Fed tăng lãi suất 0,25% sẽ không ảnh hưởng nhiều tới chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô Công ty cổ phần Chứng khoán HSC tại hội thảo trực tuyến ngày 24/2. 
Fed tăng lãi suất 0,25% sẽ không ảnh hưởng nhiều tới chứng khoán Việt Nam

Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ

Ông Long phân tích, Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) đang thắt chặt gói mua tài sản hàng tháng và kết thúc vào tháng 3. Bên cạnh đó, gói mua vào khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) QE của ECB từ năm 2014 cũng kết thúc vào cuối năm 2022.

Điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực EU đang phục hồi từ mức âm 6,4% năm 2020 lên tăng trưởng 2,5% vào năm ngoái. Đi cùng đó, lạm phát tại khu vực châu Âu cũng đã tăng lên rất cao là 5,1% vào tháng 1 năm nay.

Trong bối cảnh đó, ECB dự kiến có khả năng sau khi kết thúc mua tài sản sẽ tăng lãi suất dần, cụ thể từ âm 0,5% lên mức 0%. Tiếp theo là xu hướng tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến kết thúc chương trình QE từ tháng 6/2020 vào tháng 3 năm nay. Gói mua tài sản hàng tháng thắt chặt từ 120 tỷ USD xuống 0 vào tháng 3. Bảng cân đối tài sản của Fed từ 9.000 tỷ USD sẽ thu hẹp trong 1 năm tới.

Hiện nay, thị trường dự báo Fed ngày 16/3 sẽ tăng lãi suất lên 0,5%. Năm 2022, dự báo tăng thêm 1,5 điểm phần trăm. Lần gần đây nhất Fed tăng lãi suất là vào 2014, trong thời gian 3,5 năm Fed tăng có 2 điểm phần trăm. Điều đó hàm ý, việc tăng lãi suất lần này rất nhanh. Lý do là nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng từ -3,4% lên 5,7% năm 2021 và tăng trưởng trên mức trung bình trong 2022. Lạm phát đạt mức kỷ lục như hiện nay. Đây là bức tranh xu hướng thắt chặt tiền tệ tại châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, nhìn sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc thì thấy, tăng trưởng GDP năm 2021 là 8,4% và năm nay dự kiến là 5%. Giai đoạn đến 2025 dự báo là 5,7%. Tuy nhiên, lạm phát ở Trung Quốc khác EU và Mỹ, lại đang duy trì ở mức thấp. Lạm phát cơ bản và lạm phát tổng thể đều ở mức trên dưới 1%.

Bên cạnh đó, lạm phát giá sản xuất có xu hướng giảm. Điều này giúp cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có dư địa cắt giảm lãi suất, bơm thanh khoản để nền kinh tế phục hồi trước tác động của chính sách zero covid và giúp bất động sản nước này tránh hạ cánh cứng.

Ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam

Về tác động của việc hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ và châu Âu tăng lãi suất tới thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Long nhận định, động thái của Việt Nam là dịch chuyển từ hỗ trợ tiền tệ sang hỗ trợ tài khóa. Năm 2020, Việt Nam cắt lãi suất 3 lần. Tăng trưởng tín dụng 14% khi GDP thấp thể hiện cam kết hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ.

Năm 2022, khi nhìn vào gói chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thấy vắng bóng phần chính sách tiền tệ mà tập trung vào gói tài khóa. Điều này giúp Ngân hàng Nhà nước tập trung vào mối lo ngại trước mắt, một rủi ro hàng đầu là lạm phát.

“Dự báo của chúng tôi là lạm phát khoảng 3,2%, tăng từ mức 1,8% của năm ngoái. Lạm phát tăng là do lo ngại giá năng lượng thế giới, sự phục hồi của cầu tiêu dùng trong nước. Mức tiết kiệm của người dân Việt Nam là 25% trung bình trước đại dịch. Sau đại dịch tăng lên 30% do bất ổn của thị trường lao động, giảm tiêu dùng. Nếu nền kinh tế Việt Nam phục hồi 6,8% thì áp lực cầu tiêu dùng sẽ ảnh hưởng lớn đến lạm phát. Và yếu tố nữa là chi phí giáo dục tăng do thực hiện lộ trình tăng học phí”, ông Long nói.

Ông Long cũng lưu ý, kịch bản cơ sở lạm phát là 3,1 - 3,2%, nhưng rủi ro tăng lên vì chưa tính đến giá dầu trung bình trên 100 USD/thùng, dù vậy vẫn sẽ duy trì dưới 4%, là mức mà Ngân hàng Nhà nước có dư địa thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, như tại Trung Quốc, sẽ hỗ trợ cho thị trường tài chính Việt Nam.

Việc tăng lãi suất ở các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ không có mối tương quan ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường chứng khoán Việt Nam, khi nhìn vào lịch sử năm 2014, là thời điểm Mỹ tăng lãi suất thì thống kê cho thấy, khối ngoại vẫn mua ròng. Mặt khác, 2 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, thị trường vẫn tăng mạnh.

Mức độ tác động của các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm khá nhiều so với trước đại dịch, do khối này chiếm tỷ lệ 14% giảm còn 6% giá trị giao dịch hiện nay.

Nếu Fed tăng lãi suất, thị trường có biến động, nhưng tác động này không bằng ảnh hưởng của triển vọng vĩ mô của Việt Nam là tích cực trong dài hạn. Dù vậy ngắn hạn, nếu việc tăng lãi suất khác kỳ vọng của thị trường, thì biến động rất lớn. Giả sử Fed tăng 50 điểm lãi suất cơ bản thì là cú sốc với thị trường.

Theo ông Long, trong kịch bản cơ sở, Fed sẽ tăng 1,5% từ mức 0,25% lên 1,5 - 1,75%/năm cuối năm 2022 và lên tăng 2,25 - 2,75%/năm cuối năm 2023. Việc tăng ít hơn hay nhiều hơn phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ phục hồi như thế nào và tốc độ lạm phát được kiểm soát ra sao trước giá năng lượng và hàng hóa cơ bản gia tăng, cũng như bất ổn địa chính trị diễn ra.

Tác động của việc tăng lãi suất đối với Ngân hàng Trung ương phụ thuộc nền tảng kinh tế, cán cân thương mại với đối tác thương mại chính là Mỹ và EU, hai đối tác tăng lãi suất trong năm nay.

Việt Nam duy trì thặng dư thương mại lớn với Mỹ và châu Âu, và việc nửa cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính Mỹ đạt được thỏa thuận liên quan đến định giá đồng tiền Việt Nam ảnh hưởng đến thặng dự thương mại ngày càng gia tăng là lý do để nhận định việc tăng lãi suất của Mỹ cũng ảnh hưởng, nhưng không đáng kể lên đồng VND trong năm 2022. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn có dư địa để duy trì chính sách lãi suất mục tiêu như hiện nay.

“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước chưa có đợt tăng lãi suất nào trong năm nay khi kiểm soát được lạm phát”, ông Long nhấn mạnh, nhưng cho rằng, nếu nhìn tác động trực tiếp đến kinh tế thì năm nay Việt Nam khó đạt tăng trưởng xuất khẩu thần kỳ 19% như năm trước mà ở mức xấp xỉ 14%.

Với thị trường chứng khoán, xu hướng tăng lãi suất sẽ lan dần từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển như Trung Quốc và các nước châu Á, nhưng diễn ra chậm hơn vì tốc độ lạm phát chậm hơn.

Xu hướng này mạnh dần từ quý III năm nay. Đồng nghĩa “tiền từ mức rẻ sang mức khá rẻ”. Lãi suất huy động trên thị trường có tăng lên, nhưng tăng trưởng tín dụng tăng lên khá nhiều. Nó sẽ có tác động nhất định đến thị trường chứng khoán, nhưng vẫn ít hơn so với tác động của tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

"Về cơ bản, nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn ở trong một chu kỳ tăng trưởng dài hạn", ông Long nhận định.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục