Theo đó, Ford dự tính sẽ cắt giảm chi phí lên tới 14 tỷ USD và loại bỏ một số mẫu xe con của mình. Trong đó, chi phí vật liệu chiếm khoảng 10 tỷ USD và chi phí kỹ thuật chiếm khoảng 4 tỷ USD. Theo Jim Hackett, tương lai của Công ty sẽ là xe thể thao tiện ích, xe bán tải và xe điện.
“Mỗi ngày, tôi thức dậy với cảm giác rằng thời gian ở đây có thể đang bị lãng phí nếu chúng ta không dịch chuyển”, Hackett nói với các nhà đầu tư tại một cuộc họp ở New York vào tối ngày 3/10 vừa qua, “Tôi nhận thấy một sự cấp thiết rõ rệt”.
Cổ phiếu của Ford đã tăng 2,1% ngay trong ngày diễn ra phiên họp của CEO Hackett với các nhà đầu tư. Nhưng kể từ thời điểm tháng 7/2014, cổ phiếu này đã mất giá tới 30%.
Hackett, cựu CEO của hãng sản xuất đồ nội thất Steelcase, đã được bổ nhiệm vào vị trí CEO của Ford hồi tháng 5 năm nay, sau khi người tiền nhiệm Mark Fields bị gạt ra.
Tân CEO của Ford đang nắm trong tay sứ mệnh giành lại sự tin tưởng từ Phố Wall, thuyết phục các nhà đầu tư thận trọng rằng ông có để đảo ngược giá cổ phiếu trong ba năm. Với lợi nhuận và thị phần giảm, Ford đang bị các đối thủ cạnh tranh khác lấn át, chẳng hạn như GM hay Tesla với công nghệ xe điện và xe tự lái.
Một trong những bước đi quan trọng nhất trong kế hoạch mới của Ford là tập trung vào những phân khúc mà hãng tin rằng sẽ mang lại lợi nhuận trong tương lai. Theo đó, Ford quyết định tái phân bố 7 tỷ USD để đầu tư phát triển phân khúc SUV và xe bán tải, thay vì phân khúc xe cỡ nhỏ.
Điều đó có nghĩa là, Ford sẽ giảm việc ra mắt những mẫu xe cỡ nhỏ, dồn sức cho mục tiêu mở rộng thị phần ở các phân khúc xe cỡ lớn, trong đó có dòng xe Bronco và Ranger ở giai đoạn gần nhất. Bước đi này được CEO Hackett cho rằng sẽ giúp Ford “chiến thắng trong tương lai”.
Bên cạnh đó, trước xu hướng tự động hoá của các phương tiện trên toàn cầu, Ford lên kế hoạch trang bị các phương thức kết nối khác nhau trên toàn bộ các mẫu xe tại Mỹ trước năm 2019. Theo phương án của Hackett, mỗi xe được sản xuất tại Mỹ sẽ dùng chung một số chi tiết vào năm 2019.
Quyết định tương tự sẽ áp dụng tại Trung Quốc và các thị trường khác mà Ford đang có mặt. Theo dự tính, đến 90% những mẫu xe toàn cầu mới của Ford sẽ dùng chung tính năng và trang thiết bị vào năm 2020.
Đồng thời, đối mặt với các quy định khắt khe về khí thải, nhà sản xuất xe Mỹ sẽ tập trung duy trì và mở rộng quan hệ đối tác với những nhà sản xuất động cơ hybrid, plug-in hybrid và động cơ điện. Như vậy, Ford sẽ không đầu tư phát triển động cơ đốt trong như trước. Cùng với đó, Ford hứa hẹn ra cho ra mắt 13 mẫu xe điện hoặc hybrid mới trong vòng 5 năm tới.
CEO Hackett cũng đặt mục tiêu đưa những mẫu xe mới ra thị trường nhanh hơn bằng cách cắt giảm 20% thời gian phát triển và 25% thời gian xây dựng, chuẩn bị của các nhà máy sản xuất.
“Rõ ràng là, với tư cách một công ty, chúng ta phải nâng tầm nhìn của mình đủ cao để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không bị gián đoạn khi thế giới thay đổi”, Hackett nói.
CEO cũng khẳng định, mục tiêu của Ford là đạt 8% lợi nhuận hoạt động và tạo ra lợi nhuận vượt trên chi phí vốn. Công ty sẽ cung cấp một bản dự báo tài chính cho năm 2018 vào tháng 1 năm sau.