FMC gửi tâm thư kêu cứu cho... tôm

Nhân viên một công ty thủy sản gửi thư kêu cứu đến Bộ trưởng Cao Đức Phát.
FMC gửi tâm thư kêu cứu cho... tôm

Tuần qua, anh nhân viên Hoàng Thanh Vũ làm việc tại Phòng Quản lý chất lượng CTCP Xuất nhập khẩu Sao Ta - Fimex Việt Nam (HOSE: FMC) ở vùng tôm lúa Sóc Trăng mất ăn mất ngủ khi thấy có quá nhiều lô tôm Việt Nam bị đối tác ngoài nước trả lại vì dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép.

Vì vậy, anh đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát để kêu cứu cho con tôm. Lời thỉnh cầu của anh nhân viên trẻ không vì mục đích cá nhân mà muốn cứu hàng chục ngàn công nhân của hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản với hàng triệu người nuôi tôm miền Tây.

Theo anh Vũ, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép người nuôi thủy sản sử dụng kháng sinh Enrofloxacin và Ciprofloxacin nhưng hạn chế ở mức có dư lượng không vượt 100ppb (một trăm phần tỷ). Trong khi đó qui định ở hai thị trường tiêu thụ tôm đông lạnh rất lớn từ của Việt Nam là Nhật Bản thì dư lượng Enrofloxacin và Ciprofloxacin cho phép dưới 10ppb và Hoa Kỳ là 1ppb.

Chính sự không đồng bộ của quy định trong nước với đối tác nhập khẩu ở nước ngoài nên trong năm 2011 có đến 56 lượt tôm xuất khẩu từ Việt Nam đã bị nhà chức trách Nhật Bản phát hiện có dư lượng kháng sinh Enrofloxacin vượt mức cho phép, phổ biến khoảng 20ppb nên hàng hóa bị buộc tái nhập về Việt Nam.

Theo quy định của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Nafiqad), nếu doanh nghiệp nào bị đối tác ngoài nước bốn lần cảnh báo về chất lượng tôm xuất khẩu chứa dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép thì sẽ bị cắt hoặc tạm ngưng có thời hạn xuất vào thị trường Nhật Bản.

Hiện có rất nhiều đơn vị bị cảnh báo 3 lần nên chỉ cần bị cảnh báo thêm một lần nữa thì hàng loạt doanh nghiệp em sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phá sản gây nguy cơ đẩy hàng chục ngàn lao động bị thất nghiệp.

Anh Vũ cho biết để tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm, trong năm 2011 Fimex Việt Nam phải tốn đến 4,2 tỷ đồng cộng với khoảng 1,7 tỷ đồng chi phí kiểm tra hóa học ở Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 5 tại Cà Mau đã “ngốn” đến 0,5% giá thành sản phẩm trong khi lợi nhuận kinh doanh con tôm rất thấp, trung bình chỉ 1,5% trên doanh số.

Điều đáng quan tâm nhất là dù chi phí kiểm tra dư lượng kháng sinh làm mất đi 1/3 lợi nhuận nhưng có thể doanh nghiệp cố gắng “gồng mình” được nhưng điều khó khăn nhất cho ngành chế biến tôm xuất khẩu ở Việt Nam là người nuôi tôm miền Tây thả nuôi theo nhiều hình thức khác nhau, cách sử dụng thuốc kháng sinh của nông dân không người nào giống người nào nên rất khó kiểm soát được chất lượng đầu vào.


VTC

Tin cùng chuyên mục