FPT Play bắt tay TikTok; VNPT bán quyền mua cổ phần tại VNPT Epay; Bamboo Airways muốn tìm nhà đầu tư chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
FPT Play bắt tay TikTok; VNPT quyết định giảm sở hữu tại VNPT Epay; Yeah1 muốn mua InfoTV, Style TV' Gỗ An Cường bắt tay với Sumitomo Forestry America; Bamboo Airways muốn tìm nhà đầu tư chiến lược.

FPT Play hợp tác chiến lược cùng TikTok; FPT Long Châu có mặt ở 63 tỉnh, thành phố

FPT Play vừa ký kết biên bản ghi nhớ đối tác chiến lược với TikTok. Mục tiêu chng là khai thác và quảng bá các nội dung chất lượng cao đến khán giả Việt Nam.

Cộng đồng người dùng TikTok sẽ có cơ hội tiếp cận với kho nội dung thể thao, phim truyện và giải trí cung cấp bởi FPT Play

Cộng đồng người dùng TikTok sẽ có cơ hội tiếp cận với kho nội dung thể thao, phim truyện và giải trí cung cấp bởi FPT Play

Đại diện FPT Play cho biết, quyết định hợp tác cùng TikTok là bước đi tiếp theo của đơn vị nhằm đẩy mạnh việc khai thác và quảng bá các nội dung chất lượng đến đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Sự kiện này cũng cho thấy hướng đi phù hợp, kịp thời của FPT Play trong bối cảnh có nhiều dịch chuyển, phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội và nền tảng nội dung tại Việt Nam.

Theo nội dung đã ký kết, cộng đồng người dùng TikTok sẽ có cơ hội tiếp cận với kho nội dung thể thao, phim truyện và giải trí cung cấp bởi FPT Play, thông qua các trích đoạn đặc sắc (best-cut) được đăng tải liên tục trên các tài khoản chính thức của đơn vị trên nền tảng TikTok.

Trong năm 2022, TikTok cũng sẽ đồng thời mở trang quảng bá Sự kiện (Event Promotion Page) và khởi tạo các thử thách gắn thẻ (hashtag challenge) liên quan đến các chiến dịch của FPT Play nhằm thu hút sự quan tâm và cộng hưởng sáng tạo cộng đồng. Tại các hashtag này, cộng đồng người dùng TikTok có thể tham gia bằng cách đăng tải các video do chính mình sáng tạo, phù hợp với chủ đề và yêu cầu thử thách.

Bà Tô Nam Phương, Phó tổng giám đốc FPT Play cho biết: Tính tương tác là một trong những yếu tố trọng tâm mà FPT Play muốn nắm bắt và dẫn đầu. Đây chính là một trong những ưu thế mà chúng tôi tìm thấy ở TikTok".

FPT Play hiện cung cấp hơn 15 nghìn giờ nội dung và gần 200 kênh truyền hình trong nước, quốc tế với chất lượng Full HD 1080p. Có trong tay nền tảng công nghệ tiên tiến là IPTV và OTT, FPT Play còn sở hữu nhiều công nghệ tương tác và nội dung độc quyền, tạo ra hệ sinh thái nhiều tiện ích cho người dùng.

TikTok cũng từng bước trở thành một trong những nền tảng nội dung được yêu thích bậc nhất, không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực, đặc biệt đối với giới trẻ.

Theo số liệu thống kê tháng vào 6/2021, số lượng người dùng tại khu vực Đông Nam Á đã vượt ngưỡng 240 triệu người, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020. Song song với sự tăng trưởng đó, hơn 800 triệu video đã được tạo ra bởi cộng đồng người dùng TikTok Đông Nam Á, thu hút hơn một nghìn tỷ lượt xem.

Ông Nicholas Phạm, Giám đốc Vận hành Sản phẩm TikTok Việt Nam chia sẻ: "Thông qua sức mạnh của công nghệ cùng cộng đồng người dùng và nhà sáng tạo có sức ảnh hưởng, chúng tôi mong muốn tạo ra cơ hội để các đơn vị cung cấp nội dung như FPT Play khai thác sức mạnh sáng tạo của cộng đồng người dùng TikTok, cùng tạo nên những nội dung có sức lan tỏa rộng lớn đến mọi đối tượng người dùng".

Cũng trong tuần tuần qua, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu thông tin đã hoàn thành mục tiêu phủ sóng tại 63 tỉnh thành trên cả nước, sau khi mở cửa phục vụ tại tỉnh Cao Bằng

Với việc đạt được cột mốc quan trọng này, FPT Long Châu đã trở thành một trong những chuỗi nhà thuốc có độ bao phủ rộng nhất trên 63 tỉnh, thành toàn quốc.

Sau hơn 4 năm gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm, FPT Long Châu đã có gần 700 nhà thuốc và hơn 6.000 dược sĩ.

VNPT chuyển nhượng quyền mua cổ phần tại VNPT Epay

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thông báo chuyển nhượng toàn bộ 4,2 triệu quyền mua cổ phần tại Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay).

VNPT Epay đang thực hiện đợt chào bán 8,649 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:0,62

VNPT Epay đang thực hiện đợt chào bán 8,649 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:0,62

Mức giá khởi điểm là 8,84 tỷ đồng (2.105 đồng/quyền mua).

Như vậy, hậu giao dịch, tỷ lệ sở hữu của VNPT tại VNPT Epay sẽ giảm từ 30,11% xuống còn 18,58% vốn điều lệ, thực hiện chủ trương không tăng vốn góp tại VNPT Epay của VNPT.

Thời gian hoàn thành việc chuyển nhượng quyền mua dự kiến vào tháng 8/2022.

Được biết, VNPT Epay đang thực hiện đợt chào bán 8,649 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:0,62 (1 cổ phần được hưởng 1 quyền mua, 1 quyền được mua 0,62 cổ phần phát hành thêm). Thương vụ có thể giúp công ty này tăng vốn điều lệ lên 225,99 tỷ đồng.

Thành lập từ năm 2008, VNPT Epay là một trong những đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên tại Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử và giải pháp tài chính như cổng thanh toán trực tuyến, dịch vụ thu/chi hộ, ví điện tử.

Tháng 1/2016, VNPT Epay được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép chính thức về trung gian thanh toán. Đến năm 2017, hai nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là Global Payment Service (GPS) và UTC Investment (UTC) mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty này.

Tại ngày 31/3/2022, VNPT Epay có vốn điều lệ 139,5 tỷ đồng, trong đó VNPT góp 42 tỷ đồng, sở hữu 30,11% vốn điều lệ.

GPS và UTC (GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC) góp tổng cộng 97,5 tỷ đồng, sở hữu 69,89% vốn điều lệ

Kết thúc quý 1/2022, VNPT Epay ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.045,9 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 2,44 tỷ đồng, tăng 64,5% so với quý 1/2021.

Tính đến ngày 31/3/2022, quy mô tổng tài sản của VNPT Epay đạt 517,3 tỉ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm.

Yeah1 muốn mua StyleTV, Info TV

Tập đoàn Yeah1 sẽ mua lại 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Tổ hợp Truyền thông STV

Tập đoàn Yeah1 sẽ mua lại 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Tổ hợp Truyền thông STV

Theo Nghị quyết HĐQT, Tập đoàn Yeah1 sẽ mua lại 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Tổ hợp Truyền thông STV.

Thương vụ có giá trị vào khoảng 22,95 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong quý III/2022.

STV được thành lập vào tháng 6/2008, trụ sở tại Hà Nội, vốn điều lệ là 45 tỷ đồng.

Trong đó. STV là công ty truyền thông đa phương tiện bao gồm: StyleTV, Info TV và kênh phát thanh Joy FM. STV production sản xuất các chương trình truyền hình và phim điện ảnh. STV Digital sở hữu hệ thống truyền thông trên Digital.

Cuối tháng 11/2008, StyleTV chính thức lên sóng truyền hình. Từ năm 2013, Công ty cũng trở thành đơn vị hàng đầu sản xuất các truyền hình, giải trí, phim truyện phát sóng trên VTV và HTV.

Năm 2015, STV Group sáp nhập và đầu tư phát triển kênh truyền hình InfoTV và kênh phát thanh JoyFM...

Nếu thương vụ thành công, STV sẽ là công ty con của Yeah1.

Động thái mua này diễn ra sau khi Yeah1 có thay đổi ban lãnh đạo, trong đó đại diện nhóm cổ đông mới gồm người từ Chứng khoán Đại Nam (DNSE) và Tập đoàn Thái Tuấn sẽ "cầm cương", thay cho người sáng lập là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống.

Theo kế hoạch, Yeah1 sẽ đầu tư mảng thương mại truyền thông trên các nền tảng đang có, nhưng thực hiện một cách chậm và chắc chắn hơn. Trong đó, công ty chủ trương M&A các đơn vị nhỏ lẻ, đúng với định hướng sau sự cố YouTube là tự chủ về mặt nội dung.

Chiều ngược lại, công ty tiếp tục thoái vốn tại các đơn vị trong hệ thống. Tại nghị quyết mới nhất này, Yeah1 thống nhất chuyển nhượng 1,485 triệu cổ phần tại CTCP Phát triển Thương hiệu Yeah1. Thương vụ tương đương 99% vốn tại Phát triển Thương hiệu Yeah1, dự kiến thu về 14,85 tỷ đồng. Song song, Yeah1 cũng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Quảng cáo Truyền thông TNT.

Về kinh doanh của Yeah1, năm 2019 sau sự cố với YouTube khiến công ty lao dốc cả về hoạt động kinh doanh lẫn giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Gỗ An Cường bắt tay với Sumitomo Forestry America gia tăng giá trị xuất khẩu vào Mỹ

Công ty cổ phần Gỗ An Cường (ACG) và Sumitomo Forestry America vừa ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Gỗ An Cường sẽ là nhà cung cấp toàn bộ nội thất cho các Dự án mà Sumitomo Forestry America đầu tư tại thị trường Mỹ từ năm 2022 trở đi

Gỗ An Cường sẽ là nhà cung cấp toàn bộ nội thất cho các Dự án mà Sumitomo Forestry America đầu tư tại thị trường Mỹ từ năm 2022 trở đi

Theo đó, Gỗ An Cường sẽ là nhà cung cấp toàn bộ nội thất cho các Dự án mà Sumitomo Forestry America đầu tư tại thị trường Mỹ từ năm 2022 trở đi với giá trị cam kết cho thương vụ lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm.

Theo chia sẻ từ ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Gỗ An Cường: “Hiện giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ của An Cường vào khoảng 20 triệu USD mỗi năm, với sự hợp tác đầy tiềm năng này hy vọng giá trị xuất khẩu của An Cường vào Mỹ sẽ tăng lên từ 30 đến 50 triệu USD mỗi năm”.

Việc ký kết giữa hai bên sẽ mở ra cơ hội rất lớn và đầy tiềm năng cho Gỗ An Cường đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại thị trường lớn nhất thế giới này.

Sumitomo Forestry America là công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Sumitomo Forestry tại Nhật Bản đã đầu tư hàng tỷ USD vào Mỹ, sở hữu hàng loạt công ty bất động sản và xây dựng, hiện tại tập đoàn này đang xây dựng và kinh doanh hàng chục nghìn căn nhà tại Mỹ mõi năm.

An Cường là công ty hàng đầu tại Việt Nam và khu vực về vật liệu, giải pháp và nội thất làm từ gỗ công nghiệp. Hiện, Gỗ An Cường đang sở hữu nhà máy rộng hơn 240.000 m2 được đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và vô cùng đa dạng nhằm phục vụ tối đa cho nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu đến các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật, Úc, Canada… với doanh số lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Bamboo Airways tìm nhà đầu tư chiến lược để phát triển

Thông tin đưa ra tại đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết Bamboo Airways cần thêm các nhà đầu tư chiến lược mới để bổ sung nguồn lực nhằm đảm bảo tốc độ phát triển đạt kế hoạch đề ra.

Doanh thu quý 2 của Bamboo Airways tăng 50% so với quý 1 và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm

Doanh thu quý 2 của Bamboo Airways tăng 50% so với quý 1 và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm

Đánh giá hoạt động của hãng hàng không, ông Thắng cho biết đang ghi nhận nhiều tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh du lịch đang bùng nổ trở lại hậu dịch bệnh.

Trong số đó, doanh thu quý 2 của Bamboo Airways tăng 50% so với quý 1 và vượt 30% so với kế hoạch đầu năm.

Hiện trung bình Bamboo Airways đang khai thác gần 200 chuyến bay/ngày, tới 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với khoảng gần 60 đường bay nội địa và 12 đường bay quốc tế. Hãng gấp rút tăng tần suất và mở mới các đường bay quốc tế.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways duy trì hoạt động ổn định và trả lương 100% cho cán bộ nhân viên. Mới đây, hãng cũng áp dụng chính sách tăng lương 20% cho đội ngũ phi công để đảm bảo ổn định nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Trong hai tháng khai thác trở lại vừa qua, tỷ lệ lấp đầy trên nhiều chuyến bay quốc tế thường xuyên đạt trên 80%. Đây là minh chứng cho thấy Bamboo Airways vẫn nhận được nhiều tình cảm yêu mến từ hành khách, là sự ghi nhận xứng đáng đối với nỗ lực của Bamboo Airways trong bối cảnh phải cạnh tranh với các hãng bay đã có nhiều năm kinh nghiệm trên những đường bay quốc tế này,” ông Thắng nhấn mạnh.

Về kế hoạch mở rộng đội bay sắp tới, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết hãng chuẩn bị đón thêm các máy bay thân hẹp A321NEO và thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trong quý 3 tới.

Mặc dù ghi nhận nhiều tín hiệu đáng mừng trong nhiều khía cạnh hoạt động, ông Thắng thừa nhận hàng không hiện là lĩnh vực có tính cạnh tranh vô cùng cao. Mặt khác, để duy trì đà phát triển nhanh và mạnh, Bamboo Airways đặt mục tiêu mở rộng đội bay đạt 100 tàu đến năm 2028.

"Với những thách thức lớn, đi kèm với mục tiêu cao, Bamboo Airways cần thêm các nhà đầu tư chiến lược mới để bổ sung nguồn lực cho Bamboo Airways. Chúng tôi sẽ bàn về định hướng sắp tới đối với Bamboo Airways và không loại trừ khả năng thu hút thêm các nhà đầu tư để đảm bảo tốc độ phát triển của hãng đạt kế hoạch đề ra," ông Thắng cho hay.

Khánh An tổng hợp
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục