Fed phát tín hiệu giảm lãi suất, đồng USD rớt giá thấp nhất 5 tuần

0:00 / 0:00
0:00
Đồng đô-la Mỹ hôm 16/7 dao động quanh mức thấp nhất trong 5 tuần qua khi các bình luận từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell ủng hộ khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Chỉ số đô-la, thước đo sức mạnh đồng đô la Mỹ so với 6 đồng tiền mạnh khác, đạt mức 104,3, không xa mức thấp nhất trong một tháng là 104. Ảnh: Reuters Chỉ số đô-la, thước đo sức mạnh đồng đô la Mỹ so với 6 đồng tiền mạnh khác, đạt mức 104,3, không xa mức thấp nhất trong một tháng là 104. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại một sự kiện của Câu lạc bộ Kinh tế Washington hôm 15/7, Chủ tịch Fed cho biết ba chỉ số lạm phát của Mỹ trong quý II năm nay đã "củng cố thêm phần nào niềm tin" rằng tốc độ tăng giá đang quay trở lại mục tiêu của Fed một cách bền vững, tức mục tiêu lạm phát 2%.

"Chúng tôi có ba chỉ số tốt hơn và nếu bạn tính trung bình chúng thì đó là một vị trí khá tốt", ông Powell nhận xét.

Các bình luận trên có thể là những bình luận cuối cùng của Chủ tịch Fed cho đến buổi họp báo sau cuộc họp chính sách của Fed diễn ra trong hai ngày 30-31/7. Quan trọng hơn, những bình luận đó của Chủ tịch Fed đã làm thay đổi kỳ vọng cắt giảm lãi suất.

Dữ liệu từ CME FedWatch - nền tảng theo dõi công cụ chính sách của Fed - cho thấy thị trường hiện đang kỳ vọng lãi suất sẽ được nới lỏng 68 điểm cơ bản trong năm nay, với đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đã được định giá đầy đủ.

Đồng euro thấp hơn một chút so với đồng đô la Mỹ ở mức 1 EUR đổi 1,0893 USD, trong khi đồng bảng Anh đạt mức 1 GPB "ăn" 1,2967 USD. Chỉ số đô-la, thước đo sức mạnh đồng đô-la Mỹ so với 6 đồng tiền mạnh khác, đạt mức 104,3, không xa mức thấp nhất trong một tháng là 104 mà chỉ số ghi nhận hôm 15/7.

Bà Charu Chanana, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Saxo (Đan Mạch) cho biết: "Bất chấp xu hướng ôn hòa, ông Powell vẫn giữ quan điểm phụ thuộc vào dữ liệu, điều này được đảm bảo sau khi Fed nỗ lực đối phó với lạm phát tăng cao trở lại trong quý I sau khi chuyển hướng ôn hòa vào cuối năm 2023".

"Thị trường có thể cần phải đợi lâu hơn để xác nhận triển vọng cắt giảm lãi suất vào tháng 9, đồng thời dữ liệu tăng trưởng và lao động sẽ được chú ý, chẳng hạn như doanh số bán lẻ công bố ngày hôm nay", bà Chanana nói thêm.

Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 6 dự kiến được công bố vào cuối ngày hôm nay 16/7. Doanh số này được dự đoán giảm 0,3% so với tháng trước đó.

Đồng đô-la Australia hôm nay trượt giá 0,16% xuống còn 1 AUD đổi 0,6749 USD, bỏ xa mức cao nhất trong 6 tháng mà nó đạt được tuần trước. Tương tự, đồng đô-la New Zealand cũng giảm 0,17% xuống còn 1 NZD đổi 0,6064 USD, chạm mức thấp nhất trong hai tuần.

Đồng yên cũng trượt giá trong đầu phiên giao dịch 16/7 sau khi chạm mức cao nhất trong 1 tháng so với đồng đô la Mỹ với mức quy đổi 1 USD "ăn" 157,165 JPY vào ngày 15/7. Theo tỷ giá cập nhật mới nhất, đồng yên được giao dịch ở mức 1 USD đổi 158,54 JPY trong bối cảnh các nhà giao dịch cảnh giác với sự can thiệp tiền tệ sâu hơn từ chính quyền Nhật Bản.

Tuần trước, các nhà giao dịch nghi ngờ Tokyo đã một lần nữa can thiệp vào thị trường nhằm nâng giá đồng yên sau thông tin lạm phát tháng 6 của Mỹ thấp hơn dự đoán. Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy các nhà chức trách có thể đã chi tới 3,57 nghìn tỷ yên để hỗ trợ đồng yên đang yếu giá.

Các nhà giao dịch đang theo sát các dữ liệu liên quan đến thị trường tiền tệ để đánh giá xem liệu Tokyo có can thiệp tiền tệ vào thứ Sáu tuần trước hay không.

Trên thị trường tiền ảo, bitcoin đã tăng 1% và giao dịch gần mốc 65.000 USD, gần mức cao nhất trong một tháng. Tương tự, đồng ether cũng tăng giá hơn 1% lên 3.466 USD, mức cao nhất trong hai tuần.

Tiền ảo đã tăng vọt vào ngày 15/7 sau khi cựu Tổng thống Donald Trump bị ám sát hụt khi đang vận động tranh cử ở bang Pennsylvania vào ngày 13/7. Vụ ám sát hụt ông Trump - ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa đã làm gia tăng kỳ vọng ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục