Fed giảm lãi suất lần đầu sau 10 năm, cung tiền vẫn sẽ không tăng mạnh

Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố giảm 0,25% lãi suất USD, hôm qua (1/8), một loạt ngân hàng thương mại nhà nước cũng đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%. Động thái trên cho thấy, ngành ngân hàng đã chớp thời cơ rất tốt để giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.
Fed giảm lãi suất lần đầu sau 10 năm, cung tiền vẫn sẽ không tăng mạnh

Không giống như đợt giảm lãi suất cho vay diễn ra đầu năm nay - tức chỉ ngân hàng thương mại nhà nước tham gia, lần này, “sóng” hạ lãi suất đã nhanh chóng lan đến khối ngân hàng thương mại cổ phần. Như vậy, có thể thấy, giảm lãi suất đang là xu thế và thị trường hiện có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất.

Thứ nhất, Fed giảm lãi suất USD, hàng loạt quốc gia cũng thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Thứ hai, trong nửa đầu năm nay, hàng tỷ USD đã được bơm vào thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bơm mạnh tiền đồng ra để hút ngoại tệ, khiến thanh khoản tiền đồng dư thừa.

Thứ ba, lạm phát trong nước đang ở mức thấp. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã bắt đúng thời điểm tiền đồng chịu ít áp lực nhất để giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất cho vay hạ nhiệt cũng chứng tỏ, ngành ngân hàng đã rất nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giảm lãi suất ngắn hạn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều nước thực hiện nới lỏng tiền tệ, nếu Việt Nam đứng ngoài cuộc, thì sẽ rất thiệt thòi trong thương mại quốc tế, khiến thặng dư thương mại sụt giảm.

Những động thái đầu tiên về nới lỏng tiền tệ đã xuất hiện khi lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tín phiếu NHNN cũng giảm theo, song không có nghĩa, cung tiền sẽ tăng mạnh. Mức giảm lãi suất chỉ 0,5%, chỉ áp dụng với lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực rủi ro khác vẫn bị siết chặt đã cho thấy sự thận trọng của cơ quan điều hành.

Có thể thấy, dù áp lực với tiền đồng đã bớt đi, nhưng với ngân hàng, việc giảm lãi suất cũng không hề dễ. Cụ thể, lãi suất đầu ra hạ, nhưng ngân hàng thương mại không thể hạ sâu lãi suất huy động, mà phải duy trì ở mức thích hợp để khuyến khích người gửi tiền, cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.

Giảm lãi suất đầu ra trong bối cảnh lãi suất đầu vào khó giảm sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng giảm đi. Chưa kể, nhiều ngân hàng đang rất “khát” vốn trung, dài hạn.

Do đó, sẽ khó diễn ra việc giảm lãi suất ồ ạt nhất là ở khối ngân hàng nhỏ. Sự phân hóa về lãi suất tới đây dự báo sẽ rất mạnh và tùy thuộc vào sức khỏe của từng ngân hàng.  

Với NHNN, cơ quan này cũng sẽ không để xảy ra tình trạng ồ ạt bơm vốn ra thị trường, dẫn tới tỷ giá và lạm phát biến động theo. Thậm chí, cho dù USD mất giá, không loại trừ NHNN sẽ phải tăng can thiệp lên tỷ giá để giữ tiền đồng mất giá ở mức độ phù hợp, từ đó hỗ trợ ổn định tín dụng, cung tiền và xuất khẩu.    

Hạ lãi suất đang là xu thế với sự dẫn dắt của một loạt ngân hàng nhà nước và sự hưởng ứng của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần. Dòng vốn rẻ này sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Mặc dù vậy, trên bình diện toàn thị trường, chính sách tiền tệ sẽ không có những thay đổi lớn, càng không có chuyện vốn rẻ sẽ được ồ ạt bơm ra thị trường trong bối cảnh chính sách tiền tệ được áp dụng linh hoạt, lấy ổn định nền kinh tế vĩ mô làm ưu tiên hàng đầu.

    Hà Tâm
    baodautu.vn

    Tin liên quan

    Tin cùng chuyên mục