Hàng chục ngàn tỷ đồng vốn điều lệ ngân hàng sắp được tăng thêm
Vài tháng gần đây, liên tiếp các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận tăng vốn điều lệ. Ngay đầu tháng 6/2023, LPBank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 17.291 tỷ đồng lên mức 28.676 tỷ đồng thông qua nhiều cấu phần; SeABank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.500 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên 25.903 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 5/2023, TPBank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.199 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 22.000 tỷ đồng. Tương tự, OCB được chấp thuận tăng vốn từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Vietcombank được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng…
Ngoài ra, cuối tháng 6 này, Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu thông qua phương án tăng vốn 17.100 tỷ đồng cho Agribank giai đoạn 2023 - 2024. Theo đó, năm nay, Agribank sẽ được bổ sung vốn khoảng 6.750 tỷ đồng, còn lại chuyển sang thực hiện vào năm 2024.
Ngoài các ngân hàng trên, hiện có gần 20 ngân hàng TMCP khác đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, hầu hết bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu kế hoạch tăng vốn được các ngân hàng thực hiện thành công, từ nay đến cuối năm, thì vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng sẽ tăng thêm khoảng 163.000 tỷ đồng, tương đương tăng 26,7%. Đồng thời, thứ hạng vốn điều lệ có sự thay đổi đáng kể.
Dự kiến, đến cuối năm nay, VPBank vẫn giữ nguyên vị trí quán quân về vốn điều lệ. Vietcombank sau khi tăng sẽ vươn lên vị trí thứ 2 về vốn điều lệ. MB vẫn giữ nguyên vị trí Top 5 vốn điều lệ. Nếu được tăng vốn năm nay, Agribank sẽ tăng một bậc trong bảng xếp hạng vốn điều lệ, song vẫn đứng sau các ngân hàng trong nhóm big 4 và một số ngân hàng TMCP tư nhân như VPBank, MB.
Các ngân hàng dự kiến sẽ “thăng hạng” về vốn điều lệ nếu kế hoạch tăng vốn thành công cuối năm nay là: ACB, SHB, LPBank, VIB, TPBank, OCB… Trong khi đó, một số ngân hàng như Techcombank, MSB, Sacombank… lại tụt bậc trong bảng vốn điều lệ do kế hoạch tăng vốn khiêm tốn.
Loạt cổ phiếu nóng theo “game” tăng vốn
Thị trường chứng khoán hồi phục tích cực cùng với “game” tăng vốn khiến nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Giữa tuần này, cổ phiếu VCB của Vietcombank có lúc vượt 98.000 đồng/cổ phiếu, thiết lập đỉnh mới cao nhất “mọi thời đại”. Trong vòng vài tuần qua, cổ phiếu TPBank, OCB… cũng tăng tới 7 - 8%.
Ngoài yếu tố tăng vốn, việc lãi suất huy động giảm sâu cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán nói chung và dòng cổ phiếu “vua” được hưởng lợi.
Với các ngân hàng, thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi khiến kế hoạch tăng vốn trở nên dễ dàng hơn khá nhiều. Năm 2022, chỉ có 15 ngân hàng tăng vốn thành công, dù trước đó có tới 27 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn. Nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán khởi sắc là cơ hội tốt để các ngân hàng hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn.
Việc tăng vốn thành công không chỉ giúp ngân hàng cải thiện các chỉ số tài chính, thăng hạng trong “bảng xếp hạng” của NHNN, mà còn là bộ đệm để các ngân hàng tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động, nhiều rủi ro.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích (Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng) cho rằng, việc các ngân hàng cấp tập tăng vốn điều lệ trong bối cảnh nợ xấu tăng cao là rất cần thiết. “Khi rủi ro tăng cao, việc các ngân hàng chú trọng tăng vốn và tăng quản trị chất lượng tài sản hơn là chạy theo tăng trưởng là chiến lược đúng đắn”, ông Thành nhận định.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Hệ số An toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam không chỉ ở mức thấp, mà còn cải thiện chậm so khu vực. Do vậy, tăng vốn là vấn đề ưu tiên của nhiều ngân hàng năm nay.
Được biết, hiện ngoài kế hoạch chia cổ tức 10 - 50% bằng cổ phiếu để tăng vốn, năm nay, một loạt ngân hàng cũng đặt kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại như Vietcombank, BIDV, LPBank, SHB…