Hơn 400.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 400.000 người chết trong hơn 6,9 triệu ca nhiễm, nhiều nơi tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, ngày 28/5. Ảnh: Reuters. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, ngày 28/5. Ảnh: Reuters.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 6.948.800 ca nhiễm và 401.047 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 125.523 và 3.723 so với hôm qua. Tổng cộng 3.402.531 người đã bình phục.

 Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 1.986.646 người nhiễm và 112.055 người chết, tăng lần lượt 33.970 và 682.

Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau, dân chúng được phép tụ tập tới 10 người nếu duy trì quy tắc cách biệt động đồng. Tổng thống Donald Trump nói nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn nếu các bang và địa phương chấm dứt lệnh phong tỏa.

Tuy nhiên, giới chức và cơ quan y tế lo ngại đại dịch sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, số ca nhiễm sẽ tăng vọt trở lại khi các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu George Floyd. Nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang và giữ khoảng cách cần thiết.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, tăng 13.108 ca nhiễm và 409 ca tử vong do nCoV trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên lần lượt 659.114 và 35.456. Với số liệu mới, Brazil trở thành vùng dịch chết chóc thứ ba thế giới, sau Mỹ và Anh.

Bất chấp nhiều chuyên gia cảnh báo Brazil vẫn chưa đạt đỉnh dịch, giới chức một số địa phương đã nới lỏng các biện pháp hạn chế. Thành phố Rio de Janeiro mở cửa trở lại các địa điểm tôn giáo và khu thể thao dưới nước từ 2/6.

Tổng thống Jair Bolsonaro dọa rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi cơ quan này cho rằng Brazil chưa đủ điều kiện dỡ bỏ các hạn chế ngăn dịch bệnh.

Nhiều quốc gia Mỹ Latin đang đối mặt với tình trạng quá tải y tế, trong đó nghiên trọng nhất ở Peru, Chile và Mexico.

Tuy nhiên, Mexico đã khởi động lại nền kinh tế sau hơn hai tháng đình trệ, bất chấp số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng cao, lần lượt là 4.442 và 816, lên 105.680 và 12.545.

Nga báo cáo thêm 197 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên 5.725. Số ca nhiễm tăng thêm 8.855, lên 458.689. Giới chức y tế Nga cho biết 221.388 người đã hồi phục và hơn 12 triệu lượt xét nghiệm nCoV đã được thực hiện.

Chính phủ Nga tuần trước bắt đầu dỡ bỏ các giới hạn nhằm ngăn chặn nCoV lây lan, nói rằng tình hình đã ổn định và tiến hành mở cửa trở lại nền kinh tế.

Thủ tướng Mikhail Mishustin thông báo một kế hoạch ba giai đoạn nhằm vực dậy đà suy giảm của nền kinh tế do dịch bệnh. Ông tin nền kinh tế sẽ ổn định vào cuối năm nay, hoàn toàn phục hồi vào nửa đầu năm sau và sẽ đạt được tăng trưởng bền vững vào cuối năm 2021.

Nhà chức trách chưa quyết định nối lại du lịch. Hàng không quốc tế và đường sắt vẫn bị đình chỉ hoạt động, biên giới vẫn đóng với người nước ngoài.

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Tây Âu đang trên đà giảm ổn định. Tây Ban Nha ghi nhận thêm một ca tử vong và 332 ca nhiễm với số người nhiễm và chết lần lượt là 288.390 và 27.135. Nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế từ hôm 25/5, nhưng tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì ít nhất tới 21/6.

Anh báo cáo thêm 1.557 ca nhiễm và 204 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 284.868 và 40.465. Anh là một trong những quốc gia châu Âu cuối cùng nới lệnh phong tỏa, vốn có hiệu lực từ 23/3. Một số trường học và nhà hàng được mở cửa trở lại vào 1/6.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giới chức Anh mở cửa quá vội vàng khi số ca nhiễm và chết mỗi ngày vẫn cao.

Italy ghi nhận thêm 270 ca nhiễm và 72 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 234.801 và 33.846. Quốc gia Nam Âu cho phép tự do đi lại khắp đất nước từ 3/6, dù quyết định này khiến nhiều quan chức lo ngại về nguy làm bùng lên sóng lây nhiễm nCoV thứ hai.

Đức báo cáo thêm 282 ca nhiễm và 6 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 185.696 và 8.769. Các biện pháp cách biệt cộng đồng sẽ được dỡ sau ngày 29/6, lệnh cảnh báo công dân không tới các nước EU sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/6.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.269 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm nCoV ở nước này lên 169.425, trong đó 8.209 người chết, tăng 75.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo người dân chuẩn bị phải sống một khoảng thời gian dài với nCoV trong bối cảnh nước này dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Hoạt động gần như đã trở lại bình thường ở hầu hết 31 tỉnh của đất nước. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại và việc người dân không tuân thủ các biện pháp cách biệt cộng đồng đang khiến giới chức lo lắng.

Theo Tổng thống Rouhani, không có "con đường thứ hai" cho Iran và hoạt động kinh tế trên cả nước phải tiếp tục. Ông cũng tuyên bố nới lỏng thêm hạn chế với các công ty du lịch từ 13/6, trong khi rạp chiếu phim và các buổi hòa nhạc được hoạt động trở lại với nửa công suất bình thường từ 21/6.

Arab Saudi báo cáo thêm 3.121 ca nhiễm và 34 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 98.869 và 676. Chính phủ Arab Saudi cho biết họ sẽ chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ 21/6, trừ thành phố Mecca, sau hơn hai tháng kiểm soát nghiêm ngặt. Các tín đồ được phép tới cầu nguyện tại tất cả nhà thờ ngoài Mecca từ ngày 31/5.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 626 ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 38.268 và 275. Các biện pháp hạn chế tại nước này cũng đã được nới lỏng, cho phép cửa hàng bán lẻ, phòng gym, rạp chiếu phim và nhiều địa điểm giải trí khác hoạt động trở lại, nhưng vẫn cần tuân thủ các quy tắc cách biệt cộng đồng.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 246.622 ca nhiễm và 6.946 ca tử vong, tăng lần lượt 10.438 và 297. Tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ tương đối thấp, song các chuyên gia cảnh báo đại dịch tại đây chưa đạt đỉnh. Ấn Độ đã vượt Italy và đứng thứ 6 thế giới về số ca nhiễm.

Những cơ sở tôn giáo, khách sạn, nhà hàng và trung tâm thương mại nằm ngoài các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao sẽ được mở cửa từ ngày 8/6. Các trường học sẽ nối lại hoạt động sau khi chính phủ thảo luận với chính quyền địa phương, quyết định dự kiến được đưa ra vào tháng 7.

Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết các đường bay quốc tế, trung chuyển quy mô lớn, rạp chiếu phim, bể bơi, quán bar vẫn phải đóng cửa. Giờ giới nghiêm trên toàn quốc cũng bắt đầu từ 21h, muộn hơn hai tiếng so với trước đó.

Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 37.527 ca nhiễm, tăng 344, trong đó 25 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá.

Indonesia xếp thứ hai với 30.514 ca nhiễm và 1.801 người chết, tăng lần lượt 993 và 31. Chính quyền Indonesia đã quyết định hủy tổ chức cuộc hành hương thường niên cho người dân đến Mecca và Medina, hai thánh địa thiêng liêng của người Hồi giáo.

Khoảng 340.000 binh sĩ Indonesia được triển khai nhằm đảm bảo người dân tuân thủ các biện pháp cách biệt cộng đồng, trong bối cảnh chính phủ tái mở cửa các doanh nghiệp do lo sợ nền kinh tế sụp đổ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia ước tính số liệu tại Indonesia trên thực tế cao hơn nhiều so với thống kê, do tỷ lệ xét nghiệm thấp gần nhất thế giới.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV nào.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục