Chất xúc tác cho tăng trưởng
Đó là cách ví von của các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước có mặt tại Hội nghị bàn tròn: Tác động của các hiệp định thương mại tự do tới dòng vốn đầu tư vào Việt Nam”, do Công ty cổ phần StoxPlus, đối tác chiến lược của Nikkei Inc. và QUICK Corp. (Nhật Bản) tổ chức mới đây.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra một bức tranh nhiều màu sắc về các FTA. Hiện có 11 FTA đã ký và 3 FTA đang đàm phán, được kỳ vọng là chất xúc tác cho tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo ông Thành, gần như tất cả các đối tác chủ chốt của Việt Nam đều tham gia các FTA như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam trở thành top 10 thế giới trong khu vực châu Á về tiếp nhận vốn FDI và đứng thứ 6 về tốc độ giải ngân. Từ năm 2013, hàng tỷ USD đã được đầu tư vào ngành dệt may, điện tử, tạo thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường, tạo mạng lưới sản xuất. Trong đó, dòng tiền từ Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ là nguồn vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua.
Hiện FDI của các nước thành viên TPP vào Việt Nam có số vốn đăng ký đạt hơn 100 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng số vốn FDI tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản 37,7 tỷ USD, Hoa Kỳ 11 tỷ USD, Malaysia 10,8 tỷ USD, Canada 5 tỷ USD…
Những cơ hội đầu tư mở ra ở nhiều ngành nghề có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, gạo, cà phê, nuôi trồng thủy sản, dược phẩm, du lịch giải trí, cơ sở hạ tầng, logistics. Hay tham gia vào mạng lưới sản xuất công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, cơ hội hút dòng vốn ngoại mạnh nhất là lĩnh vực dệt may. Việc Việt Nam tham gia hàng loạt FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu và nhất là TPP đang vào giai đoạn đàm phán cuối, thuế suất giảm dần về 0% sẽ đem lại lợi thế để gia tăng kim ngạch xuất khẩu rất lớn cho ngành này. Hiện đang có làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các DN FDI vào dệt may để tận dụng ưu đãi về thuế từ các FTA.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần StoxPlus nhận định, từ năm 2011, mua bán - sáp nhập (M&A) trở thành kênh được rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn cho việc mở rộng kinh doanh hoặc thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ngoài Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong khối ASEAN (Thái Lan, Singapore, Indonesia) cũng là những đối tác lớn về M&A của Việt Nam.
“Sau khi một số lượng lớn các dòng thuế bị loại bỏ nhờ FTA, sẽ tác động mạnh mẽ tới dòng vốn, đặc biệt là M&A và FDI. Tác động kép khi Chính phủ nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài mới đây. Trong đó, Hàn Quốc là ví dụ điển hình cho việc dòng vốn đang chuyển dịch mạnh vào Việt Nam”, ông Thuân nhận định.
Sang năm 2016, FTA Việt Nam - Hàn Quốc mới có hiệu lực, nhưng một làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc đang hình thành. Nhờ loại bỏ thêm 771 loại thuế mà các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, nguyên liệu thực phẩm, nông sản thực phẩm, hải sản đông lạnh và đóng hộp, nguyên liệu dệt may thô, da giày, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe gắn máy… sẽ bùng nổ hơn.
Cuộc chơi chỉ dành cho ai sở hữu thông tin
Theo ông Võ Trí Thành, bản chất của sự hội nhập kinh tế là những cơ hội mới, nên các dòng vốn đầu tư được giải ngân vào thị trường Việt Nam ngày một nhiều hơn là hiển nhiên. Khi mở cửa thị trường sẽ không phân biệt doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nội địa, vì bất cứ doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi từ FTA. Tuy nhiên, cuộc chơi chỉ dành cho những doanh nghiệp nắm chắc thông tin, đường đi nước bước của nước sở tại, các đối thủ, từ đó đáp ứng tốt các tiêu chí và yêu cầu của thị trường.
“Việt Nam có nhận ra cơ hội kinh doanh từ các FTA hay không vẫn còn là câu chuyện dài, bởi còn nhiều trở ngại liên quan đến thông tin. Nếu không muốn bỏ lỡ những cơ hội vàng này thì cần cởi mở về thông tin, cũng như tạo mối quan hệ giữa các quốc gia, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp với nhau”, ông Thành cho biết.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp cần chủ động để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực khi Việt Nam hội nhập sâu rộng bằng cách theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết, đặc biệt cần nắm được lộ trình giảm thuế, lộ trình mở cửa, những thông tin về thị trường, đối tác… Từ đó đưa ra định hướng, chiến lược kinh doanh hợp lý, nâng cao năng lực quản trị.