Fed và ECB đã có cách tiếp cận khác nhau về chính sách tiền tệ trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong năm 2025, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có những cách tiếp cận đối với chính sách tiền tệ hoàn toàn khác nhau.
Fed và ECB đã có cách tiếp cận khác nhau về chính sách tiền tệ trong năm nay

Trong khi ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất, thì Fed vẫn giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách gần đây nhất. Cách tiếp cận đã trở nên rõ nét hơn khi ECB tiếp tục hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách tuần này, là mức giảm lãi suất lần thứ bảy kể từ tháng 6/2024.

Ngược lại, Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây đã đưa ra bình luận công khai với quan điểm cho rằng Fed sẽ không vội vàng cắt giảm lãi suất. Fed đã cắt giảm lãi suất xuống 1 điểm phần trăm so với mức đỉnh điểm vào năm ngoái và giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 12/2024, trong khi ECB đã hạ lãi suất xuống 1,75 điểm phần trăm.

"Chính quyền Tổng thống Trump đang thực hiện những thay đổi chính sách quan trọng và vấn đề thương mại hiện là trọng tâm. Những tác động của chúng có khả năng khiến chúng ta rời xa mục tiêu của mình…Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ xem xét nền kinh tế cách xa từng mục tiêu đến mức nào và các mốc thời gian khác nhau có thể dự kiến ​​sẽ thu hẹp khoảng cách tương ứng đó", ông Powell cho biết trong bài phát biểu tại một sự kiện do Câu lạc bộ Kinh tế Chicago tổ chức trong tuần này.

Ông Powell cũng cho biết, Fed "đang ở vị thế tốt để chờ đợi sự rõ ràng hơn trước khi xem xét bất kỳ điều chỉnh nào đối với lập trường chính sách của chúng tôi".

Những phát biểu của ông Powell đã gây ra phản ứng từ Tổng thống Trump, khi ông chủ Nhà Trắng liên tục cho rằng, ông Powell đã hành động quá chậm để cắt giảm lãi suất, chậm lại so với châu Âu trong việc hạ chi phí đi vay và thúc đẩy nền kinh tế.

Hôm thứ Sáu (18/4), cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết rằng, Tổng thống Trump đang đánh giá liệu họ có thể sa thải Chủ tịch Fed hay không. Ông Powell đã từng nói rằng ông không thể bị sa thải theo luật và có ý định sẽ phục vụ cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 5/2026.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết, sự khác biệt quan điểm này chủ yếu là do chính các chính sách của Tổng thống Trump, đặc biệt là chương trình áp thuế rộng khắp và khó lường của ông đối với các đối tác thương mại. Trong những năm trước khi áp dụng thuế quan, Fed và ECB phần lớn hành động đồng thời, phản ứng với những diễn biến kinh tế tương tự.

Các nhà phân tích dự đoán rằng thuế quan sẽ đẩy chi phí sinh hoạt lên cao, khiến các quan chức Fed không muốn cắt giảm lãi suất vì sợ lạm phát có thể bùng phát trở lại. Trong khi đó, các quan chức ECB lại lo ngại hơn về sự suy thoái kinh tế, đặc biệt là vì thuế quan có thể gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu sang Mỹ.

"Mọi ngân hàng trung ương đều đang phải giải quyết những phức tạp phát sinh từ cuộc chiến thương mại… Phản ứng trước sự bất ổn về thuế quan khác nhau tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của nền kinh tế đối với thương mại Mỹ và điểm khởi đầu tương ứng cho tăng trưởng và lạm phát", Douglas Porter, nhà kinh tế trưởng tại BMO Capital Markets cho biết.

Ernie Tedeschi, Giám đốc kinh tế tại Phòng thí nghiệm Ngân sách tại Yale đã nhấn mạnh những khác biệt cụ thể giữa Fed và ECB. "Châu Âu không tăng thuế quan lên mức của thời kỳ hoàng kim, vì vậy họ không phải đối mặt với áp lực giá như Fed", ông cho biết.

Khi chính quyền Tổng thống Trump tăng cường chỉ trích Chủ tịch Fed, một số nghị sĩ Đảng Dân chủ đã chuyển sang vị thế thận trọng. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã cảnh báo rằng việc một tổng thống sa thải Chủ tịch Fed sẽ là thảm họa đối với thị trường tài chính Mỹ.

"Hãy hiểu điều này: Nếu Chủ tịch Powell có thể bị Tổng thống Mỹ sa thải, điều đó sẽ làm sụp đổ thị trường tại Mỹ”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục