Kết quả kinh doanh khả quan của Boeing và Apple công bố vào thứ Ba giúp phố Wall có sắc xanh ngay khi bước vào phiên giao dịch thứ Tư. Đà tăng sau đó nới rộng hơn vào cuối phiên khi Fed công bố thông tin sau cuộc họp kéo dài 2 ngày.
Theo đó, cơ quan hoạch định chính sách cho biết, sẽ “kiên nhẫn” với việc tăng lãi suất tiếp theo trong năm nay. Ngôn từ được giới đầu tư cho rằng, Fed sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất và đúng như thông điệp đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Do đó, nhà đầu tư đã hồ hởi xuống tiền, kéo các chỉ số phố Wall tăng vọt.
Kết thúc phiên 30/1, chỉ số Dow Jones tăng 434,9 điểm (+1,77%), lên 25.014,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,05 điểm (+1,55%), lên 2.681,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 154,79 điểm (+2,20%), lên 7.183,08 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, chứng khoán Anh tăng mạnh trong phiên thứ Tư sau khi các nhà lập pháp của Anh bỏ phiếu ủng hộ Thủ tướng Theresa May tìm kiếm "các sắp xếp thay thế" cho vấn đề “đảm bảo cuối cùng” trong thỏa thuận Brexit với EU. Nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/3. Đảm bảo cuối cùng (backstop) là một chính sách "bảo hiểm" để ngăn chặn việc trở lại các trạm kiểm soát hàng hóa và người dân qua lại dọc biên giới Bắc Ireland. Ngoài ra, chứng khoán Anh tăng mạnh còn do đồng bảng yếu, hỗ trợ cho các cổ phiếu xuất khẩu.
Chứng khoán Pháp cũng tăng khá tốt trong phiên thứ Tư nhờ kết quả kinh doanh khả quan của LVMH, giúp nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ tăng theo. Trong khi đó, chứng khoán Đức lại đảo chiều giảm nhẹ do ảnh hưởng từ đà lao dốc của cổ phiếu Wirecard sau khi tờ the Financial Times có báo cáo cáo buộc công ty sai phạm tài chính.
Kết thúc phiên 30/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 107,70 điểm (+1,58%), lên 6.941,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 37,17 điểm (-0,33%), xuống 11.181,66 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 46,59 điểm (+0,95%), lên 4.974,76 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu dược sau khi Dainippon Sumitomo Pharma thất bại trong một thử nghiệm lâm sàng cho một loại thuốc mới.
Chứng khoán Trung Quốc cũng giảm điểm trong phiên thứ Tư khi những thông tin đầu tiên từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung không có nhiều tiến triển. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại tăng điểm
Kết thúc phiên 30/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 108,1 điểm (-0,52%), xuống 20.556,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,68 điểm (-0,72%), xuống 2.575,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 111,17 điểm (+0,40%), lên 27.642,85 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi lình xình trong suốt phiên châu Á và châu Âu, giá vàng đã tăng vọt vào cuối phiên Mỹ sau khi Fed cho biết “kiên nhẫn” với kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2019.
Kết thúc phiên 30/1, giá vàng giao ngay tăng 8,1 USD (+0,62%), lên 1.319,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 1 USD (+0,08%), lên 1.309,9 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh khi nhà đầu tư lo ngại khả năng nguồn cung sẽ bị gián đoạn từ Venezuela trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang tại quốc gia Nam Mỹ này, bởi Venezuela là quốc gia sản xuất dầu thô lớn trên thế giới.
Kết thúc phiên 30/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,96 USD (+1,80%), lên 54,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,46 USD (+0,75%), lên 51,66 USD/thùng.