Fed dè chừng, phố Wall lo sợ

(ĐTCK) Dù giá dầu thô vẫn tăng mạnh, nhưng trong phiên thứ Tư, Phố Wall đã trả lại gần hết những gì đã có trong phiên trước đó khi Fed phát tín hiệu, biến động của kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Giới đầu tư tỏ ra lo lắng sau khi Fed phát đi tín hiệu thận trọng về kinh tế thế giới (Ảnh minh họa: AFP) Giới đầu tư tỏ ra lo lắng sau khi Fed phát đi tín hiệu thận trọng về kinh tế thế giới (Ảnh minh họa: AFP)

Trong phiên thứ Tư (27/1), kỳ vọng các nhà sản xuất lớn sẽ tìm được tiếng nói chung, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng.  

Tuy nhiên, khác với phiên thứ Ba, trong phiên thứ Tư, giá dầu tăng bị lu mờ bởi nhiều thông tin tiêu cực khác.

Cụ thể, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất như dự đoán trước đó của thị trường. Cơ quan này còn cho biết, đang “theo dõi chặt chẽ” sự phát triển của kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu để có những hành động cụ thể. Dù vậy, Fed vẫn có cái nhìn lạc quan về kinh tế Mỹ.

Dù Fed cho biết, vẫn lạc quan về nền kinh tế Mỹ, nhưng những thông điệp mà cơ quan này đưa ra khiến giới đầu tư và phân tích cho rằng, Fed đang phát tín hiệu dè chừng với sự bất ổn của kinh tế và thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Mỹ. Điều này khiến giới đầu tư phố Wall lo sợ và nhanh chóng thoát hàng, kéo 3 chỉ số chính giảm mạnh.

Ngoài ra, phố Wall còn bị ảnh hưởng tiêu cực từ cổ phiếu Apple và Boeing khi 2 đại gia này công bố kết quả kinh doanh thất vọng.

Kết thúc phiên 27/1, chỉ số Dow Jones giảm 222,77 điểm (-1,38%), xuống 15.944,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,68 điểm (-1,09%), xuống 1.882,95 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 99,51 điểm (-2,18%), xuống 4.468,17 điểm.

Chứng khoán châu Âu phiên thứ Tư khá giống với phiên trước đó khi giảm điểm ngay từ đầu phiên, nhưng đảo chiều tăng trở lại vào nửa cuối phiên nhờ giá dầu thô tăng mạnh, kéo theo nhóm cổ phiếu năng lượng và hàng hóa nguyên liệu tăng theo.

Kết thúc phiên 27/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 78,91 điểm (+1,33%), lên 5.990,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 58,07 điểm (+0,59%), lên 9.880,82 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,55 điểm (+0,54%), lên 4.380,36 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng từ đợt bán tháo của chứng khoán Trung Quốc, chứng khoán Nhật Bản đã lấy lại được hết những gì đã mất trong phiên giao dịch thứ Tư nhờ ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán Mỹ trong phiên trước đó. Tuy nhiên, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn đang đợi cuộc họp của Fed kết thúc, cũng như tuyên bố chính sách mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục trở lại, nhưng mức độ khiêm tốn hơn chứng khoán Nhật Bản do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán Trung Quốc đại lục.

Kết thúc phiên 27/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 455,02 điểm (+2,72%), lên 17.163,92  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 191,65 điểm (+1,02%), lên 19.052,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,23 điểm (-0,52%), xuống 2.735,56 điểm.

Trong khi sự thận trọng của Fed đem đến cho nhà đầu tư chứng khoán sự lo lắng, thì với nhà đầu tư trên thị trường vàng, đây là tin tốt. Do đó, đang lình xình, giá vàng đã bật tăng mạnh cuối phiên sau tuyên bố của Fed.

Kết thúc phiên 27/1, giá vàng giao ngay tăng 5,0 USD (+0,45%), lên 1.124,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 5,5 USD (+0,49%), lên 1.125,7 USD/ounce.

Kỳ vọng Nga và OPEC sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng sản xuất, giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 27/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,85 USD/thùng (+2,63%), lên 32,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,30 USD (+3,93%), lên 33,10 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục