Fintech Việt đang nhắm “miếng bánh” 35 tỷ USD!

Thị trường quy mô hơn 35 tỷ USD/năm đang là đích ngắm của các nhà phát triển công nghệ, Startup Việt Nam
Chiếc máy bán hàng tự động ứng dụng thanh toán bằng công nghệ QR code  trên dịch vụ thanh toán di động Zalo Pay tại Triển lãm ICT Comm Vietnam. Chiếc máy bán hàng tự động ứng dụng thanh toán bằng công nghệ QR code trên dịch vụ thanh toán di động Zalo Pay tại Triển lãm ICT Comm Vietnam.

Thanh toán điện tử Việt Nam đang sơ khai

Chỉ mất chưa đến 5 giây chọn đồ uống, quẹt thẻ, ấn nút từ chiếc máy bán hàng tự động là khách đã có ngay một món đồ uống mát lạnh. Chiếc máy bán hàng tự động ứng dụng thanh toán bằng công nghệ QR code được tích hợp trên dịch vụ thanh toán di động Zalo Pay đã thu hút hàng ngàn khách tham quan tại Triển lãm ICT Comm Vietnam thích thú dùng thử.

Cũng ngay tầng trệt toà nhà The Flemington Tower (182 Lê Đại Hành, Phường 15, Quận 11, TPHCM) nơi VNG “cha đẻ” của 2 ứng dụng Fintech Zalo Pay và 123Pay đặt trụ sở, những chiếc máy thanh toán công nghệ QR code Zalo Pay cũng được đông đảo người dùng trẻ thích thú sử dụng.

Nhưng, những chiếc máy bằng công nghệ mới QR code như thế này tại TP.HCM nói chung và Việt Nam nói riêng chưa nhiều trong khi ngàn ngàn cột thẻ ATM vẫn mọc nhan nhản khắp các con phố tại Việt Nam.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, người dân đi chợ mua rau và thanh toán bằng điện thoại, thông qua ví điện tử Paytm hay như ở Thụy Điển, người vô gia cư đi bán báo giờ đây đã có thể nhận tiền bằng cách quét thẻ tín dụng, hoặc nhận tin nhắn SMS. Thậm chí ở Trung Quốc, nhiều người ăn xin nhận tiền bằng mã QP Code và nước láng giềng Campuchia thì người dân có thể đóng thuế cho nhà nước thông qua hơn 5.000 đại lý của dịch vụ fintech Wing. Theo Tập đoàn Tư vấn quản trị Boston Consulting Group (BCG), gần 53 tỉ USD đã được dành cho các công ty Fintech và hiện có khoảng hơn 3.500 công ty Fintech trên thế giới.

Thị trường Fintech Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một vùng đất vô cùng tiềm năng. Theo Công ty TNHH Zion (đơn vị Trung gian thanh toán với sản phẩm là cổng thanh toán 123Pay và Ví điện tử Zalo Pay), hiện Việt Nam đang có tới 40 triệu Smartphone, con số này sẽ tăng lên 60 triệu vào năm 2018, hơn 500.000 tài khoản kinh doanh trên facebook chưa được đáp ứng nhu cầu thanh toán nhưng hiện tại mới chỉ có dưới 5% người dùng Mobile sử dụng các ứng dụng của ngân hàng.

 Zion cũng cho biết, có tới 50 triệu thẻ ATM được sử dụng tại Việt Nam, trong đó có 8 triệu thẻ Visa quốc tế (nhưng có tới 95% dùng để rút tiền mặt mà chỉ có 5% sử dụng thẻ POS), tỷ lệ sử dụng tiền mặt thanh toán tại Việt Nam lên đến 90%...

Hiện ngoài VNG vừa mới “tham chiến” thị trường này, các Tập đoàn Công nghệ, Startup khác của Việt Nam cũng đã gia nhập thị trường một cách mạnh mẽ như: VNPT phát triển ví điện tử Momo và VNPT EPay, VTC có VTC Pay, Viettel có BankPlus, Payoo do VietUnionvà NTT Data (Nhật Bản) thực hiện, AliPay của Alibaba…tạo nên một “làn sóng” sôi động chia sẻ “miếng bánh ngọt” trong thanh toán điện tử.

 Mảnh đất màu mỡ cho Finetech phát triển!

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hòa Bình, nhà sáng lập, Chủ tịch NextTech Group of Technopreneurs (nhà phát triển nhiều ứng dụng thanh toán như Nganluong.vn, mPOS.vn, Vimo.vn…) cho rằng vẫn còn một bộ phận lớn khách hàng, có thể chiếm tới 70-80% dân tại các quốc gia mới phát triển như Việt Nam đang nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp hợp tác Fintech lấp chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này.

Fintech Việt đang nhắm “miếng bánh” 35 tỷ USD! ảnh 1

 Thanh toán bằng công nghệ QR code  trên dịch vụ thanh toán di động Zalo Pay.

Bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc Zion nhận định, thị trường Fintech  Việt Nam còn mới nên rất giàu tiềm năng. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người dân dùng thanh toán điện tử vẫn còn rất thấp do nhiều nguyên nhân như thói quen sử dụng tiền mặt; người dân chưa thực sự tin tưởng vào tính bảo mật, an toàn của các giao dịch điện tử; việc đăng ký các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chưa tiện lợi; phân mảnh nhiều khái niệm gây nhầm lẫn cho người sử dụng và các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử vẫn còn duy trì hình thức thanh toán COD…

“Hiện tỷ lệ người dân dùng thanh toán điện tử vẫn còn rất thấp, nhưng tôi tin tưởng rằng, khi khách hàng sử dụng như một thói quen thanh toán thì các dịch vụ thanh toán điện tử sẽ phát triển rất nhanh”, bà Thanh chia sẻ.

Theo các báo cáo của Liên hiệp Quốc và Banknet, thị trường Việt Nam có tới 35 tỷ USD với những khoản chuyển tiền nhỏ hơn 5 triệu đồng/năm, và đây thực sự là mảnh đất màu mỡ của Finetech. Đó chính là lý do khiến Cổng thanh toán 123Pay được hơn 200 đơn vị chấp nhận thanh toán với lĩnh vực kinh doanh đa dạng như Bán lẻ (Lazada,Thế giới di động, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim…; Dulịch (Vietravel, BenThanh Tourist,...), Giải trí (Galaxy Cinema, BHD, 123Phim...)…chọn làm đối tác.

Và doanh thu qua cổng thanh toán 123Pay trong năm 2015, trước lúc nhận giấy cung cấp các dịch vụ thanh toán trung gian, thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ ví điện tử, mới chỉ đạt 850 tỷ đồng thì đến năm 2016 tăng trưởng 60% so với năm 2015 và đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Còn Zalo Pay, sau cuộc trình diễn ấn tượng tại Triển lãm quốc tế ICT Comm Vietnam 2017 và thử nghiệm thành công tại TP.HCM đã nhận được nhiều lời mời hợp tác từ nhiều đối tác kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi nhà hàng, bãi xe, trạm thu phí giao thông, bệnh viện, trường họ… quan tâm đề nghị triển khai rộng rãi công nghệ này.

Dự kiến trong năm nay sẽ triển khai TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Zalo Pay, với việc tích hợp với cộng đồng 70 triệu người dùng của ứng dụng chat Zalo và nhắm tới tệp khách hàng 20 triệu người sử dụng dịch vụ nội dung số sẽ thực sự là một đối thủ đáng gườm của 30 công ty Fintech ở Việt Nam, 2/3 trong số đó cung cấp các dịch vụ thanh toán di động.

VNG cũng cho biết, đang tập trung phát triển sản phẩm Zalo Pay và đặt ra mục tiêu là sau 5 năm nữa Zalo Pay hoàn toàn có thể thay thế được tiền mặt trong mọi giao dịch tại các thành phố lớn ở Việt Nam.

Finetech được tạo điều kiện phát triển

Hiện Fintech tại Việt Nam đang được tạo điều kiện để phát triển. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính của NHNN để tham mưu, đề xuất với Thống đốc các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.

Trước đó, trên cơ sở nắm bắt xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt NHNN cũng đã tham mưu và được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020”.

Trong đó, Đề án tập trung chú trọng phát triển thanh toán điện tử và đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Những động thái trên cho thấy, hoạt động trung gian thanh toán (cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ-chi hộ, hỗ trợ chuyển tiền điện tử, ví điện tử) đang được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển và rất có thể thời gian tới, các đại gia công nghệ sẽ cho ra đời hàng loạt sản phẩm finetech để cạnh tranh trong thị trường 35 tỷ USD.

Một khảo sát do PwC (Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers) thực hiện trong năm 2016 cho thấy, 83% doanh nghiệp tài chính truyền thống cho rằng một phần hoạt động kinh doanh có nguy cơ rơi vào tay Fintech đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng. Các công ty chuyển tiền và thanh toán trong 5 năm tới có thể mất 28% thị phần vào Fintech; các ngân hàng mất 24%; tỷ lệ này là 22% trong lĩnh vực quản lý tài sản và 21% trong lĩnh vực bảo hiểm nếu không có sự thay đổi để bắt kịp xu thế cạnh tranh. 


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục