377 tỷ đồng xuống 268 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tối thiểu và tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu cùng giảm từ 10% về 7%.

Quyết định này được Bảo Minh đưa ra sau khi ghi nhận 219 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2024, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 58% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 23%, xuống 194,6 tỷ đồng. Riêng quý III/2024, lãi sau thuế của Bảo Minh giảm hơn một nửa, chỉ đạt hơn 51 tỷ đồng, do nhiều khách hàng bị thiệt hại bởi bão Yagi, dẫn đến chi phí dự phòng bồi thường tăng đột biến.

Trước đó, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (mã BIC) đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 từ 5.570 tỷ đồng xuống 5.172 tỷ đồng, giảm hơn 7%. Đối với kế hoạch lợi nhuận, Hội đồng quản trị sẽ căn cứ vào báo cáo của Tổng giám đốc sau khi có đầy đủ số liệu thiệt hại liên quan đến bồi thường thiệt hại bão Yagi để điều chỉnh, nếu cần thiết.

Trong quý III/2024, ảnh hưởng của bão Yagi khiến tổng chi phí bồi thường của Bảo hiểm BIDV tăng mạnh, lãi sau thuế theo đó giảm 40% so với cùng kỳ năm 2023, xuống 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lãi trước thuế đạt 435,8 tỷ đồng, bằng 72,6% kế hoạch năm (600 tỷ đồng); lãi sau thuế đạt hơn 348 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Công ty cổ phần Nước giải khát Yến Sào Khánh Hoà (mã SKV), Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Khoa Bảo cho biết, năm 2024, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người tiêu dùng giảm do kinh tế khó khăn. Cơn bão Yagi vừa qua gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản cho các tỉnh phía Bắc nên công tác kinh doanh càng khó khăn. Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu Công ty, khiến doanh thu, lợi nhuận suy giảm.

Căn cứ kết quả hoạt động tính đến hết tháng 9 và dự báo tình hình quý cuối năm 2024, Hội đồng quản trị SKV đang lấy ý kiến cổ đông giảm 11% kế hoạch doanh thu năm nay, xuống 1.700 tỷ đồng; mục tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế đồng loạt giảm 21%, xuống 95 tỷ đồng và 60 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức bằng tiền dự kiến giảm từ 22,4% xuống 17,7%. Theo đó, so với kế hoạch điều chỉnh, SKV đã hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lãi sau thuế sau 9 tháng.

Quý IV, dự báo nhóm tài chính sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tương tự quý III, thậm chí thấp hơn.

Tương tự, Công ty cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hoà (mã SKH) cho hay, để giảm áp lực tồn kho cho hệ thống phân phối, cũng như thực hiện các chiến lược sản xuất - kinh doanh nhằm tăng doanh thu và thị phần, SKH muốn điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm 2024 từ 1.680 tỷ đồng xuống 1.170 tỷ đồng, tương ứng giảm 30%. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm từ 96 tỷ đồng về 70 tỷ đồng, tương ứng giảm 27%. So với kế hoạch điều chỉnh, Công ty đã thực hiện được 74% mục tiêu doanh thu và 79% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

Tại Công ty cổ phần Cảng Thị Nại (mã TNP), trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng hàng hoá thông qua Cảng Thị Nại giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV này, Cảng dự định nạo vét, lượng hàng hoá thông qua cảng sẽ giảm thêm. Ngoài ra, do tỉnh Bình Định chấm dứt hoạt động dự án Khu trung tâm dịch vụ kho bãi Cảng Thị Nại và Khu chế biến thuỷ sản Quốc lộ 19 nên toàn bộ chi phí TNP bỏ ra từ năm 2017 đến nay là gần 3,6 tỷ đồng sẽ hạch toán vào chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2024.

Trước những yếu tố trên, TNP dự kiến điều chỉnh kế hoạch sản lượng hàng thông qua cảng năm nay xuống 1,3 triệu tấn, giảm gần 32% so với kế hoạch cũ; kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt giảm 20% và 42%, xuống 68 tỷ đồng và 14 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức sẽ giữ ở mức 18%.

Dự báo một số nhóm ngành quý IV

Thống kê của Công ty Chứng khoán An Bình cho thấy, tính đến ngày 6/11/2024, có 1.133 doanh nghiệp trên tổng số 1.662 doanh nghiệp trên 3 sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý III/2024. Tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường đạt 123.400 tỷ đồng, tăng 1,4% so với quý II và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, so với quý II, hầu hết các ngành ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm, ngoại trừ nhóm bất động sản tăng 250%. Trong đó, lợi nhuận nhóm bảo hiểm quý III là 785 tỷ đồng, giảm 50% so với quý II và giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhóm dầu khí lỗ 696 tỷ đồng trong quý III, trong khi quý II lãi hơn 2.500 tỷ đồng và cùng kỳ năm ngoái lãi 4.600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, trong quý I và II năm nay, nhóm tài chính có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, nhưng sang quý III thì ngược lại; nhóm phi tài chính bật tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là bán lẻ, du lịch, giải trí, truyền thông. Nhóm bất động sản có lợi nhuận quý III tăng mạnh, nhưng chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính, tức khoản lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng, bán dự án, thay vì lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi. Lợi nhuận nhóm dầu khí giảm sâu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng bởi giá dầu đi xuống. Lợi nhuận các doanh nghiệp viễn thông không đạt kỳ vọng do mức nền năm ngoái cao. Nhóm bảo hiểm bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi.

“So với quý II, nếu loại trừ bất động sản, nhìn chung các doanh nghiệp phi tài chính có sự hồi phục trong quý III, nhưng chậm”, ông Minh nói.

Dự báo về kết quả kinh doanh quý IV/2024, ông Minh cho rằng, nhóm phi tài chính tiếp tục hồi phục vượt trội, bao gồm tiêu dùng, du lịch, giải trí. Với nhóm bảo hiểm, mọi tác động tiêu cực đã phản ánh vào quý III, nên quý IV sẽ được cải thiện. Nhóm dầu khí cũng vậy, nhưng khả năng tăng trưởng thấp, vì quý IV năm ngoái giá dầu vẫn cao.

Trong khi đó, nhóm tài chính dự kiến sẽ ghi nhận kết quả hoạt động tương tự như quý III, thậm chí thấp hơn. Lợi nhuận nhóm ngân hàng tiếp tục phân hoá trong bối cảnh tín dụng cải thiện nhưng nợ xấu có xu hướng tăng, đòi hỏi phải tăng trích lập dự phòng. Lợi nhuận nhóm chứng khoán có thể sẽ đi ngang, vì thị trường quý cuối năm ngoái có thanh khoản cao.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục