213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 5.295.462 ca nhiễm và 339.320 ca tử vong, tăng lần lượt 108.416 và 5.333 ca so với hôm qua, 2.149.050 người đã hồi phục, theo thống kê của Worldometer.
Tổng số ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Mỹ lần lượt là 1.643.585 và 97.590, sau khi ghi nhận thêm 22.688 ca nhiễm và 1.236 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Georgia và Texas gỡ hầu hết các hạn chế, song những bang khác có cách tiếp cận thận trọng hơn. Baltimore cấm tụ tập hơn 10 người và các cửa hàng bán lẻ vẫn đóng cửa.
Nga ghi nhận ngày chết chóc nhất với 150 ca tử vong vì nCoV, nâng tổng số lên 3.249. Thêm 8.894 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, thấp hơn mức 8.764 và là ngày thứ ba liên tiếp dưới mức 10.000.
Số ca nhiễm tại Nga cao thứ hai thế giới, song số ca tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các vùng dịch lớn khác.
Giới chức y tế Nga cho biết hơn 8,1 triệu lượt xét nghiệm đã được thực hiện. Thủ đô Moskva là vùng dịch lớn nhất nước với 1.934 người chết, tăng 67 so với hôm trước, trong tổng số 158.207 ca nhiễm.
Tổng thống Vladimir Putin hôm qua tuyên bố tình hình Covid-19 tại Nga đã "ổn định" khi số ca nhiễm mới mỗi ngày có chiều hướng giảm. Putin nói tình hình chuyển biến tích cực dù "không nhanh như mong đợi, thậm chí đôi khi không ổn định".
Tây Ban Nha báo cáo thêm 1.787 ca nhiễm và 56 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 281.904 và 28.628.
Chính phủ nước này bắt đầu dỡ lệnh phong tỏa được đánh giá là nghiêm ngặt nhất châu Âu từ hồi đầu tháng. Tuy nhiên, Madrid và Barcelona vẫn duy trì các lệnh hạn chế do chưa kiểm soát được dịch bệnh.
Các quán bar và nhà hàng tại Madrid và Barcelona sẽ mở cửa trở lại từ ngày 25/5, song chỉ được tiếp nhận nửa số khách hàng. Các nhà thờ cũng được mở cửa trở lại và dân chúng có thể di chuyển tự do trong tỉnh thành mình sống.
Anh ghi nhận 254.195 ca nhiễm và 36.393 ca tử vong, tăng lần lượt 3.287 và 351. Giới chức Anh thông báo kể từ 8/6 sẽ cách ly những người nhập cảnh vào nước này trong hai tuần. Những người vi phạm yêu cầu cách ly có thể bị phạt tới hơn 1.200 USD.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ Anh sẽ tuyển thêm 25.000 người truy vết tiếp xúc vào đầu tháng 6 để xử lý 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Johnson nói số lượt xét nghiệm thực hiện trong một ngày sẽ đạt 200.000.
Từ tuần trước, Anh bắt đầu khuyến khích người dân quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng.
Người dân cũng được tập thể dục ngoài trời không giới hạn, có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.
Italy ghi nhận thêm 652 ca nhiễm và 130 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 228.658 và 32.616. Tốc độ lây lan đang có chiều hướng giảm.
Chính phủ Italy dự kiến cho phép tự do đi lại từ ngày 3/6, đánh dấu bước nới lỏng hạn chế lớn sau khi quốc gia Nam Âu ban hành lệnh phong tỏa hồi đầu tháng 3.
Khi lệnh hạn chế được nới lỏng, Italy sẽ mở cửa trở lại toàn bộ sân bay, biên giới với các nước láng giềng và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.
Pháp báo cáo 182.219 ca nhiễm và 28.289 ca tử vong, tăng lần lượt 393 và 74 trường hợp, thấp hơn so với hôm qua. Số ca nhiễm mới không tăng đáng kể so với tuần cuối trước khi Pháp nới phong tỏa hôm 11/5.
Tuy nhiên, giới chức y tế tiếp tục khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến thăm nhà nhau và khử trùng các bề mặt như tay nắm cửa.
Đức ghi nhận thêm 27 ca tử vong vì nCoV, nâng số người chết do đại dịch ở quốc gia này lên 8.174 trong 177.212 ca nhiễm.
16 bang của Đức từng bước dỡ lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau từ 20/4. Đức nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng hôm 16/5 và đặt mục tiêu khôi phục tự do đi lại ở châu Âu từ giữa tháng 6.
Tốc độ tăng ca nhiễm và tử vong ở châu Âu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng 3, cho phép các nước nới lỏng phong tỏa xã hội.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu vẫn cảnh báo nguy cơ tái bùng phát Covid-19 nếu gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách biệt cộng đồng một cách nhanh chóng.
Tại khu vực Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất với 319.069 ca nhiễm và 20.541 ca tử vong, tăng lần lượt 8.148 và 459. Brazil đang là vùng dịch lớn nhất khu vực Mỹ Latin và lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga.
Bộ Y tế Brazil ra chỉ dẫn khuyến nghị các bác sĩ sử dụng thuốc chống sốt rét để điều trị người nhiễm nCoV, kể cả những ca có triệu chứng nhẹ.
Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy xác nhận họ đã được thông báo về các tác dụng phụ tiềm ẩn, bao gồm rối loạn chức năng tim và gan, tổn thương võng mạc và thậm chí tử vong.
Mexico báo cáo 59.567 ca nhiễm và 6.510 ca tử vong, tăng lần lượt 2.973 và 420. Giới chuyên gia cho rằng người Mexico có nguy cơ tử vong vì nCoV cao hơn nhiều nước vì mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì.
Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 2.311 ca nhiễm và 51 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 131.652 và 7.300.
Đây là ngày thứ năm liên tiếp nước này ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, Tổng thống Hassan Rouhani ngày 20/5 nói Iran "gần như đã kiềm chế được dịch" và phần lớn các ca tử vong nằm trong độ tuổi từ 70 trở lên.
Giới chức y tế nói ca nhiễm mới gia tăng từ 2/5 là do Iran tăng cường xét nghiệm. Giới chuyên gia hoài nghi về số liệu chính thức của Iran, cho rằng con số thực sự có thể cao hơn nhiều.
Arab Saudi ghi nhận thêm 2.642 ca nhiễm và 13 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 67.719 và 364. Arab Saudi sẽ phong tỏa toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr từ hôm nay đến 27/5 để ngăn virus lây lan.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 994 ca nhiễm và 4 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 27.892 và 241. UAE từ cuối tháng trước đã nới lỏng các hạn chế được áp đặt kể từ giữa tháng 3. T
hành phố Dubai cho phép các trung tâm thương mại, nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại từ ngày 23/4 nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 124.794 ca nhiễm và 3.726 ca tử vong, tăng lần lượt 6.568 và 142. Ấn Độ cho phép nối lại các chuyến bay nội địa từ ngày 25/5 sau hai tháng ngừng hoạt động. Một số chuyến tàu liên bang đã hoạt động trở lại một tuần trước.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 30.426 ca nhiễm, tăng 614, trong đó 23 người chết.
Singapore đang nỗ lực tăng cường xét nghiệm bằng cách tuyển mộ thêm người lấy mẫu bệnh phẩm ở những nơi như ký túc xá của lao động nhập cư với hứa hẹn trả lương cao. Singapore sẽ cho phép hành khách quá cảnh ở sân bay Changi kể từ 2/6.
Indonesia xếp thứ hai với 20.796 ca nhiễm và 1.326 người chết, tăng lần lượt 634 và 48. Các nhân viên y tế nước này vẫn phàn nàn về quy trình chậm trễ dù một tháng đã trôi qua sau khi Tổng thống Joko Widodo hứa tăng tốc xét nghiệm.
Indonesia là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận ca tử vong vượt 1.000.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.