Ngành tài chính - ngân hàng đã và đang có những chuyển hóa lớn, với sự ra đời của các sản phẩm dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ. Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là sự hình thành và phát triển nhanh chóng của các công ty công nghệ tài chính (Fintech).
Sự xuất hiện của các Fintech đang tạo ra các thách thức đối với các mô hình tài chính truyền thống.
Theo khảo sát của PwC năm 2017, khoảng 83% các tổ chức tín dụng truyền thống cho rằng, một số mảng kinh doanh có nguy cơ rơi vào tay các Fintech này.
Tại châu Âu, khoảng 30% doanh thu mới được tạo ra trong ngành ngân hàng đang chảy vào túi các công ty Fintech. Trong vòng 10 năm tới, 10 - 40% doanh thu và 20 - 60% lợi nhuận của ngân hàng bán lẻ đang bị đe dọa bởi sự nổi lên của các công ty Fintech.
Công nghệ tài chính đã và đang thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính ngân hàng.
Trong đó, các Fintech hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực thanh toán và lưu ký bảo lãnh, chiếm gần 41% tổng số công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính. 27% các công ty Fintech đang cung cấp các công cụ bổ trợ dịch vụ tài chính.
Bên cạnh đó, các công ty Fintech còn cung cấp dịch vụ cho vay, tiền gửi và huy động vốn (18%), dịch vụ quản lý đầu tư (9%) và các dịch vụ khác (5%).
Hầu hết các Fintech đều đang cần một lượng lớn vốn nhằm tạo tiền đề để phát triển nhanh chóng, chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời, lĩnh vực tài chính ngân hàng tạo ra nhiều sức hút hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư.
Trong đó, thị trường năng động và linh hoạt như Hoa Kỳ vẫn là nơi thu hút nguồn vốn đầu tư nhiều nhất, với 59,8 tỷ USD thông qua 1.144 thương vụ đầu tư trong năm 2019.
Kế tiếp là thị trường châu Âu, với 58,1 tỷ USD thông qua 753 thương vụ. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thu hút được 12,9 tỷ USD thông qua 547 thương vụ vào năm 2019; trong đó, 3 quốc gia đứng đầu trong khu vực này là Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc, theo số liệu của KPMG.
Kết quả khảo sát của Roland Berger đối với 248 Fintech tại châu Âu cho thấy, các ngân hàng và công ty bảo hiểm chưa đủ khả năng để số hóa hoàn toàn mô hình kinh doanh của họ.
Trong khi đó, việc mua lại các Fintech được xem là một phương án phù hợp dành cho các ngân hàng truyền thống trong bối cảnh hiện nay. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm truyền thống dự kiến sẽ tự xây dựng một số sản phẩm dịch vụ tài chính đã được cung cấp bởi các Fintech.
Tại Việt Nam, một số ví dụ điển hình cho việc tự xây dựng các sản phẩm công nghệ tài chính của ngân hàng, như Vietcombank đã khởi động dự án chuyển đổi ngân hàng số, cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử; Techcombank xây dựng ngân hàng điện tử F@st Ebank;
VietA Bank sử dụng trí tuệ nhân tạo ra mắt Smart Branch và ChatBot để rút ngắn thời gian cần thiết để phục vụ khách hàng; hay TPBank phát triển máy tự động LiveBank, hoạt động như một giao dịch viên trực tuyến cho phép khách hàng sử dụng các dịch vụ thường xuyên của Ngân hàng.
Với mạng lưới khách hàng sẵn có và nguồn lực tài chính dồi dào, hệ thống ngân hàng truyền thống là một đối thủ mạnh đối với các Fintech.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn (Bigtech) mới thực sự là mối đe dọa lớn nhất đối với các Fintech.
Các Bigtech này, với nền tảng công nghệ vững mạnh, nguồn lực tài chính, nhân lực dồi dào, và cơ sở dữ liệu lớn, việc tiếp cận thị hiếu nhu cầu của khách hàng trong lĩnh vực tài chính là điều cực kỳ dễ dàng đối với họ.
Một số Bigtech cũng đã tiến hàng thâm nhập thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực thanh toán, tín dụng và bảo hiểm.
Trong đó, sự có mặt của các công ty tên tuổi như: Apple, Alibaba/Alipay, Amazon, Baidu, eBay/PayPal, Facebook, Grab, GO-Jek, Google, Kakao, Line, Microsoft, NTT Docomo Tencent, Samsung.
Ngoài ra, các Fintech còn tự cạnh tranh lẫn nhau trong cuộc đua phát triển thần tốc nhằm mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.
Việt Nam hiện có khoảng 154 công ty Fintech đang hoạt động, tuy nhiên, hầu hết các lĩnh vực công nghệ tài chính đều bị thống lĩnh bởi một vài công ty đầu ngành với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và nguồn lực tài chính dồi dào, như Momo, Moca (trong lĩnh vực thanh toán); LoanVi, Tima và Trust Circle (trong lĩnh vực cho vay ngang hàng; VDX, TomoChain (trong chuỗi khối, tiền điện tử); TheBank, ebaohiem (nền tảng so sánh); Papaya, Inso, Wicare (bảo hiểm); bePOS (POS); TrustingSocial (tín dụng)...
Đặc biệt, Fintech nổi trội nhất Tima sở hữu 11.000 người vay; 1 triệu khách hàng với 1,6 triệu hồ sơ vay trực tuyến và kết nối thành công 24.000 tỷ đồng.
Đây là một trong những khó khăn rất lớn của các Fintech đã và sắp thâm nhập thị trường, khi nguồn lực tài chính cũng như năng lực công nghệ vẫn còn hạn chế.
Các Fintech đang phải đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh lớn mạnh. Để có chỗ đứng trên thị trường công nghệ tài chính, các Fintech cần nỗ lực tạo nên sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng nhằm thống lĩnh thị trường một cách nhanh nhất có thể.
Muốn làm được điều này, các Fintech cần có sự đầu tư về ý tưởng, nền tảng công nghệ vững mạnh cùng với lượng vốn hoạt động đủ lớn.
Tuy nhiên, xét về các yếu tố về mạng lưới khách hàng, chi phí hoạt động, phương thức hợp tác cùng phát triển cùng với các ngân hàng vẫn là lựa chọn hàng đầu của các Fintech, bởi khi đó có thể tận dụng được lợi thế của đôi bên.
Xu hướng phát triển của Fintech năm 2020
Forbes đã đưa ra 14 xu hướng công nghệ tài chính năm 2020 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
1. Công nghệ điều tiết (Regtech): Ngành dịch vụ tài chính chịu sự chi phối nghiêm ngặt và chặt chẽ từ các quy định của các cơ quan chức năng. Hiện vẫn còn nhiều hoạt động tài chính tuân thủ theo quy định vẫn được triển khai thủ công và dưới sự giám sát của con người. Phát triển công nghệ điều tiết sẽ hợp lý hóa các quy trình và giảm chi phí hoạt động.
2. Phát triển của tài chính phi tập trung: giải pháp tài chính được cung cấp bởi các công ty công nghệ nhằm giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nguồn lực cho mô hình hoạt động của ngành tài chính ngân hàng truyền thống. Một số giải pháp điển hình như: ACH, SWIFT, blockchain.
3. Phát hành các loại tiền điện tử được chấp nhận bởi các định chế tài chính: cùng với yêu cầu cao, phức tạp của các tổ chức tài chính hiện đại, tiền điện tử ngày càng được chấp nhận bởi các nhà đầu tư.
4. Chuyển đổi từ tiền điện tử sang tiền mặt: Với sự quan tâm ngày càng tăng về tiền điện tử và quản lý blockchain, công nghệ sẽ xuất hiện và cải thiện chuyển đổi từ tiền điện tử sang tiền mặt và tiền điện tử sang ví điện tử.
5. Dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm: Một xu hướng Fintech lớn sẽ là các hãng bảo hiểm nhân thọ lớn được xếp hạng của hạng A. Xu hướng bảo hiểm nhân thọ mới là sử dụng công nghệ để đơn giản hóa việc viết và bảo lãnh chính sách bảo hiểm nhân thọ mới. Một vài công ty khởi nghiệp Fintech đã thực hiện thành công khoản bảo hiểm có thời hạn lên tới 1 triệu USD mà không có kiểm tra y tế. Họ kiểm tra lịch sử kê đơn của bạn so với bảng câu hỏi y tế của bạn để thực hiện phê duyệt.
6. Phát hành tài khoản tiền mặt với lãi suất cao: Có một làn sóng các công ty Fintech như Ally và Wealthfront đang cung cấp các tài khoản tiền mặt với lãi suất 2%.
7. Gia tăng hợp tác phát triển và liên doanh: Sự hợp tác liên doanh cùng phát triển sẽ xuất hiện trong nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp, giúp giảm thiểu sự thiếu hiệu quả và tốn kém chi phí.
8. Cộng tác giữa các Fintech với nhau: Một xu hướng cần theo dõi trong năm 2020 là sự hợp tác nhiều hơn giữa các Fintech với nhau. Các công ty nhỏ hơn đang nhận ra sức mạnh của việc tham gia cùng nhau thông qua việc mở rộng mạng lưới khách hàng.
9. Hợp nhất và mua lại: Khi các Fintech trưởng thành và mở rộng, các công ty đầu ngành sẽ mua lại các công ty công nghệ chủ chốt này, giúp họ đơn giản hóa dây chuyền sản xuất và cắt giảm chi phí.
10. Các công ty không phải Fintech cũng tham gia vào thị trường: Các công ty phi Fintech lớn đang tham gia vào thị trường để phát triển cơ sở khách hàng của họ. Những công ty lớn đã tham gia vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng đang mở rộng sang các lĩnh vực khác của ngành.
11. Củng cố sức khỏe tài chính để chiến thắng: Một số Fintech đang xem sức khỏe tài chính là yếu tố hàng đầu cho sự phát triển. Các nhà đầu tư trong thời gian tới hướng đến các dịch vụ toàn diện, xây dựng mối quan hệ tin cậy, lâu dài và đa hướng với khách hàng, nhằm tạo nên sự thành công lâu dài và đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vì thế, các Fintech cần có một nguồn lực tài chính mạnh nhằm hỗ trợ cho mục tiêu trên.
12. Sử dụng công nghệ tài chính cho việc bảo vệ khách hàng: Công nghệ tài chính đang bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người già hoặc thanh thiếu niên.
13. Hợp nhất và đơn giản hóa các sản phẩm công nghệ tài chính: Sự hợp nhất và đơn giản hóa các sản phẩm Fintech là một xu hướng đang phát triển.
14. Tự động hóa quy trình bằng Robot: Tự động hóa quá trình robot (RPA) là công cụ hữu ích nhất hiện có. RPA có thể ghi nhận hồ sơ và giao dịch, thực hiện tính toán và các nhiệm vụ bao gồm các truy vấn. Ngay cả trong trường hợp RPA chỉ có thể tự động hóa một số quy trình, nó cũng sẽ giải phóng thời gian và cho phép nhân viên tập trung vào việc hỗ trợ cung cấp giá trị cao hơn cho khách hàng.