“Game” tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kỳ vọng giá cổ phiếu tăng cao để tăng khả năng phát hành thành công, nhiều nhà đầu tư có sự ưa thích, quan tâm với những doanh nghiệp “có câu chuyện riêng” như tăng vốn.

CEO là cổ phiếu tạo cảm xúc “hoảng sợ” cho nhiều nhà đầu tư, khi diễn biến giá cổ phiếu đang tốt, “chart đẹp” - như nhiều nhà đầu tư ưa phân tích kỹ thuật cảm nhận - đột ngột giảm mạnh vài phiên, đưa cổ phiếu từ vùng 27.000 đồng/cổ phiếu về quanh 18.000 đồng/cổ phiếu. Gắn liền với sự kiện quanh thời gian này là việc đại hội cổ đông CEO lần 1 bất thành và xuất hiện nhiều thông tin dự án bị “nhắc tên”.

Nhiều nhà đầu tư mua CEO vùng 25.000 - 27.000 đồng/cổ phiếu, với kỳ vọng lên 30.000 - 32.000 đồng/cổ phiếu buộc phải cắt lỗ trước đà giảm mạnh của cổ phiếu, đồng thời chịu áp lực phải nộp thêm tiền để thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm (10.000 đồng/cổ phiếu).

Nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc với CEO sau đà giảm này, thì “phe” ngược lại tích cực mua vào ở vùng giá 18.000 đồng/cổ phiếu và quyết định giữ qua ngày chốt quyền với dự báo cổ phiếu sẽ tăng, qua đó, hoàn toàn có thể bán ngay cổ phiếu hiện hữu, giải toả áp lực dòng tiền trên tài khoản. Thực tế cho đến thời điểm này, CEO đã tăng lên vùng 26.000 đồng/cổ phiếu, là cổ phiếu mạnh trong giai đoạn điều chỉnh sâu của thị trường vừa qua.

PDR cũng là cổ phiếu bất động sản có diễn biến rất tích cực sau thông tin đã có nhà đầu tư tham gia mua riêng lẻ, cộng thêm thông tin về các dự án sắp triển khai và diễn biến chung của cả nhóm cổ phiếu bất động sản được hỗ trợ bởi nhiều chính sách. PDR đã đi từ vùng 15.000 đồng/cổ phiếu lên vùng 22.000 đồng/cổ phiếu và đang giữ khá vững quanh vùng này.

“PDR tổng hoà nhiều yếu tố tích cực, nên cổ phiếu tăng khá tốt. Với việc nền giá cổ phiếu tăng lên, sẽ giúp cổ phiếu PDR có cơ hội tiếp cận room margin tốt hơn, hoặc cũng có lợi cho doanh nghiệp nếu trong tương lai kênh trái phiếu thu hút trở lại”, nhà đầu tư bám sát diễn biến cổ phiếu PDR chia sẻ.

“Cổ đất” mạnh trong thời gian gần đây là DXG, ngoài đi theo xu hướng chung của ngành, còn được hỗ trợ bởi thông tin “hành lang” trong các room chat, diễn đàn về diễn tiến pháp lý của dự án trọng điểm tại quận 2, TP.HCM tiến triển tích cực, cộng thêm việc Công ty đã thông qua kế hoạch phát hành gần 102 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 57 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và 9 triệu cổ phiếu ESOP. Trong 1 tuần gần nhất, DXG có mức tăng hơn 11%, trong 2 tháng gần nhất là hơn 26%.

Trong lĩnh vực chứng khoán, cổ phiếu VND là cổ phiếu “truân chuyên” nhất, khi đang neo vùng giá quanh 20.000 đồng/cổ phiếu bất ngờ giảm mạnh trong vài phiên trước thông tin liên quan đến trái phiếu. Tuy nhiên, đây vẫn là cổ phiếu được những nhà đầu tư ưa thích rủi ro quan tâm, với tâm lý “đặt cược” vào việc nếu VND phát hành thành công sẽ là bước chuyển rất tích cực, hỗ trợ xử lý vấn đề dòng tiền cho Công ty. Bởi vậy, VND vẫn luôn là cổ phiếu có thanh khoản cao trên HOSE cũng như có diễn biến hồi phục khá tốt sau nhịp giảm vừa qua.

Điểm qua một số trường hợp để thấy, giải ngân vào các “game tăng vốn” vẫn là sở thích của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Lượng phát hành thêm cổ phiếu trong quý III có thể tăng đột biến, gấp đôi quý trước.

Trong báo cáo tháng 7 của SGI Capital có thông tin đáng chú ý. Đó là lượng phát hành cổ phiếu của quý III sẽ tăng đột biến, gấp đôi của quý II. Giao dịch tập trung vào một số nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán sẽ tạo một vùng cung đủ lớn tiềm tàng rủi ro điều chỉnh cho những nhóm ngành đã tăng mạnh này.

Dẫu vậy, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, mối lo dội cung trong quý III, thậm chí là quý IV năm nay không nhiều. Nguồn cổ phiếu lớn nhất đến từ lượng phát hành thêm trả cổ tức bằng cổ phiếu của các doanh nghiệp, hoặc chia tách cổ phiếu thưởng ở một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh kém sắc của năm 2022, số lượng cổ phiếu phát hành thêm này không quá lớn, vì nhiều doanh nghiệp không chia cổ tức trong năm 2022.

Ở Việt Nam, nhiều nhà đầu tư có xu hướng mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khi có tin đồn tăng vốn, nhưng tư duy này khác với các nước trên thế giới. Ví dụ như tại Ngân hàng Silicon Valley, khi họ gặp vấn đề tài sản và dự định phát hành tăng vốn, nhà đầu tư sẽ bán ra cổ phiếu, nhưng Việt Nam thì ngược lại.

Trong trường hợp này, cơ hội có thể đến với nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn vì hầu như các đợt tăng vốn của doanh nghiệp đều đẩy cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngắn hạn cũng cần cân nhắc giữa việc nắm giữ cổ phiếu tới ngày chốt quyền để đóng thêm tiền mua cổ phiếu hay bán đi trước thời điểm đó, bởi 2 - 3 tháng sau cổ phiếu mới về và giá cổ phiếu có thể bị suy giảm.

Còn đối với các nhà đầu tư dài hạn hơn, họ phải xem phương án phát hành của doanh nghiệp nhằm mục đích gì, có tạo ra lợi nhuận trong tương lai hay không.

Thị trường chứng khoán luôn có sức hấp dẫn riêng nhờ các gu đầu tư đa dạng tham gia thị trường. Đâu đó, vẫn có phân khúc các nhà đầu tư sau thời gian chinh chiến, đã kinh nghiệm hơn rất nhiều, không “nhắm mắt nhắm mũi” mua vào như trước.

Phan Hằng - Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục