Những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận bằng lần
Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 với lãi ròng gấp 5 lần cùng kỳ 2018, đạt 30 tỷ đồng, cho dù doanh thu thuần chỉ tăng 14%, đạt 12.087 tỷ đồng. Theo PGV, lãi ròng quý II/2019 tăng mạnh do sản lượng điện thương phẩm tăng 106 triệu kWh so với cùng kỳ 2018.
CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) ghi nhận lãi ròng gần 173 tỷ đồng trong quý II/2019, nâng lũy kế 6 tháng lên hơn 380 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ 2018. Kết quả này xuất phát từ sự tăng trưởng doanh thu mảng bất động sản và năng lượng.
Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm nay của CTCP Đầu tư LDG (LDG) tăng 12 lần so với cùng kỳ năm trước lên 198 tỷ đồng, nhưng không đến từ hoạt đông kinh doanh bất động sản, mà nhờ sự đột biến của hoạt động tài chính khi mang lại hơn 150 tỷ đồng doanh thu.
Nửa đầu năm 2019, CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) đạt 472 tỷ đồng doanh thu và hơn 23 tỷ đồng lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ, tăng lần lượt 6,9 lần và 3,3 lần so với cùng kỳ 2018. Riêng trong quý II/2019, VPI lãi ròng gần 20 tỷ đồng, gấp 43 lần so cùng kỳ nhờ ghi nhận doanh thu tại một số dự án như dự án Thảo Điền, The Terra Hào Nam, The Terra An Hưng...
Thực tế, nhiều DN ghi nhận mức tăng trưởng đột biến nửa đầu năm nay một phần do kết quả kinh doanh cùng kỳ năm trước không được khả quan, hoặc là có quy mô nhỏ, nên khi giá trị tuyệt đối tăng kéo con số tăng trưởng tăng cao. Chẳng hạn, tại CTCP Đầu tư thương mại điện lực (EIN), 6 tháng đầu năm 2019, EIN đạt 56,56 tỷ đồng doanh thu và 4,2 tỷ đồng lãi ròng, trong khi doanh thu tăng gần 3 lần, thì lợi nhuận tăng tới 105 lần so với cùng kỳ 2018.
Rõ ràng, dù DN ghi nhận tăng trưởng đột biến, nhưng xét về giá trị thì không lớn, nên để đánh giá tình hình kinh doanh của DN, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng là chưa đủ. Trong khi đó, với những DN quy mô lớn, việc tăng trưởng 2 con số đã là kỳ tích. Đơn cử, Vietcombank ghi nhận 11.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2019, tăng 41% so với cùng kỳ 2018 và cũng là ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận trong khối.
Danh sách lỗ còn kéo dài
Đối lập với bức tranh tăng trưởng là sự sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Thị trường thép quý I/2019 đã sớm vẽ nên bức tranh không mấy tươi sáng đối với nhiều DN ngành này và kết quả quý II/2019 chỉ đơn giản là tô đậm thêm gam màu tối.
Đơn cử, CTCP Thép Dana - Ý (DNY) ghi nhận lỗ 114,5 tỷ đồng trong quý II/2019, nâng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên hơn 171 tỷ đồng - là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết. DNY cũng đang bị dừng sản xuất kinh doanh vì những lùm xùm quanh vấn đề môi trường.
CTCP Thép Việt Ý (VIS) cũng ra báo cáo tài chính bán niên với mức lỗ 66 tỷ đồng trong nửa đầu năm. VIS cho biết, sản lượng và giá bán phôi thép trong kỳ cùng giảm mạnh, trong khi đã mua nguyên liệu giá cao từ trước đó, nên VIS ỗ chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
Khác với những DN thua lỗ triền miên đã được thị trường “nhớ mặt, quen tên”, nhiều DN gây bất ngờ khi báo lỗ, mà trường hợp của CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) là một ví dụ. Sau khi “thay máu” cổ đông với những lùm xùm kéo dài liên quan đến cổ đông nội bộ, HHC báo lỗ gần 17 tỷ đồng - là số lỗ lớn nhất từ trước đến nay của Công ty. Nhờ quý đầu năm có lãi, nên lỗ lũy kế nửa đầu năm giảm còn 10,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 700 triệu đồng.
Cũng ghi nhận mức lỗ cao nhất, CTCP VNECO 9 (VE9) gây “sốc” cho cổ đông khi báo lỗ lên tới hơn 32 tỷ đồng trong quý II/2019 và 33,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm với nguyên nhân thua lỗ chủ yếu đến từ giá vốn tăng cao do các công trình thi công kéo dài.
Hay với CTCP PVCoating (PVB) đã báo lỗ ròng 17,83 tỷ đồng trong quý II/2019, cùng kỳ 2018 lãi sau thuế 9,11 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVB lỗ xấp xỉ 30 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 27,26 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn gần 100 DN niêm yết trên HOSE chưa công bố cáo cáo tài chính quý II/2019. Do đó, bức tranh lãi lỗ nửa đầu năm chưa lộ diện rõ ràng.