G20 cam kết bít các lỗ hổng tài chính toàn cầu

(ĐTCK) Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ủy quyền cho Ủy ban Bình ổn tài chính quốc tế (FSB) nghiên cứu các biện pháp cải cách tổng hợp để bít các lỗ hổng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
G20 cam kết bít các lỗ hổng tài chính toàn cầu

Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống tài chính mở và đàn hồi để hỗ trợ cho mục tiêu cốt lõi của G20 là tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Tuần qua, tại Thành phố St Petersburg của Nga, các lãnh đạo của G20 đã cam kết sẽ hoàn tất nhiệm vụ này.

Ưu tiên trước hết của G20 là tạo dựng tính đàn hồi cho hệ thống tài chính. Cho dù các ngân hàng lớn, có ảnh hưởng đến hệ thống toàn cầu, gần như chắc chắn sẽ đáp ứng được các quy định của Hiệp ước Basel III khoảng 5 năm trước thời hạn chót, sau khi đã tăng được vốn tổng cộng thêm trên 500 tỷ USD, thì đây vẫn là một nhiệm vụ không đơn giản. Một vài ngân hàng vẫn cần phải được “đại tu” mà không được phép trì hoãn. Với một hệ thống ngân hàng đã được tăng vốn thì cơ hội để mở rộng tín dụng trong nền kinh tế thực cũng trở lại.

Một hệ thống mới với các đặc tính minh bạch hơn, đơn giản hơn và vững chắc hơn sẽ giúp ngăn các ngân hàng hành động mạo hiểm. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, hệ thống giám sát cần giữ vững các cam kết mà các lãnh đạo G20 đã đồng ý với phần còn lại của Basel III, bao gồm các quy định về tỷ lệ đòn bẩy và việc khắc phục sự khác biệt giữa các ngân hàng trong quan điểm đánh giá rủi ro. Các định chế tài chính cũng cần cải thiện khả năng nhận diện rủi ro và áp dụng các tiêu chuẩn kế toán thông dụng đối với các khoản cho vay ngay trong năm nay.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ chấm dứt cái gọi là “quá lớn để phá sản”. Theo đó, các ngân hàng và công ty bảo hiểm có ảnh hưởng hệ thống được xác định và bị buộc phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn về vốn, chịu sự giám sát sâu hơn, cùng một cơ chế xử lý đủ tin cậy. Đồng thời, các cơ quan quản lý, giám sát phải không rời mắt khỏi hệ thống; các chính phủ phải thực hiện các cải cách pháp lý sao cho tất cả các công ty có ảnh hưởng hệ thống trở nên có thể xử lý được, trong đó đặc biệt là các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các công ty tạo lập thị trường. Ngoài ra, quyền phán xét cũng phải được trao cho các cơ quan giám sát để có thể xử lý được các vấn đề xuyên quốc gia.

G20 cũng phải đảm bảo các ngân hàng đang trên đà phá sản có thể được xử lý hay tái cấp vốn, trong khi vẫn duy trì sự liên tục của các dịch vụ cơ bản. FSB đã được giao nhiệm vụ, từ giờ đến Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane vào năm 2014, phải xây dựng các đề xuất về năng lực thích ứng tổng thể của các định chế tài chính, cũng như đơn giản hoá cấu trúc và hoạt động của các công ty. Ở một khía cạnh khác, có một rủi ro là nhiều hoạt động ngân hàng sẽ rút vào bóng tối. Bởi vậy, một mục tiêu khác của G20 là biến các hoạt động ngân hàng trong bóng tối từ chỗ là nguồn gây ra rủi ro thành một nguồn cung cấp sự đàn hồi cho hệ thống - đa dạng hóa nguồn lực. Các lãnh đạo G20 cũng đã đồng ý về một lộ trình giám sát toàn diện và mạnh mẽ hơn cùng các quy định tương ứng với các rủi ro hệ thống được tạo ra bởi các dạng khác nhau của hoạt động ngân hàng trong bóng tối. Theo một phần của thỏa thuận này, các quốc gia G20 cần thực thi các cải cách đối với các quỹ dự trữ và hoạt động chứng khoán hóa trên thị trường tiền tệ. Các chính sách nhằm giảm rủi ro trên các thị trường mua lại và cho vay cầm cố chứng khoán và hạn chế sự tham gia của các ngân hàng vào hoạt động trong bóng tối sẽ được hoàn thiện vào đầu năm 2014.

Tiếp đến, thị trường phái sinh trị giá 600.000 tỷ USD cũng sẽ được cải cách. Trong đó, tăng cường sự minh bạch là công việc căn bản. Các nhà làm luật phải tìm ra cách để các biện pháp xuyên quốc gia được thực hiện một cách hiệu quả.

5 năm kể từ đáy cuộc khủng hoảng tài chính, G20 đã có được những tiến triển đáng kể trong việc phối hợp xử lý rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, xu hướng hành động đơn phương vẫn tiềm ẩn và đó là lý do tại sao các lãnh đạo G20 đã cam kết ở St Petersburg là sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để xây dựng một hệ thống tài chính mở, gắn kết và đàn hồi. Điều đó đòi hỏi việc thực thi đầy đủ, kiên định các tiêu chuẩn mới, hợp tác và chia sẻ thông tin tốt hơn giữa các quốc gia G20.          


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục