Duy trì đà tăng trưởng
Về phía các chỉ báo kinh tế vĩ mô, theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 6,6% - 6,8%. Chính phủ có nhiều dư địa chính sách nhằm hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý. Trong khi đó, lạm phát năm 2019 được dự báo mức 4% - 4,5% và chịu tác động đáng kể từ diễn biến giá cả hàng hóa cao, đi cùng với thách thức lớn hơn trong việc kiểm soát lạm phát.
Trong đó, GDP 6 tháng năm 2019 ghi nhận tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn so với các năm 2011 - 2017. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng chung. Công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%. Dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%.
VCBS cũng sớm đưa ra dự báo đà tăng trưởng của khối doanh nghiệp niêm yết trong năm 2019 sẽ chậm hơn so với năm 2018 với sự phân hóa ngày càng rõ nét giữa các doanh nghiệp. Theo đó, trong nửa đầu năm nói riêng và cả năm 2019 nói chung, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng ổn định, dù lãi suất đang gặp một số áp lực.
“Các ngân hàng chứng kiến sự phân hoá rõ rệt khi cơ sở chất lượng tài sản và NIM của hệ thống khó cải thiện. Những tiêu chuẩn an toàn hệ thống được áp dụng sẽ thúc đẩy hệ thống ngân hàng tăng trưởng thực chất”, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc phân tích, VCBS cho biết.
Không riêng VCBS, đà tăng trưởng lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết trong năm 2019 được nhiều CTCK và chuyên gia dự báo sẽ giảm so với năm 2019. Trong đó, tính đến hết quý I/2019, lợi nhuận của khối này bình quân chỉ ghi nhận tăng 2% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo triển vọng quý III/2019, CTCK Everest dự báo tăng trưởng bình quân chung của doanh nghiệp niêm yết trong quý II có thể đạt mức 6% nhờ đóng góp của nhóm Vingroup và nhóm ngành hàng tiêu dùng, F&B, bán lẻ, vận tải hành khách và dịch vụ logistics.
Nếu xét EPS của 850 doanh nghiệp niêm yết, không tính ngân hàng và bảo hiểm, tức chiếm 90% tổng vốn hóa thị trường, Fiin Group đưa ra dự báo mức tăng trưởng 14,5% trong năm 2019. Riêng với nhóm VN30, dự kiến có tăng trưởng EPS ở mức 8,5% theo kế hoạch chung của khối doanh nghiệp và tăng 17,7% theo dự báo của các CTCK. Bên cạnh những doanh nghiệp có câu chuyện riêng hấp dẫn thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được coi là nền tảng quan trọng trong việc lựa chọn đầu tư dài hạn.
Trong đó, ngành bán lẻ được nhiều CTCK dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt với động lực tăng trưởng chính từ mức tăng thu nhập bình quân và tỷ lệ đô thị hóa ngày một mở rộng. Chia sẻ từ CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT) cho thấy, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2019, Công ty đạt doanh thu khoảng 7.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 200 tỷ đồng. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 418 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 20% so với năm 2018.
Một số doanh nghiệp có nền tảng bán lẻ như Thế Giới Di Ðộng (MWG), CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC)… cũng được dự báo duy trì mức tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2019.
Tăng trưởng ngành điện sẽ có sự phân hóa rõ rệt trong năm 2019 do nhu cầu sử dụng điện vẫn leo dốc, trong khi tổng công suất tăng trưởng chậm hơn và thủy điện dự kiến kém khả quan trong thời gian tới do El Nino. Nhiệt điện, đặc biệt là điện than sắp tới sẽ được huy động hết công suất, cùng sự đóng góp từ các dự án điện mặt trời vào năm 2019.
Chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo CTCP Nhiệt Ðiện Phả Lại (PPC) cho biết, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2019, Công ty đạt lợi nhuận khoảng 500 tỷ đồng, hoàn thành hơn 60% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Công ty Nhiệt điện Ðông Triều cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2019, Công ty đã duy trì vận hành liên tục, phát tối đa công suất các tổ máy; kiểm soát tốt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh chung của cả năm 2019 với mức doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt lần lượt hơn 2.000 tỷ đồng và trên 215 tỷ đồng, hoàn thành hơn 60% và 116% kế hoạch cả năm.
Ðiểm sáng lợi nhuận
Dù chưa đến thời điểm các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh bán niên nhưng chia sẻ sớm từ một số doanh nghiệp cho thấy, nhiều công ty đã hoàn thành vượt mức so với kế hoạch 6 tháng đầu năm, thậm chí so với kế hoạch cả năm, đơn cử là Tổng CTCP Vận tải dầu khí - PVTrans (PVT).
Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT cho biết, tính đến hết 6 tháng đầu năm, Công ty ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng doanh thu và 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt xấp xỉ 400 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu Ðại hội đồng cổ đông thông qua là 300 tỷ đồng.
Tính đến hết 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu POW ước đạt 14.812 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.319 tỷ đồng
Kết quả này có được, theo ông Việt Anh, là nhờ sự chủ động, bám sát những diễn biến của thị trường vận tải nội địa cũng như quốc tế; kiểm soát chi phí quản lý, kỹ thuật; giảm bớt hạng mục nâng cấp sửa chữa chưa cần thiết, rút ngắn thời gian tiến độ sửa chữa tàu…, giúp tiết kiệm tối đa các chi phí.
Với dự báo ngành vận tải dầu khí tiếp tục khó khăn trong năm 2019, PVTrans đã đề ra các nhiệm vụ kế hoạch chủ yếu: Vận chuyển an toàn, kịp thời toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm đầu ra của Nhà máy lọc dầu Dung Quất do các đơn vị trong ngành phân phối, cũng như tận dụng tối đa mọi cơ hội, sự ủng hộ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên giành quyền tham gia vận chuyển 25% sản lượng dầu thô đầu vào, 40% sản lượng dầu sản phẩm cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu trên thị trường trong và ngoài nước, cũng như cho thuê tàu trên thị trường quốc tế để khai thác tối đa năng lực đội tàu hiện có.
Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) cũng cho biết, nửa đầu năm, kết quả kinh doanh của Công ty đã vượt so với kế hoạch cả năm. Trong đó, tính đến hết 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt 14.812 tỷ đồng, tương đương 105% kế hoạch được giao và lợi nhuận sau thuế 1.319 tỷ đồng, đạt khoảng 129% kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, PV Power đã hoàn thành trước tiến độ công tác bảo dưỡng định kỳ Nhà máy điện Hủa Na, Nhà máy điện Vũng Áng 1; hoàn thành công tác trình Chính phủ thông qua phê duyệt Pre-FS Dự án Nhơn Trạch 3 và 4. Từ nay đến cuối năm 2019, Tổng công ty sẽ đặt mục tiêu đảm bảo vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả các nhà máy điện, phấn đấu tổng sản lượng điện sản xuất cả năm 2019 vượt 21,6 tỷ KWh, tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 33.908,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.926,2 tỷ đồng; tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc PVPower, thoái vốn tại các đơn vị thành viên theo phương án
được duyệt...
Năm nay, CTCP Licogi 16 (LCG) tổ chức Ðại hội đồng cổ đông khá muộn so với mọi năm, song những thành quả mà Công ty đạt được nửa đầu năm đã phần nào giải tỏa tâm lý cho cổ đông. Tại Ðại hội vừa tổ chức ngày 27/6, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HÐQT LCG chia sẻ, 6 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty ước đạt 1.121 tỷ đồng, chưa hoàn thành so với kế hoạch nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch 6 tháng.
Ông Hùng chia sẻ thêm, hiện nay, Công ty đang tập trung 3 dự án điện mặt trời, nếu dòng tiền ổn định, nhiều khả năng LCG sẽ cán mốc 3.700 tỷ đồng doanh thu năm 2019, lợi nhuận tương ứng tăng mạnh. Ðiểm đáng ghi nhận trong tháng 6 vừa qua là Công ty đã phát điện hoà lưới điện của Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc tại Gia Lai, đồng thời khởi công dự án Ðiện mặt trời Nhơn Hải, Bình Thuận.
Cũng trong tháng 6/2019, LCG đã triển khai thêm 2 dự án gồm dự án Ðiện mặt trời Mỹ Sơn 1 và 2 với vai trò tổng thầu EPC. Ðây là hai dự án điện nằm ở tỉnh Ninh Thuận, tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng.
“Hiện chúng tôi đang xúc tiến bổ sung quy hoạch 6 dự án điện gió, tổng công suất 300MW, trong đó 4 dự án tại Gia Lai và 2 dự án ở Quảng Trị, ghi nhận sự chuyển dịch lớn của Công ty. Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng 7, LCG sẽ ký tiếp 2 hợp đồng EPC trong lĩnh vực năng lượng là dự án Thuỷ điện Ðăk Nhim 1 và 1A với tổng giá trị ký lên đến 5.300 tỷ đồng”, ông Hùng chia sẻ.
Tại lĩnh vực hàng không, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa đưa ra con số ước tính 6 tháng đầu năm 2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.500 tỷ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2018. Ðánh giá ảnh hưởng về tỷ giá với kết quả kinh doanh, đại diện ACV cho biết, hiện Tổng công ty đang có khoản vay ODA bằng đồng yên. Với vấn đề tỷ giá, ACV đã thực hiện hạch toán các dự phòng tỷ giá (khoảng 600 tỷ đồng mỗi năm) nên sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng.
Năm 2019, ACV sẽ triển khai xây dựng mới Nhà ga hành khách T3 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (dự kiến trong quý I/2020); Nhà ga hành khách tại các cảng hàng không quốc tế Ðà Nẵng, Cam Ranh; mở rộng nhà ga hành khách T2 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xây dựng Nhà ga hành khách T2 tại các Cảng hàng không Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Ðồng Hới, Thọ Xuân… với tổng mức đầu tư các dự án xây dựng, mua sắm trang thiết bị là 50.246 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 là 7.317 tỷ đồng.