Câu chuyện của FLC Quảng Bình
Theo kế hoạch ban đầu, ngày 24/4/2016, Tập đoàn FLC tổ chức khởi công Dự án FLC Quảng Bình. Đây là dự án có quy mô gần 2.000 héc-ta, gồm tổ hợp 10 sân golf và khu resort, khách sạn, trung tâm hội nghị… được cả lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn FLC kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn thu hút du lịch không chỉ của Việt Nam, mà còn cả của khu vực Đông Nam Á, do có vị trí thuận lợi về du lịch biển, du lịch hang động, văn hóa…
Thế nhưng, những kỳ vọng, sự hào hứng của cả nghìn quan khách gồm nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý các cấp của tỉnh Quảng Bình và các địa phương khách mời, lãnh đạo bộ, ngành… bất ngờ bị nhiều người dân địa phương dội gáo nước lạnh, khi họ phản đối, đập phá lễ khởi công dự án.
Đây có lẽ là trường hợp vô tiền khoáng hậu, không chỉ ở việc dự án khởi công bất thành, mà còn bởi nguyên nhân dẫn đến hành động phản đối của người dân, đó là cá biển chết hàng loạt. Cá chết 10 ngày nay khiến ngư dân không ra biển được, họ đổ lỗi cho FLC.
Không còn kế sinh nhai, khi chăn nuôi không có, nông nghiệp không, còn biển thì cá chết, người dân nơi đây trút giận lên FLC. Sự giận dữ ấy tăng lên khi họ cho rằng, FLC sẽ không thực hiện cam kết tuyển dụng lao động địa phương và người dân không còn đường đi khi dự án hoàn thành...
Ngay tối xảy ra sự kiện, Thường vụ Đảng ủy tỉnh Quảng Bình đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và nhìn nhận, đây trước hết là lỗi của chính quyền địa phương, khi đã không làm tốt công tác nắm bắt tình hình và tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu. Đồng thời, đưa ra hướng xử lý, kỷ luật, khắc phục tình hình và tổ chức gặp gỡ báo chí để cung cấp thông tin.
Chính quyền Quảng Bình cam kết đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, tình hình sau đó vẫn căng thẳng, vẫn còn tình trạng người dân xông vào dự án phá phách.
Một câu hỏi khác đặt ra, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại xảy ra cho FLC? Đó không chỉ là những trang thiết bị bị đập phá, lấy mất trong tối 24/4 và ngày 25/4, mà còn là chi phí tài chính của chủ đầu tư cho phần vốn đã bỏ ra, uy tín của chủ đầu tư với cổ đông, với đối tác và thị trường, khi dự án có thể sẽ không được triển khai theo đúng tiến độ dự kiến.
Bức thiết cải thiện môi trường đầu tư
Diễn biến sự việc trên cho thấy, câu chuyện cá chết ở biển miền Trung là lý do lớn nhất dẫn đến hành động phá phách Dự án FLC Quảng Bình của người dân. Với hiện tượng cá biển chết, FLC không chỉ bị ảnh hưởng về kế hoạch triển khai dự án tại Quảng Bình, mà nhiều tour du lịch đến miền Trung đã bị hủy, khiến kinh tế du lịch khu vực này bị ảnh hưởng.
Hàng loạt doanh nghiệp, hộ dân kinh doanh du lịch, sống nhờ biển, kinh doanh liên quan đến sản phẩm từ biển… rồi đây sẽ ra sao nếu tình trạng ô nhiễm môi trường không được giải quyết triệt để, các hành vi gây ô nhiễm môi trường không được ngăn chặn và xử lý kịp thời?