Những biến động trên thị trường chứng khoán gần đây tác động đến hoạt động của FPTS trên những khía cạnh nào?
Gần đây, thị trường chứng khoán sụt giảm khá mạnh về cả điểm số và thanh khoản. Điều này tác động tiêu cực đến tất cả các thành viên thị trường. FPTS cũng không là ngoại lệ khi mà cả doanh thu và lợi nhuận đều bị sụt giảm.
Việc gần như không tự doanh và chỉ chú trọng vào dịch vụ góp phần giúp Công ty “tránh bão” ra sao?
Nói chính xác hơn là FPTS không tự doanh trên sàn. Danh mục đầu tư của chúng tôi hiện có MSH, đây là khoản đầu tư từ hơn 10 năm trước, khi mà MSH còn chưa niêm yết. Thay vì mua, bán cổ phiếu ở trên sàn, FPTS thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp, cùng hợp tác, hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp trong thời gian dài.
Trong nhiều năm, FPTS không tự doanh trên sàn vì mấy lẽ: Thứ nhất là để tập trung các nguồn lực, gồm cả nhân sự và tài chính, làm tốt các dịch vụ; thứ hai là để tránh xung đột lợi ích với khách hàng, hoạt động môi giới và tư vấn đầu tư của chúng tôi sẽ hoàn toàn độc lập và khách quan.
Lãnh đạo FPTS đã nhiều lần khẳng định việc ưu tiên quản trị bền vững, điều này được thực hiện ở FPTS thời gian qua như thế nào? Có khi nào FPTS phải đấu tranh với chính mình để giữ vững nguyên tắc, không bị thị trường cuốn đi?
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS). |
Không chỉ trong thời gian gần đây mà việc này đã được chúng tôi thực hiện trong suốt nhiều năm, với mục đích đảm bảo an toàn, bền vững cho FPTS và cả cho các khách hàng của chúng tôi. Tất nhiên, với mỗi lựa chọn thì bao giờ cũng có mặt này, mặt kia.
Chẳng hạn, khi lựa chọn danh mục chứng khoán margin, FPTS đã loại đi một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản kém, có dấu hiệu giao dịch bất bình thường mặc dù thanh khoản khá cao. Một số nhà đầu tư chất vấn chúng tôi là tại sao nhiều công ty chứng khoán khác cho vào danh mục margin mà chúng tôi lại không. Thậm chí, họ chuyển sang giao dịch ở công ty chứng khoán khác. Nhưng qua thời gian, chúng tôi thấy rõ rằng lựa chọn của chúng tôi đã giúp Công ty không bị nợ xấu, đồng thời, cũng giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro thua lỗ.
Từ vài năm trước, việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp mang lại cho công ty chứng khoán khá nhiều lợi nhuận. Chúng tôi có lợi thế là có cơ sở khách hàng lớn, nên nếu làm nghiệp vụ này, có thể chúng tôi cũng sẽ có nguồn thu lớn. Tuy vậy, chúng tôi đã đánh giá rằng người mua trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp phải nhiều rủi ro và uy tín của FPTS sẽ bị tổn hại nếu như doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Đó là lý do chúng tôi quyết định không làm nghiệp vụ phân phối trái phiếu đến nhà đầu tư. Có nghĩa là chúng tôi chấp nhận từ bỏ lợi nhuận ngắn hạn để đổi lấy sự an toàn, bền vững của khách hàng và uy tín của FPTS về dài hạn.
Việc chú trọng đầu tư vào con người và công nghệ để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng sẽ được FPTS thực hiện theo định hướng nào thời gian tới?
Về con người, chúng tôi vẫn kiên định trong việc xây dựng chính sách và kiểm soát để đảm bảo toàn bộ cán bộ nhân viên có đạo đức nghề nghiệp tốt. Song song với đó là việc đào tạo kiến thức, kỹ năng không ngừng cho mọi nhân viên để FPTS ngày càng trở thành một tổ chức dịch vụ tư vấn tài chính chuyên nghiệp.
Về công nghệ, đây vẫn luôn là một ưu tiên ngay từ khi FPTS ra đời. Chúng tôi đã và đang đầu tư, nghiên cứu để mang đến cho khách hàng những sản phẩm tiện ích tốt, an toàn, dễ sử dụng và một hệ thống luôn hoạt động ổn định.
Sau thăng trầm của thị trường vốn, với tư cách là một thành viên thị trường, theo ông, đâu là những vấn đề chúng ta cần lưu tâm để thị trường có thể phát triển bền vững hơn?
Trong hoạt động của mình, FPTS luôn xác định sự minh bạch, chuyên nghiệp và phát triển bền vững là nền tảng cốt lõi. Với tư cách là một thành viên thị trường, FPTS đã và đang đưa hoạt động tư vấn quản trị doanh nghiệp đến với nhiều khách hàng tổ chức.
Ngoài ra, với các khách hàng là nhà đầu tư, FPTS luôn cố gắng làm tốt nhất cho khách hàng, bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Chúng tôi hiểu rằng chỉ khi mang lại giá trị cho khách hàng thì sự hợp tác mới bền vững, dài hạn, từ đó đóng góp vào bức tranh tổng thể của toàn ngành.