Fed hạ lãi suất không chỉ để hỗ trợ phục hồi kinh tế Mỹ
Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 3/3 đã cắt giảm lãi suất trong động thái khẩn cấp nhằm bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới trước tác động tiêu cực từ sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Trong thông báo đưa ra, Fed cho biết đã cắt giảm lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất xuống mức mục tiêu là 1,25-1,5%/năm.
Nhận định về động thái trên, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam phân tích, Fed đã không đợi đến kỳ họp tháng 3 và quyết định cắt giảm lãi suất với mức 0,5 điểm phần trăm sau cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G7 không đưa ra một chính sách hay các biện pháp cụ thể nào ngoài việc nói rằng sẽ sử dụng các công cụ chính sách thích hợp.
“Rõ ràng, dịch Covid-19 đang diễn ra ở Mỹ đã tác động đến quyết định của Fed khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy dịch đang tác động đến những hoạt động kinh tế của Mỹ. Ví dụ, chỉ số sản xuất ISM (Viện Quản lý nguồn cung) tháng 2/2020 cho thấy tác động lên chuỗi cung ứng sản xuất, cụ thể trong lĩnh vực điện tử gia dụng. Việc cắt giảm lãi suất lần này nhằm mục tiêu ổn định giá và hỗ trợ việc làm tại đây”, ông Khoa nói.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tiền tệ một ngân hàng nước ngoài cho biết, việc Fed hạ lãi suất không nên được hiểu là để hỗ trợ phục hồi kinh tế Mỹ, vì trong những năm gần đây và cho đến hiện tại, kinh tế Mỹ đang vận hành tốt.
Fed hành động để tạo bước hỗ trợ chủ động cho các tác động tiêu cực được dự báo sẽ rất nghiêm trọng từ sự đứt đoạn chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
“Các doanh nghiệp trên toàn cầu đang cần chính phủ và ngân hàng trung ương các nước nhanh chóng đưa ra hành động cụ thể để giảm chi phí hoạt động, chăm sóc y tế và kích thích tiêu dùng an toàn trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.
Ngoài ra, các giải pháp phù hợp đang được quan tâm là sự phối hợp cấp cao giữa các quốc gia trong việc chia sẻ thông tin bệnh dịch, các phương pháp chữa trị, các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy thương mại toàn cầu như miễn giảm rào cản thuế quan...”, vị lãnh đạo này giải thích thêm.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB chia sẻ, về lý thuyết, khi một đồng tiền cắt giảm lãi suất có nghĩa là giá của đồng tiền đó đi xuống.
Tuy nhiên, ngoài chức năng thanh toán, USD còn có chức năng dự trữ của các quốc gia, nên có thể sẽ tạm thời mất đi sự hấp dẫn. Mỹ có lẽ là ngân hàng trung ương cuối cùng cắt giảm lãi suất do trước đây đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đến bây giờ dịch bệnh thực sự đã làm tê liệt nền kinh tế.
“Ngoài cung cấp sản phẩm đầu ra xuất khẩu cho các nước, Trung Quốc cũng là quốc gia cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nước sản xuất. Chuỗi này gián đoạn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy”, ông Trung nói.
Mặt bằng lãi suất khó giảm mạnh
Một nghiên cứu nhanh của Ban Kinh vốn và tiền tệ BIDV cho biết, ngay khi thị trường mở cửa trong sáng ngày 4/3, tỷ giá USD/VND đã giảm nhẹ khoảng 10-20 điểm, dao động quanh mức 23.200-23.210 đồng/USD do chịu ảnh hưởng từ động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ của Fed.
Động thái này dự kiến sẽ khiến chỉ số DXY và tỷ giá USD/CNY chịu tác động giảm trong ngắn hạn.
Áp lực quốc tế hạ nhiệt cùng với tình hình cung cầu trong nước tiếp tục được đảm bảo sẽ là yếu tố thuận lợi cho xu hướng ổn định của tỷ giá trong nước tháng 3 này, dự kiến tỷ giá sẽ dao động quanh mức 23.200-23.230 đồng/USD vào thời điểm cuối tháng.
Còn trong kịch bản xấu hơn, khi dịch bệnh lây lan mạnh, có thể làm gia tăng áp lực khiến tỷ giá quay trở lại mức 23.250-23.300 đồng/USD.
Đối với thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất VND trong phiên sáng ngày 4/3 đã giảm nhẹ khoảng 10-20 điểm phần trăm, về mức 2-2,2%/năm đối với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần trong bối cảnh thanh khoản thị trường vẫn dồi dào và kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi Fed cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Kinh vốn và tiền tệ BIDV, mặt bằng lãi suất khó có thể giảm mạnh và dao động chủ đạo quanh biên độ 2,2-2,6%/năm với kỳ hạn 1 tuần trong thời gian còn lại của tháng 3 do NHNN vẫn duy trì quan điểm điều hành khá thận trọng và thanh khoản của toàn hệ thống dự kiến sẽ giảm bớt mức độ dư thừa so với tháng trước do một lượng lớn nguồn cung VND của các ngân hàng đang bị găm lại ở tín phiếu NHNN kỳ hạn 3 tháng (hiện ở mức 130.000 tỷ đồng).
Lãi suất USD liên ngân hàng dự kiến vẫn bám sát xu hướng của lãi suất trên thị trường quốc tế, nghĩa là có thể giảm thêm khoảng 0,3-0,5%/năm đến cuối tháng 3, về mức 1,2-1,3%/năm với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần.
Theo đó, chênh lệch lãi suất VND-USD dự kiến dao động chủ đạo quanh biên độ 1% đối với kỳ hạn 1 tuần.
Riêng lãi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm mạnh khoảng 20-30 điểm phần trăm trong phiên đầu ngày 4/3, về mức 1,7%/năm với kỳ hạn 5 năm; 2,4%/năm với kỳ hạn 10 năm và 2,5%/năm với kỳ hạn 15 năm.
Theo đó, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư gia tăng do kỳ vọng về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam ngày càng lớn, cũng như thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng ổn định và nguồn cung trên thị trường sơ cấp vẫn rất hạn chế, trong 1-2 tuần tới, mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ dự kiến dao động trong khoảng 1,5-1,6 %/năm với kỳ hạn 5 năm và 2,3-2,4%/năm với kỳ hạn 10 năm.
“Tuy nhiên, nếu đặt trong tương quan với một số chỉ tiêu như lạm phát hay lãi suất thị trường mở (OMO) thì mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ hiện nay có thể xem là rất thấp. Do đó, dự kiến sau khi giảm mạnh trong ngắn hạn, lãi suất trái phiếu chính phủ có thể điều chỉnh tăng nhẹ trở lại trong trung hạn khi tiếp tục theo dõi mức độ nới lỏng thực tế của chính sách tiền tệ, cũng như tác động của dịch Covid-19 đối với các biến số vĩ mô của nền kinh tế”, báo cáo của BIDV nhận định.
Tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình
Đánh giá về tác động của việc Fed hạ lãi suất, ông Ngô Đăng Khoa nêu quan điểm: “Thị trường tài chính - chứng khoán - tiền tệ Việt Nam khá ổn định sáng ngày 4/3 với thanh khoản khá tốt. Lãi suất trái phiếu chính phủ giảm 20-30 điểm phần trăm do nhu cầu mua cao hơn, điều này khá tương đồng với thị trường trái phiếu của các nước trong khu vực và thế giới do kỳ vọng lãi suất sẽ ổn định ở mức thấp nhất trong thời gian tới”.
Còn theo ông Lê Quang Trung: “Việt Nam đang tính gói giải pháp tổng thể để hỗ trợ nền kinh tế, nên với bối cảnh hiện nay, tỷ giá USD-VND dự báo vẫn ổn định, cân bằng”.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam không thể đứng ngoài các diễn biến toàn cầu.
Mặt bằng lãi suất trong nước sẽ giảm để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người đi vay, đây cũng là định hướng và yêu cầu từ Chính phủ, NHNN.
Tuy nhiên, các giải pháp giảm lãi suất hay hỗ trợ được đưa ra chỉ có thể được thực hiện hiệu quả và thực tế nếu toàn bộ thị trường cùng đồng hành.
“Người gửi tiền phải chấp nhận thu nhập từ lãi giảm ở mức hợp lý hơn, ngân hàng là trung gian tài chính phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận hợp lý và doanh nghiệp, người đi vay thì phải tiết giảm chi phí hoạt động”, vị lãnh đạo trên nói.
Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, cơ quan này vẫn đang theo dõi sát sao các diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế để có những hướng đi phù hợp với thực tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu NHNN căn cứ vào Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước để ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhất là cung ứng tín dụng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, không để thiếu vốn tín dụng.