Tại buổi hội thảo trực tuyến Chính sách tiền tệ mở rộng và cơ hội cho ngành ngân hàng do Công ty Chứng khoán HSC tổ chức ngày 24/2, rất nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về tác động của khủng hoảng địa chính, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Bà Bùi Hoàng Minh, Chuyên gia Phân tích cao cấp khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán HSC nhận định, nhìn lại lịch sử căng thẳng địa chính trị thường có tác động trong ngắn hạn đến thị trường chứng khoán.
Về tác động trực tiếp, theo bà Minh hiện tại giá năng lượng tăng cao tạo áp lực chi phí tăng nên lạm phát ở các nước phát triển đã tăng cao.
Tuy nhiên, giá năng lượng tăng cao thì đã được dự đoán. Nếu như giá năng lượng tiếp tục ở mức 80-90 USD/thùng thì nhóm năng lượng, phân bón hưởng lợi và gây áp lực lên quyết định chính sách thắt chặt tiền tệ.
“Nhưng Fed có tăng lãi suất nhanh như thị trường kỳ vọng hay không, lại là câu chuyện khác. Mỗi lần thị trường điều chỉnh chúng ta vẫn nói với nhau rằng là cơ hội cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường”, bà Minh phân tích.
Khi chu kỳ lãi suất tăng, cầu tín dụng tăng theo thì nhóm ngành ngân hàng được hưởng lợi. Lạm phát tăng cao nhưng hồi phục kinh tế toàn cầu dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng thì doanh nghiệp có khả năng chuyển chi phí cho khách hàng cũng được hưởng lợi.
Căng thẳng địa chính trị sẽ là vấn đề nóng kéo dài trong quý 1 và quý 2, nhưng khi đầu tư cần nhìn một thị trường trong nền kinh tế tăng trưởng vững chắc trong 2 đến 3 năm, từ đó nhìn nhận ngành được hưởng lợi như nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu dầu mỏ, cầu tiêu dùng tăng thì nhóm ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng. Khi căng thẳng địa chính trị qua đi thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn cao và trong chu kỳ tăng dài hạn sẽ điều hấp dẫn nhà đầu tư.
Về ảnh hưởng trực tiếp, ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô Công ty Chứng khoán HSC phân tích, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Ukraina chỉ chiếm trên dưới 1% tổng kim ngạch của Việt Nam nên bất ổn căng thẳng Nga – Ukaine diễn ra đến đâu đều không có tác động đáng kể nào nào đến bức tranh thương mại của Việt Nam đang tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu lượng khá lớn than dầu mỏ từ Nga. Điều này dẫn đến ảnh hưởng ngắn hạn do thiếu nguồn cung, làm tăng chi phí đẩy, áp lực làm lạm phát tăng cao bất thường ở một số thời điểm. Đây là rủi ro chính trực tiếp lên nền kinh tế Việt Nam từ chiến tranh Nga – Ukraine.