213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 7.183.907 ca nhiễm và 408.028 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 105.010 và 3.053 so với hôm qua. Tổng cộng 3.506.725 người đã bình phục.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tình hình ở châu Âu được cải thiện nhưng trên toàn cầu đang xấu đi.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 2.025.441 người nhiễm và 113.049 người chết, tăng lần lượt 18.474 và 103.
Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Thành phố New York, tâm dịch ở Mỹ, đã bắt đầu mở lại một phần nền kinh tế hôm 8/6 sau gần ba tháng bị phong tỏa.
Tổng thống Donald Trump nói nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn nếu các bang và địa phương chấm dứt lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, giới chức và cơ quan y tế lo ngại đại dịch sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, số ca nhiễm sẽ tăng vọt trở lại vì các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu George Floyd. Nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang và giữ khoảng cách cần thiết.
Vệ binh Quốc gia Minnesota đã phát hiện một binh sĩ nhiễm nCoV và nhiều người có triệu chứng nhiễm virus khi tham gia ứng phó các cuộc biểu tình.
Vùng dịch lớn thứ ha thế giới Brazil báo cáo thêm 15.450 ca nhiễm và 635 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên 707.142 và 37.134.
Website của Bộ Y tế Brazil, cổng thông tin quan trọng để theo dõi tình hình Covid-19 ở nước này, bị đóng hôm 5/6 và mở lại vào ngày 6/6 với giao diện mới, chỉ thể hiện số ca nhiễm, trường hợp tử vong và hồi phục trong 24 giờ qua.
Toàn bộ số liệu Covid-19 thời gian qua, ở từng bang và thành phố đều không còn. Tổng số ca nhiễm và ca tử vong ở nước này cũng không hiển thị. Các nhà phê bình đang cáo buộc Tổng thống Jair Bolsonaro thao túng các số liệu dịch bệnh.
Bất chấp tình hình nghiêm trọng, chính quyền Rio de Janeiro đã khởi động quá trình nới lỏng hạn chế từ ngày 2/6, bắt đầu với tái mở cửa những địa điểm tôn giáo và khu thể thao dưới nước.
Mỹ Latinh là tâm dịch toàn cầu mới. WHO cảnh báo về tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế tại Peru, Chile và Mexico. Tuy nhiên, Mexico vẫn khởi động lại nền kinh tế sau hơn hai tháng đình trệ, cho phép các ngành công nghiệp ôtô, khai thác mỏ và xây dựng hoạt động trở lại.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 112 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết lên 5.971. Số ca nhiễm tăng thêm 8.985, lên 476.658. Nước này bắt đầu nới dần phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau.
Chính phủ Nga hôm qua cho biết sẽ nới hạn chế biên giới và dỡ các biện pháp phong tỏa ở thủ đô Moskva từ ngày 9/6.
Thủ tướng Mikhail Mishustin thông báo một kế hoạch ba giai đoạn nhằm vực dậy đà suy giảm của nền kinh tế do dịch bệnh. Ông tin nền kinh tế sẽ ổn định vào cuối năm nay, hoàn toàn phục hồi vào nửa đầu năm sau và sẽ đạt được tăng trưởng bền vững vào cuối năm 2021.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 167 ca nhiễm và không có thêm ca tử vong nào, nâng ca nhiễm lên 288.797, trong khi số tử vong vẫn là 27.136. Nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế từ hôm 25/5, nhưng tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì ít nhất tới 21/6.
Anh báo cáo thêm 1.205 ca nhiễm và 55 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 288.797 và 40.597. Anh là một trong những quốc gia châu Âu cuối cùng nới lệnh phong tỏa, vốn có hiệu lực từ 23/3. Một số trường học và nhà hàng được mở cửa trở lại vào 1/6.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giới chức Anh mở cửa quá vội vàng khi số ca nhiễm và chết mỗi ngày vẫn cao.
Italy ghi nhận thêm 280 ca nhiễm và 65 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 235.278 và 33.964. Từ 3/6, Italy cho phép tự do di chuyển khắp đất nước, dù việc này khiến nhiều quan chức lo ngại.
Tổng thống Sergio Mattarella cảnh báo "cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt", nói thêm rằng các tổ chức và cá nhân vẫn sẽ phải đối mặt với những hậu quả và tổn hại.
Đức báo cáo thêm 336 ca nhiễm và 7 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 186.205 và 8.783. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 29/6, trong khi cảnh báo công dân không đến các nước EU sẽ được gỡ từ ngày 15/6.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.043 ca nhiễm, nâng tổng số lên 173.832, trong đó 8.351 người chết, tăng 70 trường hợp so với hôm qua.
Hoạt động gần như đã trở lại bình thường ở hầu hết 31 tỉnh của đất nước song chính phủ Iran lo ngại về tình trạng người dân phớt lờ các biện pháp cách biệt cộng đồng. Hầu hết biện pháp ngăn Covid-19 tại Iran đã được gỡ bỏ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo người dân chuẩn bị phải sống một khoảng thời gian dài với nCoV trong bối cảnh nước này dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Arab Saudi ghi nhận thêm 3.369 ca nhiễm và 34 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 105.283 và 746.
Chính phủ Arab Saudi cho biết sẽ chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ ngày 21/6, trừ thành phố Mecca, sau hơn hai tháng kiểm soát nghiêm ngặt. Các tín đồ được phép tới cầu nguyện tại tất cả nhà thờ ngoài Mecca từ ngày 31/5.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 568 ca nhiễm và 5 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 39.376 và 281. Các biện pháp hạn chế tại nước này cũng đã được nới lỏng, cho phép cửa hàng bán lẻ, phòng gym, rạp chiếu phim và nhiều địa điểm giải trí khác hoạt động trở lại, nhưng vẫn cần tuân thủ các quy tắc cách biệt cộng đồng.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 265.928 ca nhiễm và 7.73 ca tử vong, tăng lần lượt 8.442 và 266. Tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ tương đối thấp, song các chuyên gia cảnh báo đại dịch tại đây chưa đạt đỉnh. Ấn Độ đã vượt Italy và đứng thứ 6 thế giới về số ca nhiễm.
Những cơ sở tôn giáo, khách sạn, nhà hàng và trung tâm thương mại nằm ngoài các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao được mở cửa từ 8/6. Các trường học sẽ nối lại hoạt động sau khi chính phủ thảo luận với chính quyền địa phương, quyết định dự kiến được đưa ra vào tháng 7.
Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết các đường bay quốc tế, trung chuyển quy mô lớn, rạp chiếu phim, bể bơi, quán bar vẫn phải đóng cửa. Giờ giới nghiêm trên toàn quốc cũng bắt đầu từ 21h, muộn hơn hai tiếng so với trước đó.
Tại Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 38.296 ca nhiễm, tăng 386, trong đó 25 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá.
Indonesia xếp thứ hai với 32.033 ca nhiễm và 1.8883 người chết, tăng lần lượt 847 và 32. Chính quyền Indonesia đã quyết định hủy tổ chức cuộc hành hương thường niên cho người dân đến Mecca và Medina, hai thánh địa thiêng liêng của người Hồi giáo, do lo ngại về Covid-19 và những lệnh hạn chế đi lại hiện nay.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV nào.
New Zealand hôm qua thông báo ngày thứ 17 liên tiếp không có ca nhiễm mới và bệnh nhân cuối cùng đã hồi phục. Thủ tướng Jacinda Ardern dự kiến sẽ tuyên bố dỡ bỏ mọi hạn chế trong nội địa vào 11/6.
Lệnh kiểm soát biên giới nghiêm ngặt vẫn giữ nguyên. Bà Arden ra lệnh phong tỏa đất nước hôm 25/3 khi số ca nCoV ở New Zealand vẫn ở mức thấp, và nới lỏng hạn chế từng bước.
Cuba cũng tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh khi ngày thứ tám liên tiếp không ghi nhận thêm ca tử vong và được xem là hình mẫu chống dịch ở Nam Mỹ. Việc tuyên bố kiểm soát được dịch bệnh sẽ mở đường cho tuyên bố tuần tới về chiến lược dần dỡ phong tỏa của Cuba.